Rà soát dự án BOT và việc thu phí

(BĐT) - Một loạt vấn đề của ngành giao thông đang thu hút sự quan tâm của dư luận như: thu phí BOT, tìm nguồn lực đầu tư vào hạ tầng, tiếp tục cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp (DN) ra sao…  Báo Đấu thầu đã phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Hồng Trường xung quanh những vấn đề này.
Đối với một số vị trí trạm thu phí chưa đảm bảo khoảng cách, Bộ GTVT sẽ tiếp tục rà soát sắp xếp cho phù hợp. Ảnh: Tất Tiên
Đối với một số vị trí trạm thu phí chưa đảm bảo khoảng cách, Bộ GTVT sẽ tiếp tục rà soát sắp xếp cho phù hợp. Ảnh: Tất Tiên

Một số dự án BOT giao thông đang gây bức xúc vì mức phí, thời gian thu phí. Quan điểm của Thứ trưởng về vấn đề này như thế nào?

Trước năm 2013, mức phí BOT được quy định tại Thông tư 90/2004/TT-BTC, khi đó mức thu tối đa 20.000 đ/pcu/lượt (pcu: Passenger car unit – hệ số quy đổi theo tiêu chuẩn xe ô tô con 5 chỗ), mức thu này được quy định tại thời điểm năm 2004 với thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam ở mức 500 USD và đến 2011 thu nhập bình quân đầu người đã tăng đến khoảng 1300 USD tương đương với 2,6 lần (Nguồn: Fulbright Vietnam). Trong khi giá các dịch vụ thiết yếu (điện, xăng dầu...), chi phí xây dựng, thu nhập bình quân đầu người đều tăng, mức thu phí phí đường bộ ban hành từ năm 2004 đến năm 2013 vẫn chưa thay đổi. Điều này làm cho các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đường bộ có hiệu quả tài chính rất thấp, không thu hút đầu tư được dự án mới. Để phù hợp với thực tế, tại Thông báo số 373/TB-VPCP ngày 08/11/2012 của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo “đồng ý về chủ trương điều chỉnh tăng mức thu phí đường bộ như đề nghị của Bộ GTVT, nhưng cần có lộ trình tăng từ nay đến năm 2016 đạt mức khoảng 3,5 lần so với mức giá cơ bản tại Thông tư 90/2004/TT-BTC”. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 159/2013/TT-BTC thay thế Thông tư 90/2004/TT-BTC trước đây, trong đó mức thu tối đa từ năm 2014 là 38.000 đ/pcu/lượt, năm 2015 là 45.000 đ/pcu/lượt và kể từ năm 2016 là 52.000đ/pcu/lượt.

Do mức phí nhiều năm liền (từ trước 2004 đến năm 2013) cố định không tăng nên từ năm 2015 đến nay nhiều dự án BOT đã triển khai và hoàn thành được thu phí với mức thu mới (chủ yếu là 35.000 đ/pcu/lượt) đã ít nhiều gây bức xúc trong dư luận. Như vậy, chúng ta đã chưa chú trọng đến công tác thông tin tuyên truyền rộng rãi cho người dân hiểu được việc tăng phí thực tế là để hoàn vốn cho những dự án đầu tư mới hoàn thành theo lộ trình cam kết. Hiện nay, Bộ GTVT đã chỉ đạo rà soát các dự án BOT mới đầu tư trong thời gian qua để xem xét điều chỉnh giảm mức phí trên cơ sở vẫn đảm bảo được khả năng hoàn vốn đầu tư, không để ngân sách nhà nước phải bố trí kinh phí cho dự án.

Rà soát dự án BOT và việc thu phí ảnh 1
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường
Còn về khoảng cách giữa các trạm thu phí BOT, Thứ trưởng có nhận xét gì?

Về khoảng cách giữa các trạm thu phí, vấn đề này đã được quy định rõ tại Thông tư 159/2013/TT-BTC hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ hoàn vốn đầu tư xây dựng đường bộ. Bộ GTVT bảo đảm tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về trình tự, thẩm quyền thực hiện, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và Bộ Tài chính trong việc quyết định thành lập các trạm thu phí. Cho đến thời điểm hiện tại, Bộ đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và điều chỉnh, sắp xếp các trạm thu phí cơ bản đảm bảo khoảng cách, nằm trong phạm vi dự án. Đối với một số vị trí chưa đảm bảo khoảng cách do những yếu tố về kỹ thuật, mặt bằng..., Bộ sẽ tiếp tục rà soát sắp xếp cho phù hợp.

Thời gian tới, Bộ có chủ trương và giải pháp gì để đẩy nhanh CPH doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thuộc Bộ? Với những DN “ngại” và “sợ” CPH, giải pháp của Bộ là gì?

Trong giai đoạn từ năm 2011 đến nay, Bộ GTVT đã thực hiện CPH 137 DN, thoái vốn tại 106 DN, được Chính phủ biểu dương là đơn vị dẫn đầu cả nước trong công tác CPH, thoái vốn nhà nước tại DN. Thời gian tới, Bộ GTVT tiếp tục đẩy mạnh CPH các DN theo phương án tổng thể sắp xếp, đổi mới DNNN giai đoạn 2016 - 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với những giải pháp, chỉ đạo mà Bộ đã triển khai, thực hiện thành công trong thời gian qua, bao gồm các giải pháp chủ yếu sau: xác định rõ vai trò người đứng đầu; vai trò của tổ chức Đảng và cơ quan tham mưu thuộc Bộ trong chỉ đạo; chủ động, đề xuất tháo gỡ các khó khăn cho DN; đẩy mạnh công tác tuyên truyền; phối hợp với các Bộ, ngành liên quan; tìm kiếm, lựa chọn nhà đầu tư phù hợp...

Xác định CPH DNNN là nhiệm vụ chính trị, trọng tâm của quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, Bộ GTVT chỉ đạo quyết liệt, tuyên truyền vận động và có sự đồng thuận cao từ tập thể cán bộ lãnh đạo đến người lao động của DN. Do vậy, hầu hết các DN thuộc Bộ không “ngại” hay “sợ” CPH. Trường hợp lãnh đạo DN không nghiêm túc thực hiện hoặc thực hiện không có kết quả tái cơ cấu, CPH, thoái vốn nhà nước tại DN, Bộ sẽ xem xét, xử lý nghiêm về hành chính theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 06/CT-TTg ngày 12/3/2014 về đẩy mạnh tái cơ cấu DNNN.

Tin cùng chuyên mục