Ảnh minh họa: Internet |
Đây là yêu cầu được Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh đưa ra tại phiên họp thẩm định Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 diễn ra chiều ngày 24/11/2022.
Bình Phước là địa bàn chiến lược quan trọng, kết nối giữa các tỉnh Tây Nguyên với TP.HCM, vùng Đông Nam Bộ, có đường biên giới với Vương quốc Campuchia. Bình Phước hội tụ nhiều tiềm năng, lợi thế để có thể phát triển toàn diện, nhanh, bền vững, hiện đại, nhất là phát triển các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, năng lượng sạch.
Trải qua 25 năm xây dựng, phát triển và hội nhập và khát vọng vươn lên, tỉnh Bình Phước đã đạt nhiều thành tựu rất quan trọng, toàn diện và bước đầu giành thắng lợi trong công cuộc đổi mới. Diện mạo và tiềm lực kinh tế của tỉnh có chuyển biến đáng kể, từng bước khẳng định vị thế trong vùng Đông Nam Bộ, góp phần quan trọng vào tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, Bình Phước còn có một số hạn chế. Điểm nghẽn lớn nhất của Bình Phước là kết nối giao thông còn hạn chế, nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu cả về số lượng và chất lượng; phát triển chủ yếu dựa vào điều kiện tự nhiên, chưa ứng dụng có hiệu quả khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; hạ tầng xã hội, y tế, giáo dục còn hạn chế...
Do đó, Hồ sơ Quy hoạch Tỉnh được thẩm định và được phê duyệt tới đây cần phải là một dấu mốc giúp Tỉnh chủ động kiến tạo tương lai phát triển một cách đột phá, bền vững và sáng tạo, biến tiềm năng thành động năng, cao hơn là thành nguồn lực và động lực cho phát triển, bố trí không gian phát triển kinh tế - xã hội hợp lý, giúp Bình Phước phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới.
Theo Báo cáo Quy hoạch tỉnh Bình Phước, phấn đấu đến năm 2030, Bình Phước trở thành tỉnh “công nghiệp hiện đại, là điểm đến hấp dẫn, một trong những động lực phát triển của vùng Đông Nam Bộ”.
Quy hoạch tỉnh Bình Phước đưa ra 3 ngành kinh tế quan trọng cho phát triển của Tỉnh trong thời gian tới là công nghiệp, nông nghiệp, thương mại - dịch vụ.
Báo cáo quy hoạch đề ra 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá gồm: kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực, cải cách thủ tục hành chính.
Thẩm định đối với Hồ sơ Quy hoạch tỉnh Bình Phước, Cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh cho biết, Hồ sơ Quy hoạch Tỉnh đã đảm bảo đầy đủ hồ sơ, cơ bản đáp ứng yêu cầu đã xác định trong Nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Bình Phước.
Góp ý để hoàn thiện Quy hoạch trước khi được trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, có ý kiến cho rằng, cần bổ sung quan điểm lấy kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là trọng tâm và là yếu tố then chốt để phát triển Tỉnh; biên tập, lượng hóa mục tiêu đến năm 2030 Bình Phước trở thành “tỉnh khá” của cả nước; đồng thời khái quát một số chỉ tiêu đến năm 2050.
Bên cạnh đó, bổ sung đánh giá tác động, ảnh hưởng các yếu tố, điều kiện phát triển đến sự phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh; tiềm năng phát triển, khả năng liên kết giữa tỉnh Bình Phước với tỉnh lân cận. Ngoài ra, bổ sung đánh giá về vai trò, vị trí của Tỉnh đối với sự phát triển của quốc gia, vùng Đông Nam Bộ.