Tăng chế tài với loạt dự án giải ngân thấp

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Ngày 8/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 104/CĐ-TTg đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024. Thủ tướng yêu cầu kiên quyết xử lý nghiêm khắc các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, thiếu trách nhiệm làm chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng đầu năm của cả nước ước đạt 47,29% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Ảnh: Tiên Giang
Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng đầu năm của cả nước ước đạt 47,29% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Ảnh: Tiên Giang

Những dự án giải ngân 0%

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tỉnh Nghệ An, tính đến hết tháng 9/2024, Tỉnh đã giải ngân 5.590,345 tỷ đồng vốn đầu tư công, đạt 60,26% kế hoạch, cao hơn tỷ lệ bình quân chung cả nước, nhưng đang có dấu hiệu chậm lại do nhiều dự án có tỷ lệ giải ngân 0%.

Sở KH&ĐT tỉnh Nghệ An cho biết, có 16 đơn vị với tổng 20 dự án sử dụng nguồn đầu tư công tập trung chưa thực hiện giải ngân. Trong đó, UBND huyện Con Cuông, UBND huyện Quỳnh Lưu và Sở Y tế Tỉnh có 2 dự án; UBND các huyện: Anh Sơn, Hưng Nguyên, Kỳ Sơn, Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp có 1 dự án... Trước thực trạng này, lãnh đạo Tỉnh đã điều chuyển hơn 230 tỷ đồng vốn của 14 dự án chậm giải ngân bổ sung cho các dự án có tiến độ giải ngân tốt.

Không riêng Nghệ An, tại Quảng Bình, theo số liệu của Kho bạc Nhà nước Tỉnh, tính đến đầu tháng 10/2024, có 18 dự án của các đơn vị chưa giải ngân với số vốn bố trí là 60 tỷ đồng. Các đơn vị có tỷ lệ giải ngân 0% gồm: Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn; Trung tâm Kỹ thuật đo lường thử nghiệm; UBND huyện Quảng Trạch; UBND huyện Quảng Ninh; UBND huyện Lệ Thủy…

Tại khu vực phía Bắc, 9 tháng đầu năm 2024, tỉnh Điện Biên còn 11/40 đơn vị chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân 0%. Ngoài Điện Biên, một số địa phương có dự án chưa giải ngân là Sơn La (22 dự án, tổng vốn 258 tỷ đồng); Hòa Bình (18 dự án, tổng vốn 65 tỷ đồng)...

Tình trạng tỷ lệ giải ngân đạt thấp cũng “lan” rộng từ Bắc vào Nam. Tại Quảng Nam, tính từ đầu năm đến ngày 20/9, tỷ lệ giải ngân vốn đầu công của Tỉnh mới đạt 39%, thấp hơn cùng kỳ năm ngoái và thấp hơn tỷ lệ bình quân chung của cả nước.

Không thể đổ lỗi cho cơ chế, chính sách

Theo các chủ đầu tư tại Quảng Nam, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công ở mức thấp do vướng mặt bằng, thiếu vật liệu; thủ tục đầu tư, đấu thầu phức tạp, kéo dài...

Tuy nhiên, ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng, không thể đổ hết lỗi cho cơ chế, chính sách. “Tại sao cũng cơ chế, chính sách đó, nhưng có chủ đầu tư, địa phương giải ngân tốt, còn mình thì không? Các chủ đầu tư, địa phương phải xem lại trách nhiệm, nhìn nhận sự yếu kém của mình khi không thể giải ngân hết vốn. Có phải vì thiếu trách nhiệm, quyết tâm trong quản lý, điều hành của chủ đầu tư, địa phương hay không?”, ông Lê Văn Dũng nhấn mạnh.

Ông Lê Văn Dũng đề nghị, chậm nhất ngày 10/10/2024, các chủ đầu tư phải báo cáo và đề xuất UBND Tỉnh điều chuyển vốn. Sau ngày 10/10/2024, nếu chủ đầu tư, địa phương không báo cáo thì cuối năm làm không xong sẽ bị xử lý trách nhiệm. Người đứng đầu, người phân công phụ trách sẽ bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ.

Siết kỷ cương, tăng cường trách nhiệm cá nhân, tập thể, xử lý người đứng đầu khi không hoàn thành nhiệm vụ giải ngân đầu tư công là những biện pháp được các địa phương quyết liệt triển khai để đưa vốn vào dự án, phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân Chính phủ giao.

Bình Định đặt mục tiêu đến hết quý IV/2024 giải ngân đạt trên 90%, riêng kế hoạch vốn năm 2023 được cấp thẩm quyền cho phép kéo dài sang năm 2024 đạt 100%; đến hết 31/1/2025 phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024. Để hoàn thành mục tiêu này, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn yêu cầu Sở KH&ĐT phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công; tham mưu UBND Tỉnh kiên quyết xử lý nghiêm khắc các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, thiếu trách nhiệm làm chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Tại tỉnh Điện Biên, Bí thư Tỉnh ủy Trần Quốc Cường yêu cầu xác định nguyên nhân hạn chế của từng địa phương, đơn vị. Đồng thời, xem xét lại công tác cán bộ, nhất là về năng lực, trình độ, tinh thần trách nhiệm để kiểm điểm, xử lý kịp thời các trường hợp yếu kém, tiêu cực, không hoàn thành nhiệm vụ…

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho biết, giải pháp xử lý người đứng đầu làm chậm giải ngân vốn đầu tư công đã thực hiện nhiều năm. Gần đây nhất, tỉnh Quảng Ninh đã tạm đình chỉ công tác Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP. Hạ Long do chậm giải ngân vốn đầu tư công. “Chậm giải ngân đầu tư công không còn là câu chuyện chung chung của địa phương trên cả nước. Khi được điểm mặt, chỉ tên từng dự án, các địa phương, chủ đầu tư phải tìm ra giải pháp xử lý. Đồng thời, cơ quan chức năng nên mạnh dạn điều chuyển vốn, cắt vốn, góp phần giải quyết “căn bệnh” chậm giải ngân vốn đầu tư công”, ông Ngô Trí Long chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục