Sửa Luật để giải phóng nguồn lực, kiến tạo phát triển

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Việc sửa đổi 5 luật thuộc lĩnh vực kế hoạch và đầu tư gồm Luật Đầu tư công, Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đấu thầu ở 2 Dự án Luật, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có nhiều đột phá trong tư duy làm luật. Mục tiêu là xây dựng luật để kiến tạo phát triển, vừa phải tháo gỡ nhanh nút thắt, điểm nghẽn, vừa có tầm nhìn dài hạn, đón bắt được cơ hội phát triển mới, giải phóng nhanh và hiệu quả các nguồn lực trong nền kinh tế.
Luật Đầu tư công sửa đổi, bổ sung nhóm chính sách về nâng cao chất lượng chuẩn bị đầu tư, khai thác nguồn lực, năng lực thực hiện dự án đầu tư công của địa phương, doanh nghiệp nhà nước... Ảnh: Lê Tiên
Luật Đầu tư công sửa đổi, bổ sung nhóm chính sách về nâng cao chất lượng chuẩn bị đầu tư, khai thác nguồn lực, năng lực thực hiện dự án đầu tư công của địa phương, doanh nghiệp nhà nước... Ảnh: Lê Tiên

Tổng cộng có 12 luật về kế hoạch và đầu tư, tài chính đang được sửa đổi đồng thời, dự kiến trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp tới theo quy trình rút gọn. Trong đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) được Chính phủ giao xây dựng 2 Dự án Luật: Luật sửa đổi Luật Đầu tư công và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đấu thầu (gọi tắt Luật sửa 4 Luật).

Chia sẻ với báo chí tại Tọa đàm về việc tham mưu xây dựng Luật Đầu tư công (sửa đổi), Luật sửa 4 Luật, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, một trong những yêu cầu trong sửa luật lần này là rà soát ngay những vướng mắc, tháo gỡ những nút thắt, điểm nghẽn trong các quy định pháp luật để trong quá trình thực hiện thời gian tới thuận lợi hơn. Mục tiêu xa hơn mà Thủ tướng Chính phủ mong muốn là giải phóng nguồn lực, vì các luật sửa lần này chủ yếu là về đầu tư, tài chính, tác động ngay đến nguồn lực của nền kinh tế.

Luật Đầu tư công, Quy hoạch, PPP, Đấu thầu, Đầu tư tiếp tục được sửa đổi theo hướng phân cấp mạnh hơn, triệt để hơn; đơn giản hóa trình tự, thủ tục; bổ sung, làm rõ các khái niệm, thuật ngữ, quy định, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương chia sẻ, khi xây dựng 2 Dự án Luật trên, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh phải đổi mới mạnh mẽ, đột phá về tư duy và cách tiếp cận làm luật. Thiết kế các quy định cần cởi mở, kiến tạo phát triển, không trói buộc. Tư duy kiến tạo phát triển rất khó, làm sao vừa cởi mở, kiến tạo nhưng vẫn phải quản lý được, không “thả gà ra đuổi”. Đồng thời, cần cụ thể hóa những tư tưởng lớn, đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước: đẩy mạnh phân cấp phân quyền, đơn giản hoá thủ tục hành chính, cá nhân hoá trách nhiệm…; thiết kế thủ tục, quy trình phải nhanh, nhưng phải đúng. Đến nay, những nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung trong 2 Dự án Luật thể hiện cụ thể tư duy đột phá này.

Cụ thể, Luật Đầu tư công, Quy hoạch, PPP, Đấu thầu, Đầu tư tiếp tục được sửa đổi theo hướng phân cấp mạnh hơn, triệt để hơn; đơn giản hóa trình tự, thủ tục; bổ sung, làm rõ các khái niệm, thuật ngữ, quy định, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Nhiều quy định tại 2 Dự án Luật sẽ tháo gỡ ngay những ách tắc thực tiễn, điểm nghẽn để giải phóng nguồn lực cho tăng trưởng. Ví dụ, sửa nhóm chính sách tại Luật Đầu tư công về thúc đẩy thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài (vốn nước ngoài); sửa đổi Luật Đầu tư nhằm tạo căn cứ pháp lý rõ ràng, phù hợp với thực tiễn để chấm dứt hoạt động đối với các dự án không được triển khai thực hiện trong nhiều năm, góp phần giải phóng nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Nội dung sửa đổi Luật PPP sẽ bổ sung quy định để xử lý dứt điểm những khó khăn, vướng mắc đối với các dự án BOT, BT chuyển tiếp. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu nhằm gỡ ngay một vướng mắc trong thực tiễn đấu thầu dự án ODA, lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt, mua sắm trực tiếp đối với việc mua thuốc; tăng tính cạnh tranh trong đấu thầu, bảo đảm quyền lợi của các đối tượng trong quá trình tham dự thầu…

Đặc biệt, 2 Dự án Luật thiết kế nhiều quy định mới, phù hợp với xu hướng đầu tư mới, kiến tạo phát triển. Theo ông Trần Thành Long, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân, Bộ KH&ĐT, Luật Đầu tư công sửa đổi bổ sung nhóm chính sách thể chế hóa các cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù đã được Quốc hội cho phép áp dụng; nhóm chính sách về nâng cao chất lượng chuẩn bị đầu tư, khai thác nguồn lực, năng lực thực hiện dự án đầu tư công của địa phương, doanh nghiệp nhà nước…

Luật PPP được sửa đổi theo hướng mở rộng tối đa không gian thu hút nguồn lực tư nhân đầu tư dịch vụ, kết cấu hạ tầng công. Ảnh: Tiên Giang
Luật PPP được sửa đổi theo hướng mở rộng tối đa không gian thu hút nguồn lực tư nhân đầu tư dịch vụ, kết cấu hạ tầng công. Ảnh: Tiên Giang

Với Luật sửa 4 Luật, ông Đặng Xuân Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ KH&ĐT cho biết, sửa đổi Luật Đầu tư sẽ bổ sung quy định về thành lập Quỹ hỗ trợ đầu tư để khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia và hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước đối với một số lĩnh vực cần khuyến khích đầu tư, tăng sức cạnh tranh và hấp dẫn của môi trường đầu tư của Việt Nam; thích ứng với sự thay đổi của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu. Đồng thời, bổ sung quy định về thủ tục đầu tư đặc biệt cho các dự án đầu tư vào một số lĩnh vực cần ưu tiên thu hút đầu tư để có thể chớp ngay cơ hội thu hút dự án... Đối với đầu tư PPP, sẽ sửa đổi Luật PPP theo hướng mở rộng tối đa không gian thu hút nguồn lực tư nhân chung tay cùng Nhà nước đầu tư dịch vụ, kết cấu hạ tầng công, thông qua việc khuyến khích thực hiện phương thức PPP đối với tất cả các dự án thuộc lĩnh vực đầu tư công nhằm cung cấp sản phẩm, dịch vụ công, trừ các dự án thuộc trường hợp Nhà nước độc quyền theo quy định của pháp luật quản lý ngành, lĩnh vực hoặc dự án thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội; bãi bỏ hạn mức về quy mô vốn đầu tư tối thiểu để thực hiện dự án PPP; giao Bộ, ngành và địa phương xem xét và chịu trách nhiệm quyết định lựa chọn dự án phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực hiện của nhà đầu tư…

Tại nhiều hội thảo tổ chức thời gian qua, các ý kiến góp ý đều đánh giá cao 2 Dự án Luật do Bộ KH&ĐT xây dựng và kỳ vọng tư duy chính sách mới sẽ tiếp tục tháo gỡ kịp thời các tồn tại, hạn chế, vướng mắc, điểm nghẽn phát sinh trong thực tế, tạo thuận lợi trong thu hút và phân bổ nguồn lực đầu tư minh bạch, hiệu quả. Đồng thời, các quy định về phân cấp, phân quyền bảo đảm rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm để dễ kiểm tra, đôn đốc, giám sát, đánh giá, đáp ứng yêu cầu quản lý và sử dụng nguồn lực đầu tư công để thực hiện ba đột phá chiến lược, nhất là đột phá về hạ tầng trong tình hình mới.

Tin cùng chuyên mục