Sửa luật để khơi thông giải ngân đầu tư công

(BĐT) - Luật Đầu tư công, văn bản pháp lý cao nhất trong quản lý hoạt động đầu tư công, được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/1/2015 với nhiều quy định mới theo hướng lập lại kỷ cương, kỷ luật trong quản lý đầu tư công. 
Pháp luật về đầu tư công sẽ được sửa đổi nhằm thúc đẩy giải ngân và nâng cao hiệu quả đầu tư. Ảnh: Lê Tiên
Pháp luật về đầu tư công sẽ được sửa đổi nhằm thúc đẩy giải ngân và nâng cao hiệu quả đầu tư. Ảnh: Lê Tiên

Tuy nhiên, thực tiễn triển khai Luật cũng phát sinh một số khó khăn và Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đang tích cực rà soát, sửa đổi.

Tránh tình trạng vốn bị ứ đọng

Trong cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi tháng 4 vừa qua, tinh thần của lãnh đạo Chính phủ là kiên quyết điều chuyển nguồn vốn vay ODA từ các dự án giải ngân chậm sang các dự án có tốc độ giải ngân nhanh nhằm tận dụng tối đa nguồn vốn vay ưu đãi này. Từ báo cáo của nhiều bộ, ngành, địa phương cho thấy, tốc độ giải ngân giữa các cơ quan chủ quản không đồng đều. Ngoài ra, vẫn còn tình trạng một số dự án nếu không được gia hạn thời gian giải ngân thì sẽ không có đủ vốn để hoàn thành dự án. 

Một số bộ, địa phương phản ánh, trong thực tế triển khai kế hoạch hàng năm, nhu cầu điều chuyển kế hoạch giữa các dự án, đặc biệt là dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài trong nội bộ của các cơ quan chủ quản khá lớn, đặc biệt là vào cuối năm ngân sách. Khi muốn điều chỉnh vốn từ dự án chậm tiến độ sang dự án giải ngân tốt, đặc biệt là dự án ODA, phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Việc này giảm tính chủ động của các bộ, ngành và địa phương, tăng thủ tục hành chính.

Trên nhiều diễn đàn, lãnh đạo nhiều bộ, ngành sử dụng vốn đầu tư công lớn như Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã thể hiện quan điểm cần thiết chuyển đổi vốn từ dự án giải ngân chậm sang dự án giải ngân nhanh. Nếu việc điều chuyển vốn được thực hiện kịp thời sẽ đẩy nhanh tiến độ giải ngân, tránh tình trạng “kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra”, vốn bị ứ đọng trong khi nhiều dự án khác thiếu vốn.

Để tạo chủ động cho các bộ, ngành, địa phương trong điều kiện kế hoạch vốn được giao, giảm thủ tục hành chính, trong định hướng sửa đổi Luật Đầu tư công, Bộ KH&ĐT đang nghiên cứu sửa đổi theo hướng cho phép điều chỉnh và phân cấp hơn trong điều chỉnh kế hoạch đầu tư hàng năm vốn ngân sách trung ương (bao gồm trái phiếu chính phủ), vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài giữa các ngành, lĩnh vực, chương trình trong nội bộ của các bộ, ngành trung ương và địa phương. 

Quyết liệt giải ngân vốn ngay trong năm kế hoạch

Luật Đầu tư công quy định thời gian giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công hàng năm được kéo dài sang năm sau. Theo một số ý kiến, việc cho phép kéo dài thời gian giải ngân vốn đầu tư sang năm sau tạo cho các chủ đầu tư tâm lý không tập trung triển khai thực hiện kế hoạch ngay trong năm, ảnh hưởng đến việc giải ngân vốn đầu tư.

Để thúc đẩy giải ngân và bảo đảm thực hiện hết kế hoạch được giao trong cả năm nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, Bộ KH&ĐT cho rằng, nên sửa đổi Luật Đầu tư công theo hướng chỉ cho phép thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công hàng năm trong năm kế hoạch. Trường hợp cần thiết phải kéo dài thời gian thực hiện và thanh toán sang năm sau phải được Thủ tướng Chính phủ cho phép.

Trong thời gian qua, Bộ KH&ĐT đã rất tích cực tổng hợp, rà soát các vướng mắc trong thực tiễn triển khai các quy định của pháp luật về đầu tư công để kịp thời tháo gỡ vướng mắc, sửa đổi phù hợp hơn.

Trong Đề án Kế hoạch tái cơ cấu đầu tư công giai đoạn 2016 - 2020 mà Bộ KH&ĐT đã trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ cũng đưa ra nhiều giải pháp để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, nâng cao hiệu quả đầu tư từ nguồn vốn này. Đề án xác định trong định hướng hoàn thiện thể chế quản lý đầu tư công, cần tập trung hoàn thiện chất lượng thể chế pháp luật về đầu tư công. Trong đó, tập trung rà soát, sửa đổi, hoàn thiện cơ chế, chính sách, hệ thống pháp luật về đầu tư công trong tất cả các khâu của quy trình quản lý đầu tư công, theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và tăng cường trách nhiệm của các cấp quản lý trong đầu tư công. Bên cạnh đó, cần đơn giản hóa các thủ tục hành chính nhưng bảo đảm tính chặt chẽ, tạo điều kiện thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư, nâng cao hiệu quả đầu tư công.

Tin cùng chuyên mục