Sẽ sớm có kết quả rà soát, điều chỉnh, bổ sung định mức xây dựng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Liên quan đến việc rà soát, điều chỉnh, bổ sung các định mức xây dựng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 02/CĐ-TTg, ông Đàm Đức Biên, Cục trưởng Cục Kinh tế xây dựng, Bộ Xây dựng đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu về kết quả triển khai nhiệm vụ này.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Xin ông cho biết kết quả công tác rà soát, điều chỉnh, bổ sung các định mức đã được Bộ Xây dựng ban hành theo thẩm quyền?

Trên cơ sở các quy định tại Nghị định số 10/2021/NĐ-CP và kết quả triển khai Đề án 2038, Bộ Xây dựng đã ban hành và định kỳ rà soát, điều chỉnh, bổ sung, cập nhật hệ thống định mức xây dựng thuộc phạm vi quản lý nhà nước được phân công phụ trách. Theo đó, Bộ đã rà soát, ban hành tại Thông tư số 12/2021/TT-BXD (TT 12) khoảng 15.700 định mức xây dựng, bao quát tất cả các công tác xây dựng, các công tác tư vấn xây dựng thuộc 5 loại hình công trình xây dựng.

Ông Đàm Đức Biên Cục trưởng Cục Kinh tế xây dựng, Bộ Xây dựng

Ông Đàm Đức Biên

Cục trưởng Cục Kinh tế xây dựng, Bộ Xây dựng

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 02/CĐ-TTg ngày 09/01/2024, Bộ Xây dựng đã khẩn trương rà soát các định mức đã ban hành, dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung TT12 và gửi lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương từ đầu tháng 05/2024, trong đó đã sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung khoảng 219 định mức xây dựng, tập trung vào các nhóm định mức sau:

Sửa đổi 129/219 và bổ sung 50/219 định mức dự toán công tác xây dựng công trình giao thông để giải quyết một số vướng mắc do thiếu định mức hoặc định mức ban hành còn bất cập đối với các công tác xây dựng công trình giao thông nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong công tác lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng các dự án, công trình giao thông trọng điểm.

Bổ sung 40 định mức chi phí tư vấn lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư để tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể trong công tác lập dự toán chi phí chuẩn bị đầu tư và bổ sung quy định cụ thể hướng dẫn xác định chi phí áp dụng BIM cho công tác tư vấn thiết kế.

Đối với một số định mức có nhiều bất cập (theo phản ánh của các chủ đầu tư, nhà thầu) nhưng chưa có đủ dữ liệu để xem xét, điều chỉnh trong dự thảo Thông tư nêu trên, với tinh thần chỉ đạo quyết liệt của Lãnh đạo 02 Bộ, lần đầu tiên, Tổ công tác liên Bộ gồm đại diện Cục Quản lý đầu tư xây dựng - Bộ Giao thông vận tải, Cục Kinh tế xây dựng - Bộ Xây dựng và các cơ quan chuyên môn về nghiên cứu, lập định mức của 2 Bộ là Viện Kinh tế xây dựng, Viện Chiến lược và phát triển GTVT được thành lập để trực tiếp khảo sát thu thập số liệu, bổ sung dữ liệu phục vụ công tác rà soát điều chỉnh, bổ sung 16 định mức dự toán thuộc 05 nhóm công tác xây dựng (rải thảm mặt đường bê tông nhựa; thi công móng cấp phối đá dăm; đào đá cấp IV bằng máy đào; đắp đá nền đường; đắp đất nền đường K95, K98 bằng lu rung 25T) tại một số dự án giao thông trọng điểm đang triển khai thi công. Đây là các nhóm công tác mà các đơn vị, nhà thầu thi công có nhiều ý kiến, đề nghị xem xét điều chỉnh trong thời gian qua. Kế hoạch khảo sát được chia thành hai giai đoạn, giai đoạn 1 thực hiện từ ngày 20/6/2024 đến ngày 02/7/2024 và giai đoạn 2 từ 03/7/2024 đến 17/7/2024. Sau khi có đủ các kết quả khảo sát theo quy định, cơ quan chuyên môn của 2 bộ Xây dựng và Giao thông Vận tải sẽ xem xét, đề xuất sửa đổi, bổ sung vào dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư số 12/2021/TT-BXD nhằm tháo gỡ các vướng mắc khó khăn tại các dự án, công trình giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia.

Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng tiếp tục rà soát các nội dung bất cập trong hệ thống định mức xây dựng sử dụng chung theo các nội dung phản ánh nhận được, trong đó, tập trung rà soát điều chỉnh, bổ sung một số định mức dự toán các công tác xây dựng cần thiết của công trình giao thông theo đề xuất của Bộ Giao thông vận tải.

Đối với việc tổ chức xây dựng định mức dự toán đặc thù của chuyên ngành, kết quả đến nay như thế nào thưa ông?

Trong giai đoạn vừa qua, Bộ Xây dựng đã phối hợp với các Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành và địa phương tổ chức rà soát tổng thể hệ thống định mức chuyên ngành, đặc thù nhằm loại bỏ những định mức đã lạc hậu, không còn phù hợp, hiệu chỉnh và ban hành bổ sung các định mức cho các loại vật liệu, công nghệ mới. Qua báo cáo của các Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành và địa phương, các Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành đã ban hành các định mức dự toán công tác xây dựng đặc thù chuyên ngành và đều đang triển khai công tác rà soát, cập nhật định mức theo quy định tại Nghị định số 10/2021/NĐ-CP. Tuy nhiên, vẫn còn thiếu định mức dự toán xây dựng trong một số lĩnh vực chuyên ngành như lĩnh vực đường sắt, hàng không, dầu khí, hóa chất, điện gió, điện mặt trời… và định mức công tác có công nghệ thi công mới như công nghệ khoan kích ngầm; công nghệ thi công bằng hệ cốp pha trượt/leo thi công các kết cấu trụ, vách, dầm cầu; gia cố nền đất yếu bằng cọc xi măng đất với công nghệ khoan Jet-grounting; đầm đất bằng phương pháp đầm cải tiến…

Riêng đối với các định mức công trình giao thông, Bộ Xây dựng đã làm việc với Bộ Giao thông vận tải về danh mục các định mức dự toán xây dựng còn thiếu hoặc bất cập theo đề nghị của Bộ Giao thông vận tải (khoảng 547 định mức gồm: 315 định mức công trình đường bộ; 178 định mức công trình đường sắt và 54 định mức công trình hàng không) để phân định rõ phạm vi, trách nhiệm làm cơ sở tổ chức rà soát theo quy định.

Trong đó, khoảng 60 định mức dự toán đã được Bộ Xây dựng sửa đổi, cập nhật tại dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư số 12/2021/TT-BXD đang gửi lấy ý kiến.

Đối với 487/547 định mức còn lại, 2 Bộ đã thảo luận về việc phân định danh mục các định mức thuộc phạm vi trách nhiệm triển khai rà soát của từng Bộ, thống nhất và triển khai một số nội dung, trong đó có 16 định mức dự toán thuộc 05 nhóm công tác xây dựng (rải thảm mặt đường bê tông nhựa; thi công móng cấp phối đá dăm; đào đá cấp IV bằng máy đào; đắp đá nền đường; đắp đất nền đường K95, K98 bằng lu rung 25T) đang được khảo sát, thu thập số liệu để tiếp tục sửa đổi, bổ sung trong thời gian tới như đã nêu ở trên

Về các định mức dự toán công trình đường sắt, Bộ Giao thông vận tải đã rà soát và có văn bản đề nghị Bộ Xây dựng thống nhất về danh mục định mức đặc thù chuyên ngành đường sắt (128/178 định mức) thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ Giao thông vận tải. Dự kiến trong tháng 7/2024, Bộ Xây dựng sẽ có ý kiến bằng văn bản để Bộ Giao thông vận tải có cơ sở triển khai các bước tiếp theo

Đối với một số định mức có sự giao thoa giữa công tác xây dựng chung và công tác xây dựng đặc thù chuyên ngành giao thông vận tải, Bộ Xây dựng đã đề nghị Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các chủ đầu tư dự án thực hiện trách nhiệm tổ chức xác định định mức công trình theo quy định tại Điều 21 Nghị định số 10/2021/NĐ-CP và các nội dung hướng dẫn phương pháp xác định định mức dự toán công trình xây dựng tại Phụ lục III Thông tư số 13/2021/TT-BXD để cung cấp dữ liệu định mức công trình theo quy định làm căn cứ, cơ sở để cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục rà soát, nghiên cứu, hoàn thiện các định mức này.

Liên quan đến công tác xây dựng định mức đặc thù, thực tiễn có khó khăn, lúng túng trong triển khai, ông nhận diện nguyên nhân vì sao và Bộ sẽ có giải pháp như thế nào?

Luật Xây dựng và Nghị định số 10/2021/NĐ-CP đã có các quy định, hướng dẫn cụ thể về phân cấp, giao trách nhiệm cho các Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành và UBND các tỉnh trong việc tổ chức xây dựng, điều chỉnh và ban hành định mức xây dựng cho các công tác xây dựng đặc thù của chuyên ngành. Đồng thời, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư hướng dẫn các phương pháp xác định định mức để các chủ đầu tư, các Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành và địa phương chủ động tổ chức xây dựng các định mức xây dựng mới, điều chỉnh định mức xây dựng phục vụ lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng.

Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, nguyên nhân cơ bản của khó khăn, vướng mắc này là do một số chủ đầu tư, đơn vị tư vấn chưa nhận thức rõ trách nhiệm, thẩm quyền theo quy định nên chưa chủ động nhận diện, nắm bắt và tổ chức xây dựng định mức. Bên cạnh đó, năng lực chuyên môn xác định định mức xây dựng của các tổ chức tư vấn, chủ đầu tư còn hạn chế, còn tâm lý e ngại, sợ trách nhiệm trong khâu hậu kiểm nên chưa thực hiện tổ chức xây dựng định mức đúng quy định.

Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn, tập huấn các nội dung, phương pháp xác định định mức mới, rà soát, cập nhật định mức đặc thù của chuyên ngành, của địa phương.

Đồng thời, kiện toàn công tác tổ chức rà soát hệ thống định mức xây dựng trên cơ sở thống nhất kế hoạch rà soát tổng thể các định mức chuyên ngành, đặc thù với các Bộ, ngành, địa phương; quy định, hướng dẫn rõ hơn về phạm vi, trách nhiệm, cách thức phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước để nâng cao chất lượng công tác quản lý, tổ chức thực hiện rà soát, cập nhật định mức xây dựng; nghiên cứu, xây dựng tiêu chí xác định và danh mục các định mức dự toán xây dựng sử dụng chung và định mức chuyên ngành, đặc thù trong một số lĩnh vực.

Bộ cũng tiếp tục rà soát, nghiên cứu để bổ sung, hoàn thiện thêm hướng dẫn làm rõ hơn các quy định về biểu mẫu, hướng dẫn các nội dung khảo sát, xác định định mức xây dựng cho một số trường hợp điển hình để thuận tiện cho các chủ thể áp dụng trong việc tổ chức xác định định mức xây dựng…

Tin cùng chuyên mục