Sửa đổi nghị định để có ‘đội tàu 67’ lớn mạnh vươn khơi

Nghị định 67 là chủ trương lớn, đúng đắn của Đảng và Nhà nước, mang tính đột phá, đồng bộ. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Nghị định 67 đã bộc lộ những khó khăn, vướng mắc cần phải được tháo gỡ kịp thời để “xây dựng Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển” như Nghị quyết Trung ương 4, khóa X về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020.
Hội thảo có sự tham gia đông đảo của ngư dân và lãnh đạo các tỉnh, thành phố. Ảnh: VGP
Hội thảo có sự tham gia đông đảo của ngư dân và lãnh đạo các tỉnh, thành phố. Ảnh: VGP

Nghị định 67 đáp ứng nguyện vọng bà con ngư dân

Sáng 29/8, tại Đà Nẵng, Bộ NN&PTNT, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, báo Dân Việt và UBND TP. Đà Nẵng tổ chức Hội thảo “Sửa đổi Nghị định 67 - những vấn đề cần đặt ra” với sự tham dự của 200 đại biểu đến từ UBND các tỉnh, thành phố, Sở NN&PTNT, ngân hàng thương mại, công ty đóng tàu, công ty bảo hiểm tham gia Nghị định 67 và bà con ngư dân các tỉnh ven biển miền Trung.

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, sau hơn 3 năm thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản, đã có 27/28 tỉnh, thành phố ven biển phê duyệt danh sách các chủ tàu đủ điều kiện vay vốn để đóng mới, nâng cấp cho 1.948/2.284 tàu, trong đó đã đóng mới 1.510 tàu (tàu vỏ thép và vật liệu mới là 768, tàu vỏ gỗ là 742). Tổng số tiền cam kết cho vay đóng mới tàu cá là 9.931 tỷ đồng và đã giải ngân cho vay được 9.012 tỷ đồng, dư nợ đạt 8.838 tỷ đồng.

Đến ngày 31/7 đã có 761 tàu cá (trong đó có 301 tàu vỏ thép, 53 tàu composite, 407 tàu vỏ gỗ) đóng mới và 105 tàu cá nâng cấp đi vào hoạt động.

Các tàu cá vỏ thép có công suất lớn, trang bị hiện đại đi vào hoạt động đã làm thay đổi nhận thức, tác phong làm việc của ngư dân theo hướng công nghiệp, điều kiện làm việc, sinh hoạt của thuyền viên trên tàu cá được cải thiện và nâng cao.

Ông Lại Xuân Môn, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khẳng định: Nghị định 67 là chủ trương lớn, đúng đắn của Đảng và Nhà nước mang tính đột phá, đồng bộ, phù hợp với tâm tư nguyện vọng của đông đảo ngư dân, góp phần quan trọng vào việc phát triển ngành thủy sản theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng phát triển bền vững.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Nghị định 67 đã bộc lộ những khó khăn, vướng mắc về chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng cho thủy sản, vốn vay, thiết kế, thi công, công tác giám sát đóng mới tàu cá, công tác đào tạo nhân lực... Những vướng mắc này cần được tháo gỡ kịp thời để “xây dựng Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển” như Nghị quyết Trung ương 4, khóa X về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020.

Hạ thủy tàu vỏ thép cho ngư dân Quảng Nam. Ảnh: VGP

Nhiều khó khăn cần được khắc phục

Tại hội thảo, lãnh đạo các tỉnh, thành phố và bà con ngư dân đã có nhiều kiến nghị xung quanh Nghị định 67.

Cụ thể, về chính sách đầu tư, các hạng mục đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước cho cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão chưa đồng bộ; đội tàu cá phát triển mạnh về số lượng, kích thước và công suất tàu lớn hơn, trong khi cơ sở hạ tầng nghề cá (cảng cá, khu neo đậu) chưa phát triển đồng bộ.

Về chính sách tín dụng, thời gian đầu tiến độ đóng mới tàu cá còn chậm do khối lượng văn bản hướng dẫn nhiều, phối hợp nhiều đơn vị; do lần đầu triển khai đóng tàu vỏ thép nên ngư dân còn lúng túng trong việc chọn cơ sở đóng tàu, tư vấn thiết kế và công tác giám sát thi công; công tác đăng kiểm còn thiếu về nguồn lực, yếu về trình độ.

Một số tàu vỏ thép của ngư dân Bình Định, Quảng Nam, Thanh Hóa, Ninh Thuận bị rỉ sét nặng phần vỏ, máy tàu bị hư hỏng, trang thiết bị khai thác, hàng hải như máy dò, hầm bảo quản, bóng đèn hoạt động kém... gây thiệt hại cho ngư dân và ảnh hưởng lớn đến chính sách của Đảng và Nhà nước.

Tại hội thảo, ngư dân Đinh Công Khánh (Bình Định), một trong những ngư dân bị thiệt hại do tàu hư hỏng vừa qua kiến nghị các cấp chính quyền cần xử lý nghiêm những công ty đóng tàu sai phạm, đồng thời có kế hoạch giãn nợ hỗ trợ cho bà con ngư dân, vì tàu thuyền đang nằm bờ mà vẫn phải trả tiền hằng tháng cho ngân hàng…

Ông Ngô Tấn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Nam cho rằng, trong quá trình thực hiện, việc đánh giá các tiêu chí đủ điều kiện đóng mới tàu cá giữa các cấp chính quyền và các ngân hàng thương mại chưa đồng nhất. Ngoài ra, việc tìm hiểu, lựa chọn và thực hiện đóng tàu cá có công suất lớn, vỏ thép hoặc composite, trang bị nhiều thiết bị khai thác, hàng hải, bảo quản hiện đại còn mới lạ so với ngư dân. Bộ NN&PTNT đã ban hành 26 mẫu tàu vỏ thép áp dụng cho toàn quốc, nhưng khi áp dụng cho từng địa phương, vẫn có nhiều điểm chưa phù hợp.

Đối với ngư dân, lâu nay chỉ mới sử dụng tàu vỏ gỗ, chưa có nhiều kinh nghiệm và hiểu biết về tàu vỏ thép, nên khi đặt hàng thiết kế mới hoặc điều chỉnh thiết kế mẫu của Bộ vẫn chưa thể đưa ra đầy đủ các yêu cầu của mình, do vậy khi thi công đóng mới, còn nhiều vấn đề nảy sinh cần phải thay đổi về kết cấu vỏ tàu, máy chính đẩy tàu, trang thiết bị, giá thành đầu tư... làm ảnh hưởng tiến độ thực hiện chính sách.

Theo ông Ngô Tấn, tới đây cần tăng cường công tác khuyến ngư, đào tạo, hướng dẫn thuyền trưởng, thuyền viên kỹ thuật vận hành tàu vỏ thép, kiến thức sử dụng các trang thiết bị hàng hải, khai thác hiện đại, phương pháp bảo quản sản phẩm tiên tiến… để phát huy công năng tàu, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Còn ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị chia sẻ: Để giải quyết vướng mắc khi đóng tàu theo Nghị định 67, thời gian tới Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần chỉ đạo các ngân hàng thương mại tích cực hỗ trợ ngư dân vay vốn đóng mới, nâng cấp tàu cá. Phân bổ thêm cho tỉnh số lượng tàu cá đóng mới từ 20-30 chiếc để đáp ứng nhu cầu chuyển đổi đánh bắt từ vùng lộng sang vùng khơi của bà con ngư dân.

Đồng thời khuyến khích đóng tàu lớn và tàu vỏ thép để hình thành những đội tàu hùng mạnh vươn khơi bám biển sản xuất, góp phần bảo vệ Tổ quốc; quan tâm hậu cần nghề cá để phục vụ tàu thuyền bám biển vươn khơi…

Ông Nguyễn Ngọc Oai, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) khẳng định: Những ý kiến của bà con ngư dân cũng như của lãnh đạo các tỉnh, thành phố rất sát thực, là tư liệu quý để Bộ NN&PTNT xem xét và trình sửa đổi, bổ sung để Nghị định 67 trong thời gian tới có sức sống mãnh liệt, hiệu quả hơn.

Tin cùng chuyên mục