Sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong nhiều cuộc làm việc với các bộ, ngành gần đây và đặc biệt là chỉ đạo về xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn (KHĐTCTH) giai đoạn 2021 - 2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính liên tục nhấn mạnh đến vấn đề sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển. Vốn đầu tư công phải thực sự đóng vai trò dẫn dắt, là vốn mồi để thu hút tối đa nguồn lực từ các thành phần kinh tế.
Tổng mức vốn ngân sách nhà nước cho kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 dự kiến là 2,87 triệu tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên
Tổng mức vốn ngân sách nhà nước cho kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 dự kiến là 2,87 triệu tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên

Đảm bảo nguồn lực ngân sách nhà nước cho đầu tư phát triển

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), giai đoạn 2016 - 2020, về cơ cấu ngân sách nhà nước (NSNN), vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương (NSTW) không đạt so với kế hoạch Quốc hội quyết định. Về tỷ trọng cơ cấu NSNN, số vốn NSTW thấp hơn so với số vốn ngân sách địa phương (NSĐP), không phát huy vai trò chủ đạo của NSTW.

Bên cạnh đó, tích lũy ngân sách cho chi đầu tư phát triển có xu hướng giảm và ở mức thấp. Giai đoạn 2016 - 2020, nguồn vay nợ (bội chi), nguồn sử dụng đất cộng thêm nguồn cổ phần hóa chiếm tới 88% tổng chi đầu tư từ nguồn NSNN. Trong khi đó, bình quân giai đoạn 2011 - 2015, nguồn vay nợ (bội chi) và nguồn sử dụng đất chiếm 73% tổng chi nguồn NSNN. Nguồn thu NSNN dành cho chi đầu tư phát triển giai đoạn 2016 - 2020 cũng giảm mạnh so với giai đoạn trước.

Giai đoạn 2021 - 2025, để bảo đảm nguồn lực NSNN cho đầu tư phát triển tối thiểu đạt kế hoạch, trong đó vốn NSTW giữ vai trò chủ đạo, Bộ KH&ĐT kiến nghị cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, Bộ đề xuất xây dựng Đề án cơ cấu lại NSNN, có cơ chế phù hợp, hiệu quả để phát huy vai trò chủ đạo của Trung ương nhưng tạo sự linh hoạt, sáng tạo, có trách nhiệm của địa phương, cân đối được thu chi ngân sách. Rà soát, hoàn thiện các chính sách thuế phù hợp với tình hình thực tế của đất nước và kinh nghiệm quốc tế, bảo đảm lợi ích quốc gia, đồng thời khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh.

Đồng thời, quán triệt nguyên tắc vay bù đắp bội chi NSNN chỉ được sử dụng cho đầu tư phát triển. Nghiên cứu và ban hành phương pháp định giá đất theo giá thị trường để tài chính hóa nguồn vốn đất đai của các chủ thể theo cơ chế thị trường, tạo thêm nguồn thu NSNN…

Đặc biệt, cần sửa đổi Khoản 1 Điều 17 Luật Ngân sách nhà nước quy định về kế hoạch tài chính 5 năm để đồng bộ với KHĐTCTH. Theo Bộ KH&ĐT, cả 2 bản kế hoạch do Quốc hội quyết định, nhưng do kế hoạch tài chính 5 năm là định hướng nên trách nhiệm đảm bảo nguồn lực cho đầu tư chưa được luật hóa, có thể dẫn đến khả năng mất cân đối trong bố trí vốn đầu tư theo Nghị quyết của Quốc hội và mục tiêu của KHĐTCTH không hoàn thành, đầu tư dự án dở dang do thiếu vốn, giảm hiệu quả đầu tư vốn NSNN.

Huy động nguồn lực từ mọi thành phần kinh tế

Dự kiến ban đầu tổng mức vốn NSNN cho KHĐTCTH 2021 - 2025 là 2,75 triệu tỷ đồng, chỉ bằng 70,5% nhu cầu đầu tư của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương. Tại cuộc làm việc ngày 24/5/2021, Bộ KH&ĐT cho biết, tổng mức vốn NSNN cho KHĐTCTH giai đoạn tới dự kiến là 2,87 triệu tỷ đồng, tăng 120 nghìn tỷ đồng từ nguồn tiết kiệm chi thường xuyên chuyển sang đầu tư công.

Tuy nhiên, dù tăng thêm 120 nghìn tỷ đồng, số vốn thiếu hụt so với nhu cầu đầu tư giai đoạn tới cũng còn trên dưới 1 triệu tỷ đồng. Để đáp ứng được nhu cầu đầu tư, việc huy động tối đa các nguồn lực là rất cần thiết.

Cho ý kiến chỉ đạo về xây dựng KHĐTCTH giai đoạn 2021 - 2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh phương châm “đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”, đặc biệt là đẩy mạnh đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng theo phương thức đối tác công tư (PPP). Thủ tướng nêu định hướng trình cấp có thẩm quyền cho phép NSNN bảo đảm tỷ lệ 50% tổng vốn cho các dự án cao tốc PPP trong cả giai đoạn 2021 - 2025, phần còn lại thu hút đầu tư ngoài NSNN. Tỷ lệ cụ thể được điều chỉnh linh hoạt, phù hợp với từng dự án.

Khi cho ý kiến về Dự án Cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, nêu rõ cần đẩy mạnh PPP, Thủ tướng khuyến khích giao UBND các tỉnh có nguồn lực về ngân sách, năng lực, kinh nghiệm trong quản lý đầu tư để thực hiện nhiệm vụ là cơ quan có thẩm quyền triển khai các dự án đường cao tốc qua địa bàn nhằm chủ động huy động, sử dụng nguồn lực của địa phương, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu...

Không chỉ hạ tầng giao thông, làm việc với Bộ Xây dựng, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo phải thiết kế các cơ chế, chính sách để huy động các nguồn lực xã hội, nhất là cơ chế PPP để thu hút các nguồn lực đầu tư cho xây dựng công viên, công trình công cộng, nhà ở và cả trụ sở cơ quan nhà nước...

Thủ tướng nhấn mạnh, trên cơ sở nguyên tắc chung là hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư, người dân và chia sẻ khi có rủi ro, việc triển khai cơ chế PPP phải hết sức sáng tạo, linh hoạt, tỉnh táo, không cứng nhắc, phù hợp với tình hình thực tiễn. Quan điểm là thu hút được 1%, 1 đồng vốn ngoài NSNN cũng đáng quý.

Tin cùng chuyên mục