Rào cản nào đang ngáng trở doanh nghiệp bứt tốc?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao nỗ lực Chính phủ trong việc tháo gỡ các nút thắt về thể chế, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, kiến tạo môi trường kinh doanh ngày càng thuận lợi. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điểm nghẽn được các doanh nghiệp trong và ngoài nước nêu ra, cần sớm khơi thông để tạo không gian phát triển rộng mở và bền vững cho nền kinh tế trong thời gian tới.
Cần tiếp tục tháo gỡ điểm nghẽn về cơ chế, nâng cao chất lượng thực thi chính sách nhằm tăng cường nội lực cho doanh nghiệp, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế. Ảnh: Lê Tiên
Cần tiếp tục tháo gỡ điểm nghẽn về cơ chế, nâng cao chất lượng thực thi chính sách nhằm tăng cường nội lực cho doanh nghiệp, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế. Ảnh: Lê Tiên

Bức tranh nhiều sắc thái

Báo cáo Chỉ số Niềm tin kinh doanh (BCI) quý II/2024 được Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) công bố ngày 15/7 cho biết, BCI giảm nhẹ từ 52,8 điểm trong quý I xuống 51,3 điểm trong quý II/2024, nhấn mạnh sự cần thiết phải tiếp tục điều chỉnh chính sách để duy trì đà tăng trưởng. Ông Thue Quist Thomasen, Giám đốc điều hành Decision Lab - bộ phận thực hiện BCI cho biết: “Kết quả khảo sát này tiết lộ một bức tranh nhiều sắc thái về bối cảnh kinh doanh tại Việt Nam. Trong khi 68% số người được hỏi cho biết điều kiện hiện tại ở mức trung bình đến tích cực, thì sự thận trọng trong ngắn hạn đã tăng nhẹ. Tuy nhiên, mức tăng trưởng GDP 6,42% trong nửa đầu năm 2024 và gần 70% số người được hỏi bày tỏ sự lạc quan trong dài hạn cho thấy niềm tin mạnh mẽ rằng, các chỉ số tích cực có thể thành hiện thực trong tương lai".

Để thu hút thêm FDI và kích thích tăng trưởng kinh tế, các doanh nghiệp được khảo sát đã nêu bật 5 yếu tố để Việt Nam có thể cải thiện môi trường kinh doanh. Đó là hợp lý hóa các quy trình hành chính và thủ tục; tăng cường sự rõ ràng trong pháp luật để giảm bớt việc giải thích không chính xác; phát triển hạ tầng cốt lõi (đường, cảng, cầu...); đơn giản hóa thủ tục cấp thị thực, giấy phép lao động cho chuyên gia nước ngoài; bảo đảm ổn định chính trị và an ninh.

Với khối doanh nghiệp trong nước, tại Diễn đàn kinh tế “Mở rộng không gian tăng trưởng trong bối cảnh mới” do Tạp chí Kinh tế Việt Nam (VnEconomy) tổ chức, đại diện một số hiệp hội doanh nghiệp đã nêu rõ những trở ngại trong hoạt động sản xuất hiện nay.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, trong 6 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may tăng 4% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang phải đối mặt với một số thách thức. Đó là tiêu chuẩn kép từ các nước nhập khẩu (vừa là tiêu chuẩn của quốc gia vừa là tiêu chuẩn của các nhãn hàng); quy định khắt khe về nguyên liệu nhập khẩu cho dệt may; yêu cầu về phát triển công nghệ xanh, công nghệ tái chế; thiếu hụt nguồn lực lao động bảo đảm chất lượng (nhiều doanh nghiệp bị sụt giảm lao động từ 18 - 20% trong 6 tháng đầu năm).

Từ những khó khăn trên, VITAS đề xuất một số giải pháp để ngành dệt may phát triển bền vững. Theo đó, cần thực thi thực chất và hiệu quả Chiến lược phát triển ngành dệt may theo Quyết định số 1643/QĐ-TTg ngày 29/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, điểm đáng chú ý là quy hoạch các khu công nghiệp tại địa phương, kêu gọi đầu tư cho công nghiệp dệt, nhuộm để giảm tỷ lệ nhập khẩu nguyên liệu dệt may.

Bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA) cho biết, do tiêu dùng toàn cầu suy yếu, ngành điện tử Việt Nam gặp nhiều khó khăn, có doanh nghiệp phải cắt giảm lao động lên tới 70%, sa thải những lao động lâu năm, có tay nghề.

“Doanh nghiệp điện tử Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, thiếu vốn, khó tiếp cận các nguồn vốn vay và tài trợ, công nghệ chưa cao nên tham gia chuỗi cung ứng với vị thế đơn hàng bấp bênh và không ổn định. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp phản ánh là hết hạn hợp đồng thuê nhà đất doanh nghiệp không được gia hạn mà nhận được công văn đóng tiền thuê đất với giá thuê cao hơn. Điều này khiến hoạt động của doanh nghiệp thiếu ổn định, gây rủi ro bởi khó tính được chi phí sản xuất, kinh doanh, không dám mở rộng nhà xưởng vì hợp đồng thuê đất chỉ 1 năm. VEIA kiến nghị cần hỗ trợ doanh nghiệp trong đào tạo nghề lĩnh vực này, có chính sách thuế và tiền thuê đất ổn định”, bà Hương nhấn mạnh.

Với lĩnh vực bất động sản, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, dù thị trường có dấu hiệu sôi động trở lại, song thực tế, tổng số sản phẩm chào bán hiện nay chỉ tương đương 15% con số của giai đoạn 2018 – 2019. Hơn 1.000 dự án bất động sản không triển khai được do các rào cản và vấn đề về thể chế dù Chính phủ và một số bộ, ngành đã quyết tâm tháo gỡ điểm nghẽn, đưa chính sách mới đi vào cuộc sống. “Nếu nghị định và văn bản hướng dẫn các luật mới liên quan lĩnh vực bất động sản không tháo gỡ triệt để những vướng mắc về giao đất, đấu giá và cách tính giá đất thì doanh nghiệp vẫn không triển khai được dự án”, ông Đính nhấn mạnh.

Nền kinh tế đang trên đà phục hồi, hướng tới việc hoàn thành các chỉ tiêu năm 2024 với một số động lực từ xuất khẩu, đầu tư, doanh nghiệp… Ảnh: Tuấn Anh

Nền kinh tế đang trên đà phục hồi, hướng tới việc hoàn thành các chỉ tiêu năm 2024 với một số động lực từ xuất khẩu, đầu tư, doanh nghiệp… Ảnh: Tuấn Anh

Cải thiện cơ chế, chính sách, tăng năng lực doanh nghiệp

Tại báo cáo gửi Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm nay, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam nhận định, nền kinh tế đang trên đà phục hồi, hướng tới việc hoàn thành các chỉ tiêu năm 2024 với một số động lực rõ nét từ xuất khẩu, đầu tư, hoạt động doanh nghiệp.

Tuy nhiên, để đạt được các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của cả năm nay, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội kiến nghị, đối với thúc đẩy đầu tư, chính sách tài khóa cần được xem là trọng tâm, còn chính sách tiền tệ mang tính hỗ trợ. Trong đó, chính sách tài khóa cần ưu tiên tăng cường giải ngân vốn đầu tư công, từ đó, tạo lan tỏa sang đầu tư tư nhân. Bên cạnh đó, các biện pháp phòng vệ thương mại cần được sử dụng hiệu lực hơn nữa để hạn chế tình trạng các doanh nghiệp nước ngoài vận dụng thị trường nội địa để lẩn tránh thuế thương mại.

Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng ban kinh tế Trung ương cho biết, qua khảo sát và làm việc trực tiếp với nhiều doanh nghiệp tại địa phương, cơ quan này nhận thấy doanh nghiệp vẫn còn rất nhiều khó khăn, đặc biệt là rào cản từ việc thực thi các quy định, thủ tục trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Chẳng hạn, với thủ tục trả tiền thuê đất hàng năm, có doanh nghiệp cao su tại tỉnh Bình Phước cho biết, do việc mở đường mới gần nhà máy nên tiền thuê đất đội lên nhiều, doanh nghiệp có nguy cơ phải dừng hoạt động; nhiều hướng dẫn thực thi quy định về môi trường chậm, một số quy định “có cùng một tiêu chuẩn” với các quy mô sản xuất, đặc tính sản phẩm khác nhau khiến doanh nghiệp bị động và khó tuân thủ… Trong khi đó, nhiều chính sách hỗ trợ vẫn chưa đi vào cuộc sống khiến doanh nghiệp không được thụ hưởng, tư duy phát triển ngành nghề của một số địa phương vẫn còn hạn chế. Chẳng hạn, nhiều địa phương ưu tiên đất cho việc phát triển các khu đô thị hơn là ưu tiên phát triển vùng nguyên liệu cho dệt may…

“Để thúc đẩy tăng trưởng trong năm nay và tạo tiền đề cho tăng trưởng bền vững trong thời gian tới, điểm mấu chốt là phải nâng cao năng lực sản xuất của cộng đồng doanh nghiệp. Trong đó, cần tiếp tục tháo gỡ điểm nghẽn về cơ chế, nâng cao chất lượng thực thi chính sách và quy định pháp luật, triển khai các chiến lược phát triển ngành nghề hiệu quả”, ông Hiển nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục