Tăng tốc triển khai Quy hoạch điện VIII

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Quy hoạch điện VIII được nhiều nhà đầu tư đánh giá “rất đẹp”, bởi có sự cân đối, hài hòa giữa cơ cấu nguồn và lưới giữa các vùng miền. Từ định hướng lớn này, nhiều nhà đầu tư mong đợi những chính sách, giải pháp cụ thể, hợp lý, có lợi cho các bên sẽ được đề cập rõ ràng trong Kế hoạch triển khai Quy hoạch điện VIII.
Nhà đầu tư lĩnh vực năng lượng, trong đó có năng lượng tái tạo đang chờ đợi những chính sách cụ thể trong Kế hoạch triển khai Quy hoạch điện VIII, nhất là vấn đề giá điện. Ảnh: Lê Tiên
Nhà đầu tư lĩnh vực năng lượng, trong đó có năng lượng tái tạo đang chờ đợi những chính sách cụ thể trong Kế hoạch triển khai Quy hoạch điện VIII, nhất là vấn đề giá điện. Ảnh: Lê Tiên

Bản kế hoạch đang được Bộ Công thương xây dựng, hướng đến mục tiêu huy động gần 135 tỷ USD vốn đầu tư phát triển nguồn và lưới điện truyền tải giai đoạn 2021 - 2030 và 400 - 500 tỷ USD cho giai đoạn 2031-2050…

Nóng lòng chờ chính sách cụ thể

Tại thời điểm này, sau khoảng 3 tháng kể từ khi Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Công Thương đang lấy ý kiến hoàn thiện Dự thảo Kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch. Chia sẻ với Báo Đấu thầu, ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch Hiệp hội Điện gió và mặt trời Bình Thuận, Giám đốc Công ty Phong Điện Thuận Bình cho biết, các nhà đầu tư lĩnh vực năng lượng, trong đó có năng lượng tái tạo (NLTT) đang nóng lòng chờ đợi những giải pháp cụ thể trong Kế hoạch triển khai Quy hoạch điện VIII, nhất là vấn đề cơ chế, chính sách để góp phần hóa giải nỗi lo thiếu điện.

Theo ông Thịnh, tháng 5 và tháng 6 vừa qua, nhiều tỉnh/thành ở khu vực miền Bắc nước ta đã bị cắt điện luân phiên. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp (DN). Trong khi đó, các dự báo cho thấy, tình trạng thiếu điện ở miền Bắc có thể còn tiếp diễn, bởi thực tế nhiều dự án điện trong Quy hoạch điện VII cũng như Quy hoạch điện VII điều chỉnh bị chậm tiến độ.

Nhìn vào Quy hoạch điện VIII vừa được Thủ tướng phê duyệt, ông Thịnh cho rằng, đây là Quy hoạch “rất đẹp”, bởi có sự cân đối, hài hòa giữa cơ cấu nguồn và lưới giữa các vùng miền. Để hiện thực hóa quy hoạch này, Việt Nam cần nguồn vốn rất lớn, mà bên cạnh vốn ngân sách nhà nước, sẽ buộc phải huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân. “Hiện nhà đầu tư rất sốt ruột khi Quy hoạch đã ban hành nhưng Kế hoạch cụ thể, trong đó có vấn đề giá bán điện ra sao chưa rõ... Nếu chính sách ổn định, có lợi cho các bên thì các nhà đầu tư sẽ yên tâm và chắc chắn sẽ rót vốn đầu tư”, ông Thịnh chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn T&T cho biết, mục tiêu chiến lược của Tập đoàn 10 năm tới là sẽ tập trung đầu tư phát triển mạnh vào các dự án nguồn điện từ NLTT carbon thấp, với tổng công suất dự kiến đạt từ 12 GW - 15 GW (chiếm khoảng gần 10% tổng công suất nguồn điện của Việt Nam). Hướng tới mục tiêu này, T&T đã ký kết hợp tác đầu tư với một số tập đoàn năng lượng lớn trên thế giới để liên danh, liên kết cùng đầu tư phát triển các dự án nguồn điện. Theo đó, T&T mong ngóng những giải pháp cụ thể để hiện thực hóa Quy hoạch điện VIII khi thời gian còn lại từ nay tới năm 2030 không nhiều.

Một nhà đầu tư lĩnh vực LNTT tại tỉnh Bến Tre cũng không giấu sự sốt ruột trong chuỗi ngày chờ đợi Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII được ban hành. “Chúng tôi là nhà đầu tư về NLTT, toàn bộ nguồn vốn và con người đều tập trung vào lĩnh vực này. Nếu chưa có Kế hoạch với cơ chế pháp lý rõ ràng để thực hiện Quy hoạch thì doanh nghiệp dậm chân tại chỗ”, nhà đầu tư bày tỏ.

Theo nhà đầu tư, bài toán đầu tư thường sẽ tính ở công suất tương đối lớn để điểm hòa vốn nằm trong thời gian cho phép; chưa có khung pháp lý thì nhà đầu tư chưa có cơ sở thực hiện để tăng công suất. Hệ thống hạ tầng đã đầu tư đầy đủ mà không được triển khai tăng công suất thì vô cùng khó khăn để đáp ứng kỳ trả lãi và nợ ngân hàng...

Cách đây ít ngày, Ngân hàng Thế giới (WB) công bố số liệu đáng suy nghĩ: các đợt mất điện tại miền Bắc trong tháng 5 và tháng 6 vừa qua khiến sản xuất bị gián đoạn, ước tính thiệt hại cho nền kinh tế khoảng 1,4 tỷ USD, tương đương 0,3% GDP.

Bộ Công Thương đang xây dựng Kế hoạch triển khai Quy hoạch điện VIII hướng đến mục tiêu huy động gần 135 tỷ USD vốn đầu tư nguồn và lưới điện truyền tải giai đoạn 2021 - 2030. Ảnh: ML

Bộ Công Thương đang xây dựng Kế hoạch triển khai Quy hoạch điện VIII hướng đến mục tiêu huy động gần 135 tỷ USD vốn đầu tư nguồn và lưới điện truyền tải giai đoạn 2021 - 2030. Ảnh: ML

Huy động vốn lớn, cần chính sách tốt

Đại diện T&T cho rằng, để tạo thuận lợi cho việc triển khai Quy hoạch điện VIII, Kế hoạch thực hiện Quy hoạch cần được cụ thể hóa, tránh chung chung. “Kế hoạch phải đưa ra được tiến độ theo từng năm cho từng loại hình dự án nguồn và lưới điện trong danh mục các dự án được thực hiện giai đoạn 2023 - 2030, thay vì chỉ đưa ra theo giai đoạn, hoặc theo năm mục tiêu như dự thảo Tờ trình đề xuất”, bà Nguyễn Thị Thanh Bình góp ý.

Bổ sung thêm, bà Bình chỉ ra một số vướng mắc nhà đầu tư có thể gặp phải, đó là Dự thảo Kế hoạch thực hiện đang gộp điện gió trên bờ và gần bờ thành một loại hình dự án, trong khi đặc tính, đặc điểm của điện gió trên bờ và gần bờ là không giống nhau về môi trường đầu tư, chi phí lắp đặt, giá thành điện quy dẫn cũng như điều kiện vận hành. Cũng theo bà Bình, mục tiêu tới năm 2030 Việt Nam sẽ có 27.880 MW điện gió là rất thách thức khi lộ trình, cơ chế chưa có.

Về giá điện, nhiều nhà đầu tư thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư số 15/2022/TT-BCT và Quyết định số 21/QĐ-BCT đều có chung lo lắng không thể đảm bảo hiệu quả đầu tư do không đảm bảo các chỉ số kinh tế tài chính khi áp dụng khung giá điện mới ban hành so với cơ chế giá cũ.

Chủ tịch Hiệp hội Điện gió và mặt trời Bình Thuận cho rằng, điểm mấu chốt để thu hút các nhà đầu tư là cơ chế, chính sách rõ ràng, ổn định để nhà đầu tư yên tâm đầu tư, trong đó, giá điện phải hợp lý, phải tiếp cận với thị trường. Đại diện T&T thì đề nghị, cần hoàn thiện khung chính sách, pháp luật về phát triển các nguồn điện từ NLTT với mục tiêu thu hút nguồn lực tư nhân tham gia đầu tư phát triển các dự án điện, góp phần đáp ứng nhu cầu trong nước và có thể xuất khẩu nguồn năng lượng này.

Theo Quy hoạch điện VIII, ước tính tổng vốn đầu tư phát triển nguồn và lưới điện truyền tải giai đoạn 2021 - 2030 là 134,7 tỷ USD, trong đó đầu tư cho nguồn điện khoảng 119,8 tỷ USD (trung bình 12 tỷ USD/năm), lưới điện truyền tài khoảng 14,9 tỷ USD (trung bình 1,5 tỷ USD/năm.

Tiếp đó, giai đoạn 2031 - 2050, ước nhu cầu vốn đầu tư phát triển nguồn và lưới điện truyền tải từ 399,2 - 523,1 tỷ USD, trong đó đầu tư cho nguồn điện khoảng 364,4 - 511,2 tỷ USD (trung bình 18,2 - 24,2 tỷ USD/năm), lưới điện truyền tải khoảng 34,8 - 38,6 tỷ USD (trung bình 1,7 - 1,9 tỷ USD/năm).

Trong bản góp ý hoàn thiện Dự thảo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII với Bộ Công Thương mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) nhấn mạnh, Kế hoạch cần làm rõ được các mục tiêu, định hướng, danh mục công trình dự án, phân kỳ đầu tư, cân đối nguồn vốn, các giải pháp huy động nguồn lực và triển khai thực hiện.

Về nhu cầu vốn, Bộ KH&ĐT nêu rõ, nhu cầu vốn đầu tư cho thực hiện Quy hoạch điện VIII rất lớn, cần có sự tham gia của mọi thành phần kinh tế và đa dạng hóa các nguồn vốn, trong đó có sự hỗ trợ từ các tổ chức tài chính nước ngoài. Tuy nhiên, Dự thảo Kế hoạch chưa đề xuất được các cơ chế, chính sách để thu hút huy động các nguồn vốn đầu tư, trong đó có nguồn vốn xanh từ các tổ chức tài chính nước ngoài nhằm thúc đẩy việc xây dựng, thực hiện các dự án điện sử dụng NLTT, năng lượng xanh.

Bộ KH&ĐT cũng đề nghị Bộ Công Thương nghiên cứu bổ sung nội dung này vào phần giải pháp và tổ chức thực hiện trong Kế hoạch để giải quyết tình trạng để dự án chậm tiến độ kéo dài, ảnh hưởng quy hoạch.

Tin cùng chuyên mục