Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề xuất, cần bố trí vốn đầu tư công hợp lý cho hoạt động bảo vệ môi trường trong giai đoạn 2021 - 2025. Ảnh: Lê Tiên |
Bố trí vốn cho các dự án bảo vệ môi trường
Trước những thiệt hại về người và của do thiên tai liên tiếp gây ra trong thời gian qua, đặc biệt trong năm 2020, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, cần phải nhìn nhận đúng tầm quan trọng của việc bảo vệ rừng trong phòng, chống thiên tai và dành nguồn lực hợp lý cho đầu tư công những công trình, dự án bảo vệ môi trường, khắc phục hậu quả của thiên tai.
Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (Long An) cho biết, theo dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025, phần mục tiêu chung chỉ đề cập chung là chú trọng bảo vệ môi trường. Phần mục tiêu, định hướng, cơ cấu cụ thể cũng không đề cập nội dung nào đầu tư cho bảo vệ môi trường. Trong danh mục dự án đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 chưa có dự kiến danh mục dự án mới. Tại danh mục dự án chuyển tiếp cho giai đoạn này của 63 địa phương cũng chỉ có duy nhất một dự án trong lĩnh vực bảo vệ môi trường ở tỉnh Quảng Ninh.
Do đó, ông Tuấn Anh đề nghị Chính phủ và Quốc hội xem xét, điều chỉnh cơ cấu đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 cho phù hợp với bối cảnh hiện nay. Trong đó, cần bố trí vốn đầu tư công hợp lý cho hoạt động bảo vệ môi trường giai đoạn 2021 - 2025.
Đại biểu Trần Thị Hiền (Hà Nam) đề nghị, kế hoạch đầu tư công trung hạn cần nhấn mạnh thêm thành tố bền vững như một yếu tố cốt lõi để đảm bảo hiệu quả đầu tư công trên nền tảng phải duy trì được thành quả phát triển từ những giai đoạn trước, đủ để đầu tư đến đâu chắc chắn đến đó.
Đồng quan điểm, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) đề nghị, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, cần ưu tiên cho mua sắm trang thiết bị phục vụ cứu hộ, cứu nạn, xây dựng hạ tầng các huyện, các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Cắt giảm vốn đầu tư công nếu tốc độ giải ngân thấp
Nguồn vốn đầu tư công được xem là nguồn lực quan trọng để phát triển đất nước. Để tiết kiệm vốn đầu tư, thêm nguồn lực cho giai đoạn tới, một số đại biểu cho rằng, cần phải mạnh mẽ hơn, kiên quyết thu hồi, chuyển vốn các dự án chậm triển khai.
Theo đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (Bình Phước), để nâng cao hiệu quả đầu tư công trong giai đoạn tới, cần có giải pháp hữu hiệu hơn trong việc lựa chọn, phân bổ các dự án đầu tư công, tránh cào bằng, chủ nghĩa bình quân theo từng bộ, ngành, địa phương. Ngoài ra, cần kiên quyết thu hồi, chuyển vốn các dự án chậm triển khai, xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu khi tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư chậm do yếu tố chủ quan.
Đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) lưu ý thêm, đối với việc rà soát và quyết định điều chuyển vốn đầu tư công cần phải nghiên cứu kỹ. “Chúng ta đang ở vào những tháng cuối năm và cũng rất cần một quyết sách mạnh mẽ để tạo bước nhảy vọt cho công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 nhằm đạt được kỳ vọng đề ra. Tôi đề nghị Chính phủ cần xem xét cẩn trọng để tránh làm ảnh hưởng đến khả năng phát triển kinh tế - xã hội và đồng thời cũng điều chỉnh, bố trí vốn cho các dự án có khả năng giải ngân vốn, nhất là các dự án mà có sử dụng nguồn vốn ODA”, bà Sang nhấn mạnh.
Giải trình thêm về vấn đề đầu tư công, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, để khắc phục những tồn tại của đầu tư công giai đoạn 2016 - 2020 và tạo hành lang pháp lý đồng bộ cho giai đoạn 2021 - 2025, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) ban hành nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư công và ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 (Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 ngày 8/7/2020), trong đó tăng cường phân cấp trao quyền, gắn với trách nhiệm của từng bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong việc lập, lựa chọn, thẩm định và phân bổ vốn đầu tư công.
Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 cũng quy định cụ thể về việc bố trí vốn đảm bảo thu hồi toàn bộ số vốn ứng từ trước tới nay chưa thu hồi, bố trí đủ số vốn còn thiếu trong kế hoạch trung hạn 2016 - 2020, ưu tiên phân bổ vốn cho các dự án chuyển tiếp, bảo đảm đầu tư tập trung, tránh dàn trải, phát huy hiệu quả đầu tư các dự án.
Để đảm bảo phát triển nhanh và bền vững, Nghị quyết cũng ưu tiên hỗ trợ vốn ngân sách nhà nước cao hơn cho phát triển Đồng bằng sông Cửu Long, miền núi phía Bắc và Tây Nguyên để đầu tư phát triển những vùng khó khăn, biên giới, vùng chịu nhiều tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu… Về đề nghị của đại biểu Quốc hội đối với những dự án kết cấu hạ tầng cụ thể, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng ghi nhận và sẽ rà soát, xem xét phù hợp với Nghị quyết của UBTVQH và Chính phủ, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.