Đồng bộ các giải pháp hiện thực hóa Quy hoạch điện VIII

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bộ Công Thương vừa có tờ trình Thủ tướng Chính phủ về việc đề nghị ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII), trong đó nhấn mạnh nhu cầu vốn trong giai đoạn này rất lớn, dự kiến lên tới 113,3 - 134,7 tỷ USD. Bộ đề xuất triển khai đồng bộ các giải pháp để huy động nguồn lực đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển đất nước.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Kế hoạch được ban hành nhằm mục tiêu triển khai thực hiện hiệu quả Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch điện VIII; xây dựng lộ trình tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án nhằm thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Quy hoạch đã đề ra.

Xác định cụ thể tiến độ và nguồn lực thực hiện các chương trình, dự án để xây dựng các chính sách, giải pháp nhằm thu hút các nguồn lực xã hội trong việc thực hiện Quy hoạch; đẩy mạnh quá trình chuyển dịch năng lượng theo Quy hoạch đã được phê duyệt...

Theo Tờ trình, Bộ Công Thương cho hay, căn cứ Khoản 2 Điều 45 Luật Quy hoạch, Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII đưa ra danh mục các dự án đầu tư công, dự án sử dụng nguồn vốn khác ngoài vốn đầu tư công.

Với các dự án nguồn điện lớn có thời gian chuẩn bị và xây dựng dài, ngoài việc tính toán từ nhu cầu hệ thống còn cần căn cứ vào tình hình triển khai thực tế để xác định tiến độ vận hành.

Các dự án điện gió ngoài khơi do hiện chưa rõ thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư và phạm vi dự án nên sẽ được phân bổ theo vùng tới năm 2030.

Điện mặt trời mái nhà sẽ được phân bổ tỷ lệ theo quy mô diện tích đất khu công nghiệp năm 2025, 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 9/3/2022 phân bổ chỉ tiêu Quy hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021 - 2025.

Các nguồn năng lượng tái tạo khác (điện mặt trời tập trung, điện gió) theo vùng/tiểu vùng/địa phương sẽ được tính toán, đánh giá giới hạn truyền tải giữa các vùng, tiểu vùng và kiểm tra chế độ vận hành lưới điện.

Các nguồn điện lớn, căn cứ theo danh mục các dự án nguồn điện quan trọng, ưu tiên đầu tư của ngành điện nêu tại Phụ lục số 2, Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch điện VIII và tình hình triển khai xây dựng trên thực tế. Các nguồn điện này sẽ được phân theo loại hình, vùng miền và giai đoạn dự kiến đưa vào vận hành.

Ảnh chỉ mang tính minh họa: Internet

Ảnh chỉ mang tính minh họa: Internet

Đối với các dự án điện than lớn, rủi ro chậm tiến độ do những khó khăn trong quá trình chuẩn bị đầu tư và tiến độ vận hành chưa xác định cụ thể được, Bộ Công Thương sẽ tiến hành làm việc với các chủ đầu tư dự án để làm rõ khả năng tiếp tục triển khai hoặc xem xét chấm dứt theo quy định của pháp luật.

Đối với các nguồn điện gió ngoài khơi, Tờ trình nêu rõ, các dự án này sẽ được phân bổ theo vùng. Công suất điện gió ngoài khơi sẽ được chuẩn xác trong quá trình thực hiện dự án. Việc lựa chọn quy mô, vị trí cụ thể của các dự án điện gió ngoài khơi sẽ được các địa phương quyết định căn cứ vào các yếu tố chính gồm: chi phí sản xuất điện, khả năng giải tỏa công suất của lưới điện, chi phí truyền tải điện và hiệu quả tổng thể về kinh tế - xã hội các địa phương.

Dự kiến, tổng nhu cầu đất cho phát triển điện lực giai đoạn 2021 - 2030 khoảng 86,5 nghìn ha. Nhu cầu diện tích mặt biển cần sử dụng khoảng 111,6 nghìn ha giai đoạn tới 2030.

Theo tiến độ dự kiến và khối lượng xây dựng các công trình nguồn điện, bao gồm các công trình chuyển tiếp và xây dựng mới nhằm đáp ứng chương trình phát triển nguồn điện giai đoạn tới năm 2030, tổng vốn đầu tư cho giai đoạn 2021 - 2030 dự kiến 113,3 - 134,7 tỷ USD. Trong đó, vốn đầu tư cho phần nguồn điện khoảng 98,6 - 119,8 tỷ USD và vốn đầu tư cho lưới điện khoảng 14,6 - 14,9 tỷ USD.

Vốn đầu tư giai đoạn 2021 - 2025 là 57,1 tỷ USD, trong đó nguồn điện 48,1 tỷ USD, lưới truyền tải 9 tỷ USD. Vốn đầu tư giai đoạn 2026 - 2030 là 77,6 tỷ USD, trong đó nguồn điện 71,7 tỷ USD, lưới truyền tải 5,9 tỷ USD.

Các giải pháp thực hiện Quy hoạch điện VIII được đề xuất là phải thực hiện đồng bộ các giải pháp về pháp luật và chính sách; giải pháp về khoa học công nghệ; giải pháp về tăng cường năng lực trong nước, nội địa hóa thiết bị ngành điện, xây dựng phát triển cơ khí điện; giải pháp hợp tác quốc tế…

Tin cùng chuyên mục