Sơn La xin điều chỉnh nhiều nội dung tuyến cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Do thay đổi về phạm vi, quy mô, cơ cấu sử dụng nguồn vốn và hình thức thực hiện hợp đồng, UBND tỉnh Sơn La vừa có Tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ xin điều chỉnh 5 nội dung của Dự án Đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (gọi tắt là Dự án). Theo đó, tổng mức đầu tư sau khi điều chỉnh sẽ giảm 261 tỷ đồng so với chủ trương đầu tư đã được phê duyệt.
Sơn La thay đổi phạm vi, quy mô, cơ cấu sử dụng nguồn vốn và hình thức thực hiện hợp đồng của tuyến cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (ảnh minh họa)
Sơn La thay đổi phạm vi, quy mô, cơ cấu sử dụng nguồn vốn và hình thức thực hiện hợp đồng của tuyến cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (ảnh minh họa)

Tại Tờ trình số 157/TTr-UBND của UBND tỉnh Sơn La trình gửi Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Sơn La cho biết 3 lý do cần thiết điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án.

Thứ nhất, theo ý kiến của UBND tỉnh Hòa Bình, cầu Hòa Bình 4 sẽ được đầu tư bằng nguồn vốn ODA. Do đó, tuyến cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu phải điều chỉnh điểm đầu tuyến để đảm bảo không đi trùng với cầu Hòa Bình 4.

Thứ hai, Luật PPP có hiệu lực từ tháng 1/2021 đã không còn loại hợp đồng BT. Do vậy, việc điều chỉnh hợp đồng Dự án thành hợp đồng BOT có sự tham gia của nhà nước (theo hình thức góp vốn và hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tái định cư và xây dựng công trình tạm) là phù hợp và cần thiết.

Thứ ba, do thay đổi về phạm vi, quy mô, cơ cấu sử dụng nguồn vốn và hình thức thực hiện hợp đồng, để đảm bảo tính khả thi về kinh tế - kỹ thuật và phương án tài chính của Dự án nên cần thiết phải thực hiện phân kỳ đầu tư.

Do vậy, UBND tỉnh Sơn La đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh 5 nội dung của tuyến cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu.

Theo đó, điều chỉnh điểm đầu tuyến tại Vị trí Km66+700 QL6 về điểm giao với đường Hòa Lạc - Hòa Bình tại khu vực tổ dân phố số 1, phường Kỳ Sơn, TP. Hòa Bình (hướng tuyến điều chỉnh không đi trung với cầu Hòa Bình 4).

Trên cơ sở điều chỉnh lại hướng tuyến, quy mô mặt cắt ngang phân kỳ đầu tư giai đoạn 1, tổng mức đầu tư Dự án được đề nghị điều chỉnh khoảng 22.033 tỷ đồng, giảm 261 tỷ đồng so với chủ trương đầu tư đã được phê duyệt (22.294 tỷ đồng).

Hình thức hợp đồng của Dự án được điều chỉnh từ hợp đồng hỗn hợp (BOT kết hợp BT) sang hình thức hợp đồng BOT có sự tham gia của nhà nước.

Về điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn, trong tổng vốn đầu tư 22.033 tỷ đồng, sẽ có phần vốn nhà nước tham gia thực hiện Dự án là 9.950 tỷ đồng (thực hiện theo hình thức góp vốn để thực hiện bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng, xây dựng công trình tạm, một phần công trình của Dự án); phần vốn của nhà đầu tư huy động để thực hiện Dự án là 12.083 tỷ đồng.

Riêng đối với phần vốn Nhà nước (9.950 tỷ đồng), UBND tỉnh Sơn La nêu rõ, ngân sách địa phương là 5.000 tỷ đồng từ nguồn ngân sách địa phương giai đoạn 2021 - 2025; ngân sách trung ương là 4.950 tỷ đồng. Do điều chỉnh loại hợp đồng dự án, phần quỹ đất thực hiện BT là khoảng 5.000 tỷ đồng sẽ chuyển sang thực hiện đấu giá đất hoặc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư để tạo nguồn thu để đối ứng thực hiện Dự án.

Tỉnh Sơn La đề nghị điều chỉnh thời gian thực hiện Dự án (giai đoạn 1) theo hướng thực hiện phân kỳ đầu tư thành các dự án thành phần. Trong đó, Dự án thành phần 1 có tổng mức đầu tư khoảng 6.209 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2021 - 2024, thu phí hoàn vốn trong 20 năm; Dự án thành phần 2 có tổng mức đầu tư 15.824 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2022 - 2026, tổng thời gian vận hành, thu phí hoàn vốn toàn dự án trong 24 năm.

Tin cùng chuyên mục