Tăng các vụ xử “quan” để tạo niềm tin với dân

Sáng 25/2, Ủy ban thường vụ Quốc hội nghe báo cáo và cho ý kiến về Báo cáo công tác của TAND tối cao và VKSND tối cao trong nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIII.
Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình trình bày báo cáo tổng kết nhiệm kỳ
Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình trình bày báo cáo tổng kết nhiệm kỳ

Xét xử nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng về kinh tế

Trình bày báo cáo tổng kết nhiệm kỳ, Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình cho biết, trong nhiệm kỳ qua, công tác đấu tranh, phòng chống tham nhũng được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm và chỉ đạo thực hiện quyết liệt. Các toà án đã xét xử 1.233 vụ án với 2.813 bị cáo phạm các tội về tham nhũng, nhiều vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng về kinh tế, tham nhũng đã được các tòa án khẩn trương nghiên cứu hồ sơ để đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh.

Đặc biệt, trong năm 2015, các tòa án đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tố tụng khẩn trương hoàn tất hồ sơ để đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ án trọng điểm về tham nhũng phải đưa ra xét xử trước Đại hội Đảng lần thứ XII theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng”.

Bên cạnh đó, báo cáo cũng chỉ rõ, mặc dù đã hạn chế ở mức thấp, nhưng trong nhiệm kỳ qua vẫn còn để xảy ra 3 trường hợp kết án oan người không có tội, TAND tối cao đã khẩn trương chỉ đạo khắc phục kịp thời.

Cho ý kiến vào báo cáo trên, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước đề nghị làm rõ công tác xét xử trong đấu tranh phòng chống tham nhũng thế nào, bởi lĩnh vực này đang bị kêu rất nhiều. Ông Ksor Phước cũng đề nghị quan tâm hơn đến các vụ “xử quan” để tạo ra niềm tin về công lý của tòa án. “Đối với các vụ án hành chính, “dân kiện quan” - kiện người ra quyết định hành chính xâm phạm tới quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức, báo cáo của Chánh án TAND Tối cao cũng cần phải làm rõ thêm để tạo niềm tin về công lý của tòa án. Qua theo dõi 2 nhiệm kỳ, tôi thấy nhiệm kỳ này tòa án các cấp đã làm ngày càng tốt hơn, đặc biệt gắn với tiêu chí mà nghị quyết Quốc hội đã nêu ra”, ông Phước nhận định.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng đề nghị đánh giá kỹ về các vụ án lớn liên quan đến tham nhũng. Trong khi đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị báo cáo của TAND Tối cao cần cố gắng lọc bớt kể lể công việc của tòa, tăng thêm nhận định đánh giá hoạt động của tòa có ý nghĩa và mang lại hiệu quả gì.

Viện kiểm sát phải làm sao để dân tin tưởng

Đó là yêu cầu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khi cho ý kiến vào Báo cáo của Viện trưởng VKSND Tối cao về công tác của ngành kiểm sát trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII. Theo Chủ tịch Quốc hội, đội ngũ công chức ở ngành kiểm sát được nhân dân tin tưởng, coi trọng. 159 kiểm sát viên cao cấp được bổ sung vừa qua thực sự là những người được nhân dân tin tưởng.

Tuy nhiên, việc kiểm sát hoạt động tư pháp được viết trong báo cáo vẫn chưa rõ và đầy đủ. Chủ tịch Quốc hội nêu hàng loạt câu hỏi: “Nhiệm vụ cuối cùng của hoạt động kiểm sát là bảo vệ công lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Vậy, hoạt động kiểm sát đã làm tốt chưa? Công an làm gì, tòa án làm gì, mình đứng ngoài thì vai trò của viện kiểm sát là gì”.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: Hết nhiệm kỳ Viện trưởng, Viện phó VKSND có thể về hưu, nhưng Viện kiểm sát thì “không có nghỉ hưu” nên phải làm sao cho nhân dân tin tưởng. “5 năm vừa rồi nhân dân có tin tưởng hơn với hoạt động của Viện kiểm sát không? Tôi chưa thấy có câu nào nói cái này cả. Tuy Viện kiểm sát là độc lập nhưng là cơ quan do Quốc hội lập ra nên phải xem đã thực hiện nghiêm, đầy đủ các nghị quyết của Quốc hội chưa. Đây không phải báo cáo kể công việc của Viện kiểm sát 5 năm vừa rồi, mà phải đi sâu vào đánh giá, suy nghĩ kỹ hoạt động của ngành mình trong 5 năm qua để từ đó rút ra được gì cho ngành mình tiếp tục phát triển”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Tin cùng chuyên mục