Sáng tạo là chìa khóa tăng trưởng hậu Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tuân thủ quy định khi thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA) và sáng tạo trong các quyết sách, linh hoạt trong vận hành là những yếu tố mang tính quyết định với Việt Nam để thu hút được dòng vốn đầu tư mới, góp phần củng cố và cải thiện tăng trưởng thời hậu Covid.
Việc không ngừng vận dụng các công nghệ mới trong sản xuất để
đẩy xa các giới hạn của năng suất lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất là rất cần
thiết để phát triển kinh tế hậu Covid-19. Ảnh: Lê Tiên
Việc không ngừng vận dụng các công nghệ mới trong sản xuất để đẩy xa các giới hạn của năng suất lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất là rất cần thiết để phát triển kinh tế hậu Covid-19. Ảnh: Lê Tiên

Đó là ý kiến của Giáo sư Philippe Aghion đến từ Đại học Harvard tại cuộc hội thảo trực tuyến về “Tăng trưởng kinh tế toàn cầu hậu Covid-19 và hàm ý chính sách cho Việt Nam” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức ngày 6/7.

Trả lời câu hỏi về định hướng chính sách để Việt Nam tận dụng được sự chuyển dịch dòng vốn đầu tư và duy trì sức tăng trưởng tốt hậu Covid, từ khóa xuyên suốt của Giáo sư Philippe Aghion là “sáng tạo”.

Theo vị giáo sư này, Việt Nam không nên quá quan ngại về khả năng đáp ứng và sức cạnh tranh để đón nhận dòng vốn nước ngoài từ cuộc tái định vị chuỗi cung ứng toàn cầu hậu Covid, nếu biết cách kích thích sự sáng tạo trong các chiến lược và linh hoạt trong thực thi.

Cụ thể, đó là việc không ngừng vận dụng các công nghệ mới để đẩy xa các giới hạn của năng suất lao động, hiệu quả sản xuất. Bên cạnh đó, cần có những chính sách rất linh hoạt trong việc đào tạo người lao động biết cách tiếp tục học hỏi, từ đó thích ứng tốt với điều kiện kinh tế mới.

Mặt khác, trong sân chơi mới của nhiều FTA, theo Giáo sư Philippe Aghion, điều quan trọng là nhất quán tuân thủ các quy định của những hiệp định này.

“Trong hoạt động thương mại toàn cầu, Trung Quốc từng nhiều lần tai tiếng với các vụ kiện chống bán phá giá và cạnh tranh thiếu công bằng. Việt Nam lại khác. Tôi đánh giá cao Việt Nam ở việc tuân thủ đúng luật chơi của hội nhập quốc tế và các bạn đã tạo được niềm tin với các nước khác. Nếu tiếp tục làm tốt điều này và không ngừng sáng tạo để nâng cao năng lực của nền kinh tế thì Việt Nam chắc chắn có được vòng tay rộng mở từ các đối tác châu Âu”, Giáo sư Philippe Aghion nói.

Liên quan đến các nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc đẩy mạnh đầu tư cho nền kinh tế nhằm ứng phó hậu Covid-19, Giáo sư Philippe Aghion cho rằng, không nên quá quan ngại về các rủi ro của việc này.

“Đầu tư đúng và kiểm soát chặt chẽ dòng tiền là điều cần thiết để tạo tiền đề cải thiện các yếu tố nhằm thu hút vốn đầu tư nước ngoài, qua đó thúc đẩy chất lượng tăng trưởng và gia tăng nội lực cho nền kinh tế. Mặt khác, cần tạo điều kiện tốt nhất để kích thích sáng tạo ở mọi góc cạnh của nền kinh tế”, ông Philippe Aghion nhấn mạnh.

Ở khía cạnh khác, ông Vũ Tú Thành, Phó Giám đốc điều hành khu vực thuộc Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN cho rằng, để trở thành đối tác của doanh nghiệp Mỹ trong cuộc dịch chuyển dòng vốn đầu tư đang diễn ra, Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức.

Trong đó, rào cản lớn nhất mà Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN luôn phải làm việc với Chính phủ và các bộ ngành là môi trường chính sách. “Điều quan ngại nhiều năm nay là tính nhất quán của chính sách, đặc biệt là chính sách thuế, chính sách phát triển kinh tế số”, ông Thành nói thêm.

Cùng quan điểm về điều này, Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cho rằng, Việt Nam cần sớm xây dựng và công bố chính sách thu hút dòng vốn đầu tư dịch chuyển. Trong đó, cần công bố rõ lĩnh vực ưu tiên, địa phương ưu tiên gắn với quy hoạch tổng thể, tránh cạnh tranh không lành mạnh giữa các địa phương. Đồng thời, cần đẩy nhanh tiến trình phát triển kinh tế số, Chính phủ và giao dịch, thanh toán điện tử vừa để tăng năng suất lao động vừa theo kịp xu thế.

Mặt khác, cần tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu và nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế đối với các cú sốc từ bên ngoài. Cụ thể, cần tập trung nhiều hơn vào các yếu tố chất lượng, sáng tạo, bao trùm và bền vững. Đồng thời, cần nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia và doanh nghiệp, nâng cao năng lực sản xuất và phát triển thị trường tiêu thụ trong nước; chú trọng lực lượng lao động có trình độ chuyên môn cao.

Tin cùng chuyên mục