Sửa đổi Luật Quy hoạch: Loạt địa phương đề xuất gỡ vướng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số địa phương đang đề xuất sửa đổi một số quy định trong Luật Quy hoạch; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch năm 2018 về vấn đề nguồn vốn, mối quan hệ của các quy hoạch.
Các quy hoạch có tính chất kỹ thuật được điều chỉnh bởi các luật khác nhau dẫn đến nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc xác định nguồn kinh phí bố trí cho công tác quy hoạch. Ảnh: Lê Tiên
Các quy hoạch có tính chất kỹ thuật được điều chỉnh bởi các luật khác nhau dẫn đến nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc xác định nguồn kinh phí bố trí cho công tác quy hoạch. Ảnh: Lê Tiên

Khoản 3 Điều 27 Luật Quy hoạch 2017 quy định: “Chính phủ quy định chi tiết nội dung quy hoạch tỉnh tại khoản 2 Điều này; quy định việc tích hợp quy hoạch vào quy hoạch tỉnh. Việc lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành để triển khai các nội dung quy định tại khoản 2 Điều này được thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan”.

Trong quá trình thực hiện công tác quy hoạch, UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, trên thực tế, các quy hoạch có tính chất kỹ thuật được điều chỉnh bởi các luật khác nhau dẫn đến nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc xác định nguồn kinh phí bố trí cho công tác quy hoạch. Mặt khác, các quy định của pháp luật khác nhau, quy định về kinh phí bố trí lập quy hoạch từ các nguồn khác nhau. Điều này gây khó khăn cho công tác bố trí vốn cho thực hiện quy hoạch của địa phương.

Liên quan tới mối quan hệ giữa các loại quy hoạch (Điều 6), UBND tỉnh Lai Châu nêu quan điểm, Luật Quy hoạch 2017 không quy định về mối quan hệ của quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành với quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh dẫn đến khó khăn trong bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống các quy hoạch.

Bên cạnh đó, khoản 2 Điều 55 Luật Quy hoạch quy định: “Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch, chính sách, giải pháp và bố trí nguồn lực thực hiện quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh”. UBND tỉnh Lai Châu cho rằng, nếu phân cấp nhiệm vụ lập kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh cho UBND cấp tỉnh sẽ giúp tiết kiệm thời gian và tăng tính chủ động cho các địa phương trong thực hiện quy hoạch tỉnh.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 56 Luật Quy hoạch 2017, UBND cấp tỉnh chỉ có thẩm quyền tổ chức thực hiện quy hoạch tỉnh. Tuy nhiên, để tăng tính chủ động và tạo điều kiện thuận lợi cho các tỉnh trong thực hiện quy hoạch tỉnh, UBND tỉnh Lai Châu cho rằng, cần phân cấp nhiệm vụ lập kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh cho UBND cấp tỉnh; đồng thời, xác định rõ thẩm quyền ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành chính sách, giải pháp và bố trí nguồn lực thực hiện quy hoạch tỉnh.

Cũng liên quan tới quy hoạch, UBND tỉnh An Giang cho rằng, điều kiện để được điều chỉnh quy hoạch (quy định theo khoản 8 Điều 29 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch năm 2018) quá lớn, chỉ phù hợp với những đồ án điều chỉnh tổng thể (điều chỉnh toàn bộ) quy hoạch chung đô thị (loại đặc biệt, loại I, loại II, loại III). Đối với điều chỉnh quy hoạch chi tiết (dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, khu dân cư... do nhà đầu tư thực hiện) hầu hết là điều chỉnh cục bộ (điều chỉnh một phần), chỉ tập trung vào những nội dung cần điều chỉnh, nội dung không điều chỉnh đã phê duyệt vẫn giữ nguyên giá trị pháp lý nên rất khó để có thể thỏa được điều kiện theo quy định này.

Khoản 12 Điều 28 (sửa đổi, bổ sung Điều 39 Luật Xây dựng năm 2014) Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch năm 2018 quy định: “Tổ chức xin ý kiến cộng đồng dân cư trong khu vực dự kiến điều chỉnh quy hoạch và các khu vực xung quanh chịu ảnh hưởng trực tiếp về nội dung và kế hoạch điều chỉnh cục bộ quy hoạch xây dựng theo quy định tại Điều 16 và Điều 17 của Luật này”. UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, đối với các khu vực đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc các khu vực đã giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án khu chức năng (không có dân cư sinh sống), việc xin ý kiến cộng đồng là không cần thiết và không phù hợp, làm ảnh hưởng thời gian và thủ tục thực hiện lấy ý kiến.

Căn cứ tổng hợp kết quả rà soát từ báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) đang đề xuất xem xét sửa đổi Luật Quy hoạch theo hướng quy định cụ thể nguồn vốn để thực hiện lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành; đề nghị xem xét sửa đổi, bổ sung khoản 1 và khoản 4 Điều 6 theo hướng quy định về mối quan hệ của quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành với quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; đề nghị sửa đổi khoản 2 Điều 55 theo hướng phân cấp nhiệm vụ lập kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh cho UBND cấp tỉnh; sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 56 theo hướng quy định UBND cấp tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện quy hoạch; ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành chính sách, giải pháp và bố trí nguồn lực thực hiện quy hoạch tỉnh.

Với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch năm 2018, đề xuất sửa đổi, bổ sung điều kiện điều chỉnh quy hoạch phù hợp đối với từng trường hợp điều chỉnh quy hoạch (nhất là đối với các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, khu dân cư... có quy mô nhỏ hơn 50ha) để tổ chức thực hiện. Cùng với đó, đề xuất không quy định nội dung tổ chức xin ý kiến cộng đồng dân cư đối với các khu vực đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc các khu vực đã giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án khu chức năng (không có dân cư sinh sống).

Tin cùng chuyên mục