Tăng tốc gỡ điểm nghẽn hạ tầng vùng Đông Nam Bộ

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo đánh giá của Hội đồng Điều phối vùng Đông Nam Bộ, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân của vùng có xu hướng chậm lại mà một trong những nguyên nhân là nhiều dự án trọng điểm có tính chất liên vùng đang gặp khó khăn, vướng mắc. Theo đó, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung nguồn lực cho các dự án để tăng tốc, bứt phá, tháo gỡ điểm nghẽn hạ tầng vùng cho kỷ nguyên vươn mình sắp tới.
Nhiều dự án kết cấu hạ tầng quan trọng, có tính liên kết tại vùng Đông Nam Bộ đang được quyết liệt triển khai. Ảnh: Song Lê
Nhiều dự án kết cấu hạ tầng quan trọng, có tính liên kết tại vùng Đông Nam Bộ đang được quyết liệt triển khai. Ảnh: Song Lê

Khu vực Đông Nam Bộ đang phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có tình trạng thiếu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông chưa theo kịp tốc độ phát triển kinh tế. Hạ tầng giao thông kết nối giữa liên vùng chưa hoàn chỉnh, thiếu đồng bộ. Giao thông kết nối cảng đang là điểm nghẽn, chưa hình thành được hệ sinh thái dịch vụ logistics đa dạng nhằm đáp ứng nhu cầu lưu chuyển hàng hóa của vùng.

Hiện tại, nhiều dự án kết cấu hạ tầng quan trọng, có tính liên kết vùng đang được quyết liệt triển khai nhưng gặp những vướng mắc khác nhau, dẫn tới tiến độ xây dựng, giải ngân chưa như kỳ vọng. Đơn cử, Dự án Đường Vành đai 3 TP.HCM có chiều dài 76,34 km, gồm 8 dự án thành phần (DATP), sử dụng vốn đầu tư công, khởi công vào tháng 6/2023. Đến nay, 21 gói thầu xây lắp chính thuộc các DATP đang được đồng loạt thi công. Tiến độ hiện tại 10 gói thầu xây lắp chính đoạn qua TP.HCM đạt khối lượng khoảng 18,1%; 3 gói thầu xây lắp chính đoạn qua tỉnh Đồng Nai đạt khối lượng khoảng 7,2%; 4 gói thầu thi công xây lắp đoạn qua tỉnh Bình Dương đạt khối lượng khoảng 14,5%… Do Dự án đi qua 4 địa phương với khối lượng giải phóng mặt bằng (GPMB) rất lớn, đi qua nhiều khu vực đông dân cư nên rất phức tạp. Các địa phương đang quyết liệt thực hiện để hoàn thành GPMB trong năm 2024.

Một dự án khác là cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu có tổng mức đầu tư hơn 17.829 tỷ đồng, có mục tiêu cơ bản hoàn thành năm 2025. Hiện nay, tuyến cao tốc đoạn qua tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có hơn 90% diện tích mặt đường được rải đá răm, dự kiến thông xe kỹ thuật toàn tuyến dịp 30/4/2025, sớm hơn 8 tháng. Tính đến giữa tháng 11/2024, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đoạn qua tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giải ngân đạt 67,4% và dự kiến cả năm giải ngân đạt 100% kế hoạch. Ngược lại, đoạn tuyến qua tỉnh Đồng Nai lại rất chậm và đang làm dấy lên lo ngại về thiếu đồng bộ về tiến độ hoàn thành của toàn Dự án. DATP qua tỉnh Đồng Nai mới GPMB đạt 69,7%, giải ngân mới đạt khoảng 15,54% kế hoạch năm 2024.

Dự án Cao tốc Bến Lức - Long Thành hay Dự án Mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây cũng chung nỗi lo về tiến độ. Theo đó, cao tốc Bến Lức - Long Thành dài 58 km, đi qua 3 địa phương Long An, TP.HCM, Đồng Nai, với tổng mức đầu tư 31.300 tỷ đồng. Được khởi công từ năm 2014, dự kiến hoàn thành sau 5 năm, nhưng do khó khăn về chính sách đầu tư, nguồn vốn nên Dự án bị dừng triển khai một thời gian dài trước khi tái khởi động. Theo dự kiến, trong năm 2024 sẽ đưa 2 đoạn vào khai thác gồm: đoạn từ nút giao cao tốc TP.HCM - Trung Lương (tỉnh Long An) đến Quốc lộ 1 (TP.HCM) dài 3,4 km và đoạn từ nút giao Phước An đến nút giao Quốc lộ 51 (tỉnh Đồng Nai) dài 6,l km. Đoạn từ Quốc lộ 1 đến nút giao Nguyễn Văn Tạo (TP.HCM) dài 18,8 km dự kiến đi vào hoạt động từ quý I/2025. Trong khi đó, Dự án Mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây vẫn đang ở bước lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, dù đoạn cao tốc hiện hữu luôn trong tình trạng ùn ứ giao thông nặng.

Hai dự án cảng hàng không có vai trò đặc biệt quan trọng tại khu vực Đông Nam Bộ đang được đẩy nhanh tiến độ. Cụ thể, Dự án Xây dựng nhà ga hành khách T3 - Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Tân Sơn Nhất có tổng mức đầu tư 10.986 tỷ đồng đã đạt khoảng 60%, riêng phần xây thô nhà ga hành khách đã hoàn thành 100%, dự kiến đi vào hoạt động cuối tháng 4/2025. Đối với Dự án Cảng HKQT Long Thành, các gói thầu quan trọng đều đang đạt và vượt tiến độ và cơ bản hoàn thành GPMB toàn Dự án, riêng DATP 1 và 4 đang bị chậm tiến độ. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các nhà thầu nỗ lực hơn nữa để rút ngắn thời gian thi công, tất cả công việc phải hoàn thành trước ngày 31/12/2025 và đưa Cảng HKQT Long Thành vào khai thác trước ngày 28/2/2026.

Theo Hội đồng Điều phối vùng Đông Nam Bộ, nhiều dự án, đề án lĩnh vực hạ tầng khác cũng đang được triển khai. Trong đó, Dự án Cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành (21.000 tỷ đồng) hiện đã được giao kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 là 1.000 tỷ đồng. UBND tỉnh Bình Phước đã phê duyệt quyết định đầu tư Dự án để triển khai trong năm 2025. Dự án Cảng trung chuyển quốc tế cửa ngõ Sài Gòn được Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo hồ sơ thẩm định đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư vào tháng 7/2024. Hiện nay, báo cáo này đang được hoàn thiện lại theo ý kiến của các bộ, ngành liên quan đến chuyển đổi rừng, đánh giá tác động môi trường, tiêu chí về công nghệ sử dụng trong Dự án và sẽ trình Thủ tướng xem xét, quyết định trong thời gian sớm nhất. Trong khi đó, Dự án Vành đai 4 TP.HCM đã hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và trình Thủ tướng với sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 122.774 tỷ đồng. Các dự án khác như: đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, Chơn Thành - Gia Nghĩa, TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đều đã được phê duyệt chủ trương đầu tư.

Tại Hội nghị lần thứ 5 Hội đồng Điều phối vùng Đông Nam Bộ ngày 2/12/2024, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá, tiến độ triển khai các dự án trọng điểm chậm do vướng mắc trong công tác GPMB, thiếu nguồn vật liệu đất đắp, cát… Nguồn lực triển khai các dự án còn khó khăn (nhất là các dự án thực hiện theo phương thức PPP), không huy động đủ nguồn lực để thực hiện toàn bộ các công trình, dự án mà cần phân kỳ đầu tư trong các kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn sau.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, các bộ, địa phương cần tập trung giải ngân số vốn đã được giao, sớm đưa nguồn vốn hấp thụ vào nền kinh tế, đồng thời nghiên cứu, lựa chọn các dự án vùng và có tính chất vùng quan trọng, cấp bách theo các Nghị quyết của Bộ Chính trị và theo quy hoạch Vùng để ưu tiên nguồn vốn bố trí trong kế hoạch trung hạn 2026 - 2030.

Tin cùng chuyên mục