Nguyễn Đình Nam, CEO VP9 giới thiệu sản phẩm của công ty mình với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc |
Đủ vốn để đón sóng mới
10 năm bước chân vào thương trường chỉ bởi một cái cớ “không ai bán sản phẩm cho mình thì mình phải bán”, đến nay, Nguyễn Đình Nam, CEO của VP9 - một cái tên quen thuộc trong lĩnh vực khoa học và công nghệ với nhiều giải thưởng uy tín - tự nhận là đã bắt đầu mạnh mà chưa giàu.
Dù chưa có khối tài sản lớn và sự thành - bại vẫn còn ở phía trước nhưng những ông chủ trẻ trong lĩnh vực công nghệ như Nguyễn Đình Nam được dự đoán là thế hệ doanh nhân tiếp theo của Việt Nam. Bởi lẽ, đây là xu thế tất yếu khi nền kinh tế Việt Nam bước qua ngưỡng thu nhập trung bình thấp và tiềm năng phát triển từ các lĩnh vực lợi thế của các quốc gia đang phát triển không còn nhiều.
Chia sẻ suy nghĩ về thế hệ doanh nhân Việt trong giai đoạn mới, bà Thạch Lê Anh, Chủ nhiệm Đề án Thung lũng Silicon Việt Nam (VSV) cho rằng, công nghệ là bước tiến tất yếu cần đạt được của doanh nhân và doanh nghiệp Việt Nam khi các điều kiện khá đủ và cơ hội không quá xa tầm với.
“Nhiều doanh nhân chọn lĩnh vực thương mại và bất động sản để xây dựng và phát triển doanh nghiệp ở giai đoạn đầu, phần nhiều do lĩnh vực này đòi hỏi nguồn vốn không nhiều trong khi cơ hội kiếm tiền dễ dàng hơn. Giờ đây, nhiều doanh nghiệp lớn đã tích lũy đủ vốn để nghĩ đến việc tiếp cận và thâm nhập lĩnh vực công nghệ nhiều hơn”, bà Lê Anh chia sẻ. Với công nghệ, họ có thể nhân rộng và phát triển vượt trội hoạt động kinh doanh của mình. Mặt khác, có nhiều yếu tố đang hỗ trợ cho hoạt động công nghệ, như nguồn nhân lực tốt, cách nhìn nhận và đánh giá của xã hội về lĩnh vực này đã thay đổi theo hướng tin tưởng hơn. Do đó, nhiều bạn trẻ cũng chọn lựa khởi nghiệp với công nghệ.
Còn với Nguyễn Đình Nam, ông chủ trẻ này vẫn tin là kinh tế Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn phát triển mới với sự đóng góp đáng kể từ lĩnh vực công nghệ. “Quan sát kinh tế Trung Quốc có thể thấy họ gần như đã qua giai đoạn phát triển dựa vào nguồn lao động giá rẻ, thế hệ doanh nhân mới ở Trung Quốc hiện nay là các tỷ phú công nghệ. So với Việt Nam, kinh tế Trung Quốc và lĩnh vực công nghệ Trung Quốc đều đi trước chúng ta nhiều năm, do đó, khó có thể nhận định là chúng ta sắp bước vào giai đoạn của một thế hệ doanh nhân và doanh nghiệp mới từ công nghệ song hoàn toàn có thể hy vọng vào điều đó cho những năm tiếp theo”, Nam chia sẻ.
Bước qua những rào cản
“Sản xuất và bán sản phẩm công nghệ là khó bởi đòi hỏi đầu tư lớn, chấp nhận cuộc đua dài và bền bỉ, bởi chúng tôi có số vốn không lớn mà thị trường lại có tính cạnh tranh gay gắt”, Nguyễn Đình Nam nói và nhấn mạnh: “Chúng tôi mới làm được 3 năm, trong khi các đối thủ trên thị trường đã có thâm niên hàng chục năm. Dẫu vậy, chúng tôi vẫn muốn sản xuất và bán được những sản phẩm thật sự chất lượng và cạnh tranh đàng hoàng với họ”.
Không chỉ vậy, những doanh nghiệp trẻ muốn tiếp cận thị trường còn gặp rào cản từ tình trạng nhiều đối tác mua hàng chưa chú trọng chất lượng. Họ thường mua qua công ty thương mại, những công ty này thường có xu hướng chú trọng lợi nhuận thu được hơn là chất lượng. Vì vậy, sản phẩm họ mua có thể không đạt chất lượng cao trong khi thị trường vẫn sẵn những sản phẩm tốt hơn với giá cả hợp lý.
“Những doanh nghiệp đáp ứng được cách mua bán như vậy sẽ không thể lớn lên được, bởi họ quen làm sản phẩm với chất lượng thấp mà vẫn bán được hàng. Cách thức kinh doanh như vậy sẽ tạo nên môi trường kinh doanh không lành mạnh. Những công ty làm ăn như vậy có thể giàu lên trước mắt nhưng về lâu dài chưa chắc đã trụ vững”, Đình Nam chia sẻ.
Có thể thấy, một cuộc chuyển đổi mang lại cơ hội cho doanh nghiệp trẻ Việt Nam đòi hỏi sự thay đổi không chỉ từ những chính sách của cơ quan chức năng, mà còn từ văn hoá tiêu dùng. Điều này vẫn còn là dấu hỏi hoài nghi.
Trong khi đó, chia sẻ góc nhìn văn hoá từ cách nhìn nhận của xã hội với lựa chọn con đường lập nghiệp của nhiều bạn trẻ hiện nay, bà Lê Anh cho rằng, văn hoá là thứ vừa dễ vừa khó. Dễ bởi gần như không tốn nhiều chi phí. Khó vì phải thuyết phục các bậc phụ huynh, truyền thông và các cơ quan chức năng có cách nhìn khác về điều này. “Bố mẹ phải chấp nhận con họ có quyền lựa chọn con đường lập nghiệp, dù đó là công nghệ hay lĩnh vực nào khác. Báo chí cũng phải có định hướng tuyên truyền phù hợp. Với kinh doanh, cần thay đổi cách nghĩ của nhiều người theo hướng chấp nhận thử thách bởi kinh doanh là không dễ dàng và thất bại không phải là bi kịch. Chính phủ cần phối hợp với khu vực tư nhân để triển khai những chính sách thực tế hỗ trợ khởi nghiệp”, bà Lê Anh nói.
Đôi nét về thế hệ doanh nhân kế cận
Trở lại với chủ đề văn hoá kinh doanh từ trong mỗi mái nhà doanh nhân hay chuyện các doanh nhân định hướng con đường phát triển cho con cái của mình, bà Lê Anh chia sẻ: ‘Mỗi gia đình có cách định hướng khác nhau. Dù chung một mong muốn là giữ gìn gia sản đã tạo dựng, nhưng không hẳn các doanh nhân đều muốn con cái nối nghiệp của mình. Thực tế, có muốn cũng không hẳn sẽ làm được. Đặc biệt trong thời đại phát triển gắn với công nghệ hiện nay, yếu tố chính tạo nên thành công là đổi mới sáng tạo”.
“Do đó, mỗi cá nhân muốn phát triển phải tạo được bước đột phá mà không phụ thuộc cá nhân đó là con của bố mẹ nào. Tôi vẫn nghĩ rằng, bối cảnh hiện nay đang mang lại cơ hội công bằng cho những người có năng lực để họ có thể trở thành những doanh nhân, tỷ phú công nghệ. Điều này đã rất rõ nét ở các nước như Trung Quốc, Nhật Bản và chắc sẽ không khác biệt ở Việt Nam”, vị chủ nhiệm VSV nhìn nhận.
Biết con đường đã chọn là không dễ dàng song Nguyễn Đình Nam vẫn kiên định cách sản xuất và kinh doanh như vậy, bởi không thể và không muốn thay đổi, hơn hết, bởi niềm tin kinh tế Việt Nam đang thay đổi, môi trường kinh doanh bắt đầu thiện cảm và chấp nhận sản phẩm chất lượng cao thay vì chỉ nhìn vào lợi ích tài chính.
Họ, những người đã tham gia và chứng kiến sự đổi thay của nền kinh tế trong nhiều năm qua vẫn tiếp tục làm công việc hàng ngày của mình, tìm kiếm cơ hội cho chính doanh nghiệp của họ để cùng nhau làm nên một thế hệ doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam chất lượng và bền vững.