Sớm gỡ vướng mắc về cơ chế thanh toán dự án BT

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) đã dừng thực hiện dự án BT mới và quy định chuyển tiếp đối với các dự án thực hiện trước ngày Luật có hiệu lực thi hành, bao gồm cả việc thực hiện nghĩa vụ thanh toán của Nhà nước. Tuy nhiên, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), việc áp dụng chuyển tiếp, đặc biệt là việc xác định giá trị quỹ đất đối ứng thanh toán cho nhà đầu tư gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Có 117 dự án BT chuyển tiếp gặp khó khăn, không phát huy được hiệu quả do vướng mắc về thanh toán cho nhà đầu tư. Ảnh: Lê Tiên
Có 117 dự án BT chuyển tiếp gặp khó khăn, không phát huy được hiệu quả do vướng mắc về thanh toán cho nhà đầu tư. Ảnh: Lê Tiên

Ba nhóm vướng mắc chính

Mới đây, Bộ KH&ĐT có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về tình hình thực hiện hoạt động đầu tư theo phương thức PPP kể từ khi Luật PPP có hiệu lực thi hành. Theo đó, sau khi Luật PPP có hiệu lực, còn 120 dự án BT chuyển tiếp, trong đó 117 dự án đang triển khai gặp khó khăn, không phát huy được hiệu quả đầu tư do vướng mắc về thanh toán (giao đất) cho nhà đầu tư. Bộ KH&ĐT tổng hợp có 3 nhóm vướng mắc chính.

Thứ nhất là dự án có giá trị quỹ đất thanh toán vượt quá giá trị công trình BT, không bảo đảm nguyên tắc ngang giá theo quy định tại Khoản 2 Điều 3 Nghị định 69/2019/NĐ-CP (NĐ 69) về việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT. Theo quy định này, giá trị tài sản công được xác định theo giá thị trường theo quy định của pháp luật tại thời điểm thanh toán. Giá trị dự án BT được xác định theo kết quả đấu thầu. Tuy nhiên, đa số dự án BT có giá trị quỹ đất đối ứng ở thời điểm giao đất cao gấp nhiều lần so với giá trị ở thời điểm ký kết hợp đồng, dẫn đến chỉ cần một phần diện tích quỹ đất đã “ngang giá” với giá trị công trình BT. Thực tế này khiến các địa phương lúng túng, không biết phải thanh toán toàn bộ quỹ đất đã cam kết theo hợp đồng, hay chỉ thanh toán một phần diện tích quỹ đất có giá trị tương ứng với giá trị công trình BT. Đây là vướng mắc đối với phần lớn dự án BT nhưng chưa có quy định về phương án xử lý.

Tại Nghị quyết số 74/2022/QH15 về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Quốc hội giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đẩy nhanh tiến độ thực hiện và hoàn thành các dự án sử dụng vốn đầu tư công và vốn nhà nước khác. Trong năm 2023 rà soát, tổng hợp, phân loại và xây dựng kế hoạch, lộ trình để có phương án xử lý khó khăn, vướng mắc đã tồn tại nhiều năm, đặc biệt là các dự án quan trọng quốc gia, các dự án trọng điểm, dự án sử dụng vốn ODA không hiệu quả, chậm tiến độ; dự án BT dở dang.

Nhóm vướng mắc thứ hai liên quan đến dự án BT sử dụng quỹ đất đã giải phóng mặt bằng hoặc trụ sở cơ quan nhà nước để thanh toán cho nhà đầu tư. Nhóm dự án này cần báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định việc sử dụng quỹ đất đã giải phóng mặt bằng theo quy định tại Khoản 2 Điều 5 NĐ 69 hoặc trụ sở cơ quan nhà nước theo quy định tại Khoản 1 Điều 10 NĐ 69 để thanh toán cho nhà đầu tư. Hầu hết dự án đã hoàn thành công trình BT (có một số dự án đã quyết toán, đưa công trình vào sử dụng) nhưng chưa thực hiện việc thanh toán (giao đất, trụ sở) cho nhà đầu tư.

Nhóm thứ ba là dự án có quá trình thực hiện và ký kết hợp đồng chưa phù hợp quy định của pháp luật. Trong trường hợp này, đa số địa phương kiến nghị chấm dứt hợp đồng trước thời hạn và bố trí kinh phí bồi thường chi phí đầu tư xây dựng cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, hiện nay chưa có quy định về trình tự, thủ tục, thẩm quyền, nguồn vốn để bố trí kinh phí bồi thường.

Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định để gỡ vướng

Một số giải pháp đã, đang được đề xuất. Theo ông Lê Hữu Trí, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, có thể đấu giá quỹ đất dự kiến thanh toán cho nhà đầu tư đã ghi trong hợp đồng, lấy tiền thanh toán cho nhà đầu tư theo nguyên tắc tính đúng tính đủ chi phí đầu tư công trình BT. Nhà đầu tư thực hiện công trình BT có thể tham gia đấu giá, nếu trúng có thể thực hiện luôn dự án hoàn vốn và bù trừ chênh lệch; không trúng thì cũng được thanh toán chi phí đã đầu tư dự án BT. Một số địa phương, như Sơn La, Đà Nẵng gần đây có đề xuất dùng vốn ngân sách nhà nước thanh toán.

Trong khi đó, nhiều nhà đầu tư mong muốn cơ quan nhà nước, là một bên ký hợp đồng, thực hiện đúng cam kết, tuân thủ hợp đồng đã ký. Đó cũng là cách để Nhà nước củng cố niềm tin cho giới đầu tư, nếu hợp đồng không được tuân thủ, nhà đầu tư sẽ rất e ngại đầu tư mới.

Báo cáo Thủ tướng, Bộ KH&ĐT đề nghị các địa phương, bộ, ngành liên quan rà soát, tổng hợp vướng mắc, tồn tại của các dự án BT và phân loại thành các nhóm dự án có vướng mắc tương tự, làm cơ sở để đề xuất phương án xử lý phù hợp cho từng nhóm. Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan để có cơ sở pháp lý cho việc xử lý vướng mắc của các dự án BT, đề xuất sửa đổi NĐ 69 và đề xuất bổ sung quy định về trình tự, thủ tục, thẩm quyền, nguồn vốn bố trí để chấm dứt hợp đồng trước thời hạn đối với hợp đồng BT…

Tin cùng chuyên mục