Quyết liệt bứt tốc giải ngân đầu tư công

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nhằm khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán, lãng phí và gỡ các “nút thắt”, “điểm nghẽn” trong giải ngân đầu tư công, Bộ KHĐT vừa trình Thủ tướng Chính phủ đề xuất thành lập 7 tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công tác các bộ, cơ quan trung ương và địa phương cùng đề xuất phát động phong trào 120 ngày đêm tăng cường, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công 2024, phấn đấu hoàn thành 95% kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ giao.
Ước từ đầu năm đến hết tháng 8/2024, tổng vốn đầu tư công giải ngân của cả nước là 274.501 tỷ đồng, đạt 40,49% kế hoạch Thủ tướng giao. Ảnh: Lê Tiên
Ước từ đầu năm đến hết tháng 8/2024, tổng vốn đầu tư công giải ngân của cả nước là 274.501 tỷ đồng, đạt 40,49% kế hoạch Thủ tướng giao. Ảnh: Lê Tiên

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước từ đầu năm đến hết tháng 8/2024, tổng vốn giải ngân đầu tư công cả nước là 274.501 tỷ đồng, đạt 40,49% kế hoạch Thủ tướng giao (cùng kỳ năm 2023 đạt 42,35%). Trong đó, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giải ngân được 4.931,4 tỷ đồng (đạt 79,32% kế hoạch); chương trình mục tiêu quốc gia giải ngân được 13.812,4 tỷ đồng (đạt 50,74% kế hoạch).

Bên cạnh các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân cao (trên 45% kế hoạch) như: Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Nội vụ; các tỉnh: Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang, Hải Phòng, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Thái Bình…, có tới 34 bộ, cơ quan trung ương và 23 địa phương có tỷ lệ giải ngân đầu tư công 8 tháng đầu năm 2024 dưới mức trung bình của cả nước (40,49%). Danh sách giải ngân thấp có: Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Trung ương Đảng, Toàn án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao; các tỉnh: Lạng Sơn, Lai Châu, Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Cà Mau…

Bộ KH&ĐT cho biết, tỷ lệ giải ngân đầu tư công bình quân chung của khối địa phương thấp hơn trung bình cả nước, trong đó có một số địa phương có số vốn kế hoạch năm 2024 được giao chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kế hoạch vốn, nhưng có tỷ lệ giải ngân thấp, ảnh hưởng rất lớn đến tỷ lệ giải ngân chung của cả nước.

Bộ KH&ĐT cho biết, tỷ lệ giải ngân đầu tư công bình quân chung của khối địa phương thấp hơn trung bình cả nước, trong đó có một số địa phương có số vốn kế hoạch năm 2024 được giao chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kế hoạch vốn, nhưng có tỷ lệ giải ngân thấp, ảnh hưởng rất lớn đến tỷ lệ giải ngân chung của cả nước. Chẳng hạn, TP.HCM được giao kế hoạch vốn năm 2024 là 79.300 tỷ đồng, ước giải ngân 8 tháng đầu năm 2024 được 13.142 tỷ đồng, giảm 6.600 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2023. Hải Phòng được giao kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 là 17.000 tỷ đồng, ước giải ngân 7.800 tỷ đồng, giảm 2.400 tỷ đồng. Câu chuyện tương tự cũng xảy ra tại các tỉnh Bình Dương, Bắc Ninh, Quảng Ngãi, Bình Phước, Quảng Ninh...

Bộ KH&ĐT đánh giá, có nhiều nguyên nhân dẫn tới sự chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công, trong đó nguyên nhân chủ quan là công tác tổ chức thực hiện tại các bộ, ngành và địa phương còn nhiều bất cập. Cùng một mặt bằng pháp lý, có bộ, cơ quan trung ương, địa phương giải ngân tốt nhưng vẫn có bộ, cơ quan trung ương, địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp. Trong một số thời điểm, tại một số dự án, một số bộ, ngành, địa phương chưa thực sự quyết liệt, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được đề cao, chưa rõ nét. Bên cạnh đó, còn có các nguyên nhân khác như khó khăn về nguồn vốn thu ngân sách địa phương cân đối cho chi đầu tư phát triển, phê duyệt đơn giá đất còn chậm, thiếu đất, cát đắp nền…

Nhiều dự án đầu tư công chậm giải ngân do khó khăn về giải phóng mặt bằng, thiếu đất, cát đắp nền… Ảnh: Tiên Giang

Nhiều dự án đầu tư công chậm giải ngân do khó khăn về giải phóng mặt bằng, thiếu đất, cát đắp nền… Ảnh: Tiên Giang

Để khắc phục các hạn chế, tồn tại trong công tác giải ngân đầu tư công, Bộ KH&ĐT vừa kiến nghị Thủ tướng thành lập 7 tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ, khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công hàng năm tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân đầu tư công dưới mức trung bình của cả nước. Trong đó, tổ công tác số 1 đến số 5 do 5 Phó Thủ tướng làm tổ trưởng sẽ kiểm tra công tác giải ngân đầu tư công ở một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương; Tổ công tác số 6 do Bộ trưởng Bộ KH&ĐT làm tổ trưởng, Tổ công tác số 7 do Bộ trưởng Bộ Tài chính làm tổ trưởng sẽ kiểm tra công tác giải ngân đầu tư công tại một số địa phương. Tổ công tác sẽ tổ chức rà soát, tổng hợp khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án đầu tư công; kiến nghị các giải pháp nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn; giải thích, hướng dẫn thực hiện thống nhất quy định pháp luật về đầu tư công và các quy định có liên quan nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án đầu tư công…

Trao đổi với phóng viên, đại diện một số nhà thầu lớn chia sẻ, thực tế ở công trình nào nhận được sự quan tâm, sát sao chỉ đạo và quyết liệt của chủ đầu tư, lãnh đạo Chính phủ, bộ, ngành, địa phương thì các khó khăn, vướng mắc sớm được tháo gỡ, tiến độ thi công, thanh quyết toán, giải ngân cũng được đẩy mạnh. Kết quả của chiến dịch thi đua 120 ngày đêm trên công trường đã đưa Dự án Đường dây 500 km mạch 3 bứt tốc về đích đúng hẹn. Chiến dịch thi đua 120 ngày đêm “vượt nắng thắng mưa”, bám trụ công trường 24/24 đã giúp 4 dự án đường bộ cao tốc: Mai Sơn - Quốc lộ 45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây thông xe kỹ thuật sớm. Và mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phát động thi đua cao điểm 500 ngày đêm hoàn thành 3.000 km cao tốc. Đây sẽ là nguồn động lực, mục tiêu “cán đích” của nhiều công trình giao thông lớn đang triển khai với phương châm “chỉ bàn làm, không bàn lùi”.

Tại các hội thảo lấy ý kiến các tỉnh, thành phố thuộc vùng miền núi phía Bắc và đồng bằng sông Hồng, các tỉnh, thành phố thuộc 2 vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên đối với Luật Đầu tư công (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật PPP, Luật Đấu thầu do Bộ KH&ĐT tổ chức, đại diện nhiều địa phương đều có chung quan điểm rằng, các đề xuất sửa đổi Luật Đầu tư công rất phù hợp với thực tiễn hiện nay, nếu được Quốc hội thông qua vào kỳ họp tới sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn cho các địa phương, khơi thông nguồn lực đầu tư. Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương khẳng định, việc sửa đổi Luật Đầu tư công lần này là toàn diện, với tiến độ khẩn trương và yêu cầu cao về chất lượng sẽ giúp khắc phục căn bản những khó khăn, hạn chế, vướng mắc, điểm nghẽn trong việc sử dụng nguồn lực đầu tư công, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và khơi thông nguồn lực cho phát triển đất nước.

Tính đến hết tháng 7/2024, tổng vốn giải ngân đầu tư công của 9 dự án quan trọng quốc gia ngành giao thông là 32.743,5 tỷ đồng, đạt 34,6% kế hoạch năm 2024, thấp hơn tỷ lệ giải ngân bình quân chung của cả nước. Trong đó, Dự án Cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 giải ngân được 2.559 tỷ đồng, đạt 39,2% kế hoạch; Dự án Cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 giải ngân được 16.837 tỷ đồng, đạt 55,9% kế hoạch; Dự án Cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 giải ngân 1.680 tỷ đồng, đạt 35,8% kế hoạch; Dự án Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 giải ngân 1.286 tỷ đồng, đạt 19,8% kế hoạch; Dự án Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 giải ngân 4.636 tỷ đồng, đạt 43,2% kế hoạch; Dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội giải ngân 1.641 tỷ đồng, đạt 16,7% kế hoạch; Dự án Vành đai 3 - TP.HCM giải ngân 2.233 tỷ đồng, đạt 10,4% kế hoạch.

Tin cùng chuyên mục