Sáp nhập các ban quản lý dự án: Làm gì để hiệu quả và thực chất?

(BĐT) - Thời gian qua, việc sáp nhập các ban quản lý dự án (QLDA) diễn ra khá rầm rộ ở nhiều bộ, ngành, địa phương. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, nếu việc sáp nhập chỉ dừng lại ở việc thu gọn đầu mối một cách cơ học thì sẽ không đem lại hiệu quả và không đi vào thực chất.
Số đầu việc và khối lượng công việc của nhiều ban QLDA giảm mạnh trong thời gian gần đây
Số đầu việc và khối lượng công việc của nhiều ban QLDA giảm mạnh trong thời gian gần đây

Việc ít người nhiều

Điển hình cho việc sáp nhập các ban QLDA ở địa phương là Hà Nội thành lập 5 ban QLDA trực thuộc UBND Thành phố trên cơ sở tiếp nhận nguyên trạng tổ chức bộ máy, nhân sự của 26 ban tiền thân. Tuy nhiên, theo đánh giá, bộ máy này đã thành 5 “siêu ban” với tổng số gần 1.000 người. Trong đó, Ban QLDA giao thông có tới hơn 400 người.

Còn ở Bộ GTVT, quá trình sáp nhập 4 ban QLDA thành 2 ban QLDA cũng tương tự. Ban QLDA Thăng Long (sáp nhập từ Ban QLDA 1 và Ban QLDA Thăng Long) và Ban QLDA 2 (sáp nhập từ Ban QLDA 2 và Ban QLDA An toàn giao thông) đã hoàn thành quá trình sáp nhập từ tháng 7/2017. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của Báo Đấu thầu, hiện các ban QLDA này có khá đông người lao động, viên chức song công việc thì không nhiều, việc sáp nhập chỉ giảm đầu mối công việc, giảm lãnh đạo nhưng tổng số nhân viên vẫn vậy, chỉ là gộp lại một cách cơ học.

Một lãnh đạo ban QLDA cho biết, khó khăn chung của các ban QLDA sau khi sáp nhập là tình trạng dôi dư nhân sự, trong khi công việc ngày càng ít đi. Quỹ lương trả cho các cán bộ của ban QLDA được hình thành từ phí quản lý dự án mà số lượng dự án đang cạn dần, hoặc là ở giai đoạn sắp kết thúc, chờ thanh, quyết toán hoặc đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, nhưng chưa bố trí được nguồn vốn. Vì thế, việc chi trả lương cho cán bộ, người lao động ở các Ban QLDA hiện nay khá “chật vật”, thậm chí có một số ban QLDA còn nợ hoặc không thể trả lương cho người lao động. 

Hiệu quả thấp

Một số chuyên gia cho biết, sở dĩ việc sáp nhập các ban QLDA mới chỉ dừng lại ở mức giảm đầu mối một cách cơ học mà chưa có hiệu quả là do thiếu cơ chế để giảm số lượng người lao động, cán bộ ở các bộ phận chuyên môn. Khi sáp nhập, lẽ dĩ nhiên là sẽ giảm được số ít lãnh đạo, còn bộ phận người lao động, cán bộ làm chuyên môn ở các Ban QLDA lại “phình to”, dôi dư ra nhưng khó tinh giản.

Cùng với việc giảm đầu tư công, nguồn ngân sách hạn hẹp, đầu việc của các ban QLDA cũng ít đi song vẫn phải nuôi hàng trăm, hàng nghìn người nên đồng lương chi trả cho người lao động khó khăn là lẽ tất yếu. Do đó, hiệu quả và mục đích của việc sáp nhập hiện không được như mong muốn. Cơ chế về hưu sớm chỉ áp dụng cho các cán bộ từ 55 - 58 tuổi, trong khi phần lớn, các cán bộ ở ban QLDA đều trẻ.

Ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ GTVT cho rằng, việc sáp nhập các ban QLDA là chủ trương đúng đắn, tích cực của Nhà nước nhằm mục đích thu gọn các đầu mối. Theo ông Đông, để việc sáp nhập các ban QLDA hiệu quả hơn, trong điều hành, chỉ đạo cần có các biện pháp quyết liệt hơn, phải xây dựng mô hình quản lý công khai, minh bạch của ban QLDA sau khi sáp nhập để thấy rõ được hiệu quả lao động của từng vị trí công việc. Ở những vị trí công việc đạt hiệu quả thấp, hoặc dôi dư nhân sự lao động, người lao động hoàn toàn có thể chủ động lựa chọn việc ở lại ban QLDA hay tìm kiếm các cơ hội việc làm phù hợp hơn.

Còn một số chuyên gia cho rằng, để nâng cao hiệu quả hoạt động của các ban QLDA sau khi sáp nhập thì cần áp dụng công nghệ trong quản trị nhân sự, quản lý công việc, giảm số lượng trung gian; thực hiện chuyên môn hóa các bộ phận công việc và huy động mọi người làm việc theo nhóm để tăng hiệu quả, hiệu suất lao động. Khi đã có quy trình chuẩn trong điều hành, quản trị và sắp xếp công việc của các ban QLDA thì chắc chắn sẽ xác định được các vị trí không cần thiết, không phù hợp, từ đó sẽ có cơ sở tinh giản số lượng cán bộ, người lao động, làm gọn nhẹ bộ máy quản lý.