Tháng 8, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU đạt 3,25 tỷ USD, tăng 4,65% so với tháng 7 và tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2019. Ảnh: Lê Tiên |
Chính phủ thấu hiểu những khó khăn của doanh nghiệp do dịch Covid-19 song cũng mong muốn cộng đồng doanh nghiệp hết sức nỗ lực, sáng tạo, đồng hành cùng Chính phủ vượt qua thách thức. Đó là ý kiến của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh tại buổi tiếp đoàn doanh nghiệp của Hội Phát triển hợp tác kinh tế Việt Nam - ASEAN (VASEAN) vừa qua.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, trong quý II, Chính phủ đã trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành các nghị quyết về miễn, giảm thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đến năm 2020; về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020; điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân; giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay đến hết ngày 31/12/2020.
Bên cạnh đó, Chính phủ vẫn luôn quan tâm tháo gỡ vướng mắc về thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thể hiện qua việc cắt giảm trên 3.800 điều kiện kinh doanh, hơn 6.770 danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành…
Tuy nhiên, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nên trước mắt còn nhiều thách thức, đòi hỏi nỗ lực lớn không chỉ từ phía Chính phủ mà còn cả cộng đồng doanh nghiệp.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đề nghị các doanh nghiệp chủ động, tích cực nắm bắt cơ hội kinh doanh từ các FTA và khắc phục các khó khăn do dịch bệnh gây ra. “Kinh nghiệm 2 tháng vừa qua cho thấy doanh nghiệp nào nỗ lực và chuẩn bị tốt đều là những doanh nghiệp đầu tiên khai thác tốt lợi ích từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA)”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Điều này được thể hiện rõ qua số liệu vừa được Bộ Công Thương công bố. Theo đó, kể từ khi EVFTA có hiệu lực (ngày 1/8) đến cuối tháng 9, các tổ chức được ủy quyền đã cấp gần 15.000 bộ Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu EUR.1 với kim ngạch gần 700 triệu USD đi EU.
Chỉ tính riêng tháng 8, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU đã đạt 3,25 tỷ USD, tăng 4,65% so với tháng 7 và tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2019, đưa kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường EU đạt gần 23 tỷ USD. Sang tháng 9, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này tiếp tục duy trì đà tăng mạnh, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho biết, từ trước khi EVFTA có hiệu lực, doanh nghiệp này đã sẵn sàng xuất hàng vào EU bằng việc xây dựng cánh đồng gạo sạch, hữu cơ theo tiêu chuẩn EU và Mỹ. Trung An đã ký hợp đồng bán 3.000 tấn gạo cho 3 khách hàng của Cộng hòa Liên bang Đức với 2 giống gạo thơm là ST20 và Jasmine.
Tương tự, ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lộc Trời cho biết, Lộc Trời đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về giống, vùng trồng, lực lượng cho mùa vụ tiếp theo, chủ động làm việc với các đối tác EU để nắm bắt về số lượng, chủng loại và các yêu cầu khác để đáp ứng phù hợp. Kết quả là, cuối tháng 9 vừa qua, 129 tấn gạo thơm của Lộc Trời cũng đã lên đường sang EU theo EVFTA.
Bình luận về các chính sách hỗ trợ và việc tận dụng cơ hội của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, ông Đinh Tuấn Minh, Giám đốc nghiên cứu Trung tâm Nghiên cứu giải pháp thị trường cho các vấn đề kinh tế và xã hội (MASSEI) cho rằng, các chính sách tài khóa và tiền tệ đang được thực thi với liều lượng cân đối theo sức bền của năng lực tài chính quốc gia, doanh nghiệp Việt Nam luôn năng động và biết cách tận dụng cơ hội kinh doanh để vượt qua khó khăn.
“Việc tiếp tục hỗ trợ qua chính sách tài khóa và tiền tệ là cần thiết song cần xem xét trong các cân đối vĩ mô. Trong khi đó, phản ánh từ cộng đồng doanh nghiệp cho thấy, dư địa hỗ trợ lớn nhất và quan trọng nhất hiện nay chính là tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi nhiều hơn cho môi trường kinh doanh. Mặt khác, từ vị thế là điểm sáng phòng chống dịch, có thể xây dựng các chính sách thu hút đầu tư với định hướng rõ rệt về lĩnh vực và vùng trọng điểm”, ông Minh nói.
Cùng quan điểm, theo TS. Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đều rất đúng và trúng, tuy nhiên, cần được thực thi nhanh chóng, đơn giản hơn để doanh nghiệp có thể kịp thời tận dụng, đồng thời, cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thì tự khắc sẽ thu hút vốn đầu tư từ các doanh nghiệp.