Sóc Trăng căng mình làm cao tốc

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Xác định tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có ý nghĩa rất quan trọng với vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, đồng thời tạo xung lực mới để địa phương vươn tới thịnh vượng, nên khi được giao nhiệm vụ làm cơ quan chủ quản Dự án thành phần (DATP) 4, tỉnh Sóc Trăng nỗ lực vượt nhiều thách thức triển khai xây dựng tuyến cao tốc động lực này.
Đến nay, tổng giá trị thực hiện của Dự án thành phần 4 cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đạt 304,4 tỷ đồng
Đến nay, tổng giá trị thực hiện của Dự án thành phần 4 cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đạt 304,4 tỷ đồng

Vào đà “tăng tốc”

Phóng viên Báo Đấu thầu đã đi thực tế ghi nhận những chuyển động mới trên công trường DATP 4 cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Hơn 1 năm sau thời điểm khởi công, nhiều vướng mắc dần được tháo gỡ, tiến độ xây dựng được cải thiện và dần tăng tốc.

Ông Trịnh Văn Mạnh, Giám đốc Điều hành dự án thuộc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, nhà thầu thi công Gói thầu xây lắp số 11 cho biết, cát đắp nền bắt đầu về công trường, mỗi ngày được hơn 1.000 m3. Sau khởi công, nguồn cát khan hiếm nên Trường Sơn thi công các hạng mục cầu. Hiện tại cát về, Nhà thầu tập trung thi công tuyến chính với công tác đắp nền, xử lý nền yếu. “Chúng tôi huy động nguồn lực máy móc thiết bị, con người tổ chức thi công xuyên lễ 2/9. Những tháng tới, tiến độ sẽ được đẩy nhanh hơn khi lượng cát về công trường nhiều hơn để bù tiến độ”, ông Mạnh nói.

Theo Ban Quản lý dự án 2 tỉnh Sóc Trăng (chủ đầu tư), hiện tại, giá trị thực hiện Gói thầu số 11 đạt khoảng 161,404 tỷ đồng, tương ứng 7,16% giá trị hợp đồng, chậm 11% so với kế hoạch. Về phần đường, các nhà thầu thi công đắp cát đường công vụ đạt 9,28 km, đắp đất nền đường tuyến chính đạt 9,1 km, tương ứng 62,75% kế hoạch. Về phần cầu, nhà thầu triển khai thi công 10/12 cầu với khối lượng thực hiện đạt khoảng 143 tỷ đồng.

Ông Thạch Minh Hoài, Giám đốc Ban Quản lý dự án 2 tỉnh Sóc Trăng cho biết, DATP 4 có 4 gói thầu xây lắp, đó là các gói thầu số 9, 10, 11, 12. Tại Gói thầu số 9, các nhà thầu đang thi công đào đất không thích hợp, đắp bao đường công vụ, đắp cát đường công vụ… ở hạng mục đường. Đối với phần cầu, các nhà thầu đang đóng cọc bê tông dự ứng lực được 116/344 tim cọc; thi công thân mố M2, thân bệ trụ T12, bệ trụ T11 cầu số 1. Các cầu số 2, 8, 10, 11 cũng đang được triển khai thi công. Dự kiến, đến ngày 15/9/2024 sẽ hoàn thành đường công vụ và đồng loạt triển khai các cầu còn lại gồm các cầu số 3, 4, 5, 6, 7, 9, 12, 13.

Tại 2 gói thầu xây lắp còn lại, các nhà thầu đang tổ chức thi công đồng loạt và tập trung xây dựng phần cầu vì lượng cát đắp nền chưa đáp ứng yêu cầu. Đến nay, tổng giá trị thực hiện của DATP 4 cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đạt 304,4 tỷ đồng, chậm 9% so với kế hoạch. Năm 2024, kế hoạch vốn bố trí cho DATP 4 là 2.463 tỷ đồng, tới cuối tháng 8 giải ngân được 355,813 tỷ đồng, đạt 14,4% kế hoạch. “Khó khăn về nguồn cát san lấp đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ thực hiện. Chúng tôi đang tích cực giải bài toán cung ứng cát từ các mỏ đã được cấp phép khai thác. Hiện nay có 2 mỏ cát cấp cho DATP 4 theo cơ chế đặc thù. Mỏ MS03 khởi công từ ngày 15/8/2024, tính đến ngày 27/8/2024 khai thác được khoảng 2.000 m3. Mỏ MS01 khởi công từ ngày 21/8/2024, tính đến ngày 27/8/2024 khai thác được 8.000 m3”, ông Thạch Minh Hoài chia sẻ.

Các nhà thầu đang tập trung thi công hoàn thành đường công vụ, đồng thời triển khai xây dựng đồng loạt các cầu còn lại trên tuyến, bổ sung mũi thi công đẩy nhanh tiến độ các cầu đang triển khai, dồn lực thi công “3 ca, 4 kíp” với tinh thần “vượt nắng, thắng mưa” bù lại khối lượng bị chậm. Bên cạnh đó, chuẩn bị sẵn sàng vật tư, nhân công, thiết bị để đẩy nhanh tiến độ phần đường ngay sau khi nguồn cát về công trình dồi dào hơn.

Các nhà thầu đang tổ chức thi công đồng loạt 4 gói thầu xây lắp thuộc Dự án thành phần 4 cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng

Các nhà thầu đang tổ chức thi công đồng loạt 4 gói thầu xây lắp thuộc Dự án thành phần 4 cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng

Quyết tâm tháo gỡ vướng mắc

Ông Lâm Hoàng Nghiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng là dự án được áp dụng cơ chế đặc thù, lần đầu phân cấp cho địa phương làm đơn vị chủ quản. Dự án có quy mô rất lớn, tính chất phức tạp, yêu cầu thời gian triển khai gấp rút. Bắt tay vào triển khai DATP 4, tỉnh Sóc Trăng đã chủ động thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư. Từ tháng 3/2022, Sóc Trăng thành lập Ban Chỉ đạo để phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các bộ, ngành; đồng thời chỉ đạo, đôn đốc các sở, ngành, địa phương đẩy nhanh giải quyết thủ tục, tháo gỡ vướng mắc. Theo mốc thời gian tiến độ tại Nghị quyết số 91/NQ-CP ngày 25/7/2022 của Chính phủ, Tỉnh đã ban hành kế hoạch chi tiết, các đầu việc được giao cụ thể cho từng đơn vị, địa phương, định kỳ họp giao ban để kịp thời tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ.

Trong quá trình thực hiện, Sóc Trăng áp dụng nhiều cơ chế chính sách đặc thù và vấp phải những vướng mắc nhất định, đặc biệt là thủ tục chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng, giao mỏ vật liệu (cát) cho nhà thầu. Với sự chủ động, nỗ lực và quyết tâm cao, Tỉnh đã từng bước tháo gỡ vướng mắc, hoàn thành khối lượng công việc rất lớn, tạo điều kiện để DATP 4 được phê duyệt trước thời hạn (ngày 16/1/2023) và khởi công đúng thời hạn Chính phủ yêu cầu (ngày 17/6/2023). Với mục tiêu DATP 4 cơ bản hoàn thành trong năm 2026, đưa vào khai thác đồng bộ năm 2027, tỉnh Sóc Trăng đã đề ra những giải pháp phù hợp, lập kế hoạch chi tiết các công việc từ khi khởi công đến hoàn thành theo các mốc thời gian đã định để làm cơ sở cho khâu tổ chức thực hiện. Sau hơn 1 năm khởi công, hoạt động thi công xây dựng DATP 4 được triển khai đồng loạt. Tuy nhiên, do gặp khó khăn lớn nhất là nguồn cát đắp nền nên tiến độ chưa đạt như kế hoạch.

Tổng nhu cầu cát đắp của DATP 4 khoảng 6,6 triệu m3 và phải huy động trong thời gian ngắn đến tháng 6/2025. Sóc Trăng đã giao 5 mỏ cát sông cho nhà thầu theo cơ chế đặc thù. Trong đó, khởi công khai thác mỏ MS05 từ ngày 30/6/2024, tuy nhiên đến nay không khai thác được cát. Với các mỏ còn lại, Tỉnh đang đẩy nhanh thủ tục cấp mỏ. Do mỏ cát ở cuối nguồn sông Hậu nên trữ lượng, chất lượng mỏ dự báo khó đảm bảo cung cấp cho DATP 4 bởi lẫn nhiều bùn và tạp chất. Ngoài ra, Sóc Trăng có 2 mỏ cát được gia hạn, đã khởi công khai thác 1 mỏ vào ngày 15/8/2024, đang đẩy nhanh các thủ tục để sớm gia hạn giấy phép khai thác mỏ cát còn lại.

Về cát biển, các nhà thầu đang phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban Quản lý dự án 2 khẩn trương lập thủ tục để điều chuyển khối lượng cát nhiễm mặn từ các mỏ B1.1, B1.2 từ Dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Hậu Giang - Cà Mau về DATP 4. Tổng công ty Xây dựng số 1, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn đang phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường hoàn thiện thủ tục để cấp mỏ cát biển từ mỏ B1, tăng nguồn cung cho DATP 4.

Hiện thực hóa chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc “không nói không, không nói khó”, “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, tỉnh Sóc Trăng quán triệt tinh thần "nghĩ phải chín, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt” nhằm từng bước tháo gỡ khó khăn về nguồn cát đắp nền, hoàn thành DATP 4 cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đúng chất lượng và tiến độ. Lãnh đạo Ban Quản lý dự án 2 cho biết, mặc dù tiến độ thi công 4 gói thầu xây lắp bị ảnh hưởng lớn vì thiếu nguồn cát, tuy nhiên khi hoàn thành thủ tục, đưa các mỏ cát giao theo cơ chế đặc thù vào khai thác cộng với nguồn nhân lực, thiết bị đã tập kết, tiến độ thi công các hạng mục xây dựng sẽ tăng tốc nhanh chóng. Chủ đầu tư, các nhà thầu đang rất quyết tâm thúc đẩy cường độ thi công để bù tiến độ.

Tin cùng chuyên mục