Thủ tục cấp phép xây dựng rườm rà gây lãng phí nguồn lực đầu tư. Ảnh: Tiên Giang |
Tư nhân kêu khổ
Theo ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty TNHH Địa ốc Đất Lành, NĐ 59 có nhiều quy định theo hướng thít chặt quản lý dự án đầu tư xây dựng, trong đó có các dự án sử dụng vốn tư nhân. Thủ tục rườm rà khiến doanh nghiệp mất thêm rất nhiều thời gian mới được cấp giấy phép xây dựng để có thể khởi công công trình.
Ông Nguyễn Văn Đực kiến nghị, nên phân thành 2 loại giấy phép xây dựng: giấy phép khởi công phần móng và giấy phép phần thân. Để có giấy phép khởi công phần móng chỉ cần duyệt quy hoạch 1/500, thẩm định thiết kế cơ sở toàn công trình và thẩm định thiết kế thi công phần móng. Các thủ tục còn lại, doanh nghiệp sẽ hoàn thiện song song với thời gian làm phần móng công trình. Việc tách thành 2 loại giấy phép theo tiến độ thi công như vậy sẽ giúp tiết kiệm được khoảng 6 tháng đến 1 năm, đồng thời vẫn bảo đảm các bước, các thủ tục của quá trình quản lý dự án.
Đó là hướng sửa đổi trên cơ sở các thủ tục hiện hành, tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Đực cho rằng, để rút ngắn thời gian thực hiện dự án đầu tư xây dựng hơn nữa, với các dự án của doanh nghiệp tư nhân, cơ quan nhà nước không cần thiết thẩm định thiết kế thi công. Mục đích của việc thẩm định thiết kế thi công là tìm lãng phí, tìm những rủi ro gây mất an toàn. Thế nhưng, 2 mục đích này với công trình tư nhân là không cần thiết, vì khi tư nhân bỏ vốn đầu tư, họ chắc chắn có trách nhiệm với nguồn vốn của mình, với chất lượng công trình của mình. Mấy chục năm qua, chưa có công trình nào đổ vì thiết kế. Nhà nước nên dành nhân lực để thẩm định các công trình sử dụng vốn nhà nước.
Nếu Nhà nước không tin doanh nghiệp thì có thể giao cho công ty tư vấn tự thẩm định. Việc Nhà nước thẩm định thiết kế thi công nhiều khi còn làm méo mó thiết kế theo ý của cơ quan thẩm định hoặc tiềm ẩn những lợi ích khác. “Bỏ được bước không cần thiết này, có thể giảm được ít nhất 6 tháng. Trong khi thời gian là tiền bạc, chậm khởi công 1 năm làm tăng chi phí lên 5% tổng mức đầu tư và chính người mua nhà phải chịu chi phí này”, ông Nguyễn Văn Đực khuyến nghị.
Dự án vốn nhà nước cũng vướng
Không chỉ dự án sử dụng vốn tư nhân, dự án vốn nhà nước cũng gặp vướng mắc liên quan đến NĐ 59. Theo một cán bộ của Phòng Đấu thầu, Thẩm định và Giám sát đầu tư thuộc Sở KH&ĐT Khánh Hòa, NĐ 59 quy định, về thẩm quyền thẩm định dự án, thẩm định thiết kế cơ sở, đối với dự án PPP, cơ quan chuyên môn về xây dựng chủ trì thẩm định thiết kế cơ sở với các nội dung quy định tại Khoản 2 Điều 58 Luật Xây dựng năm 2014 (trừ phần thiết kế công nghệ); góp ý kiến về việc áp dụng đơn giá, định mức, đánh giá giải pháp thiết kế về tiết kiệm chi phí xây dựng công trình của dự án; đơn vị đầu mối quản lý về hoạt động PPP thuộc cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký kết hợp đồng dự án chủ trì thẩm định các nội dung khác của báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế công nghệ (nếu có) và tổng hợp kết quả thẩm định thiết kế cơ sở do cơ quan chuyên môn về xây dựng thực hiện, trình phê duyệt dự án. Tuy nhiên, theo Nghị định số 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), quy trình lại khác: Giao Sở KH&ĐT chủ trì thẩm định thiết kế cơ sở, lấy ý kiến của các cơ quan liên quan. Theo quy trình của NĐ 59 có thể làm kéo dài thời gian thêm khoảng 2 tháng.
Tại cuộc làm việc giữa Tổ công tác của Chính phủ với Bộ Xây dựng, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng phải tiến hành nghiên cứu, đề xuất sửa đổi nhanh nhất NĐ 59. Theo Bộ trưởng, hiện các bộ, địa phương đều phản ánh thủ tục rườm rà, vướng mắc của NĐ 59 khiến công tác giải ngân vốn đầu tư khó khăn, mất thời gian hơn. “Doanh nghiệp, địa phương phản ánh rằng các dự án cứ điều chỉnh tí xíu là phải lên Bộ Xây dựng, gây khó khăn, lãng phí thời gian của doanh nghiệp, người dân. Thủ tướng yêu cầu sửa nghị định này theo tinh thần phân cấp chứ không phải bao cấp” - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.
Theo một số nguồn tin, Bộ Xây dựng đang hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của NĐ 59 để trình Thủ tướng quyết định, trong đó có thể sẽ tăng cường phân cấp về thẩm định các dự án dùng ngân sách nhà nước dưới 15 tỷ đồng cho các chủ đầu tư; toàn bộ vốn do TP.HCM và Hà Nội tự quyết định đầu tư thì tự thẩm định không phải chuyển lên Bộ thẩm định...