Tổng thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng có quy định đánh thuế cao với tài sản kê khai không trung thực. Ảnh: Q.H |
Ủy ban Tư pháp vừa thẩm tra dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), trong đó có quy định mới về xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, tài sản, thu nhập tăng thêm không được giải trình một cách hợp lý.
Cụ thể, dự thảo Luật do Thanh tra Chính phủ xây dựng quy định, qua xác minh, nếu cơ quan chức năng kết luận tài sản, thu nhập thực tế của cán bộ, công chức, viên chức lớn hơn tài sản, thu thập đã kê khai hoặc việc giải trình về tài sản, thu nhập tăng thêm không hợp lý thì cơ quan thuế sẽ xem xét thực hiện việc truy thu thuế thu nhập cá nhân với thuế suất 45%.
"Người bị truy thu thuế có quyền khiếu nại đến cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập; trường hợp không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại thì có quyền khởi kiện ra tòa án" Tổng thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết.
Theo Phó chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường, hiện chưa có quy định xử lý tài sản mà người sở hữu có được một cách bất thường, không giải trình được hoặc giải trình không hợp lý về nguồn gốc hợp pháp. Trong khi, đây là những tài sản tiềm ẩn nguy cơ có nguồn gốc từ tham nhũng, vi phạm pháp luật.
Tuy nhiên, về nội dung cụ thể của quy định nêu trên, một số ý kiến của Nhóm nghiên cứu thuộc Ủy ban Tư pháp cho rằng, luật định chung một hình thức xử lý cho tất cả các trường hợp kê khai không trung thực; tài sản, thu nhập tăng thêm không được giải trình một cách hợp lý là chưa phù hợp.
Nhóm này nêu lý do, trong thực tế, tài sản, thu nhập này có thể phân thành ba loại gồm tài sản, thu nhập kê khai không trung thực nhưng chứng minh được nguồn gốc hợp pháp; tài sản, thu nhập kê khai không trung thực nhưng không giải trình được, giải trình không hợp lý về nguồn gốc; và tài sản, thu nhập có kê khai nhưng không giải trình được, giải trình không hợp lý về nguồn gốc.
"Các trường hợp nêu trên có tính chất, mức độ vi phạm khác nhau nên cần có cách xử lý khác nhau", ông Cường nói.
Theo ông, đối với các trường hợp chứng minh được nguồn gốc hợp pháp thì cần cân nhắc việc có nên truy thu tài sản không, hay chỉ nên xử lý vi phạm về con người; nếu có xử lý về tài sản thì mức độ xử lý cũng phải thấp hơn so với tài sản không giải trình được nguồn gốc hợp lý.
Nhóm nghiên cứu của Uỷ ban Tư pháp cũng cho rằng, dự thảo Luật cần bổ sung quy định về giá trị tối thiểu của tài sản kê khai không trung thực sẽ bị xử lý để bảo đảm tính phù hợp trong thực hiện.
Truy thu thuế không loại trừ xử lý trách nhiệm hình sự
Với cách thức xử lý cụ thể về tài sản, thu nhập không giải trình được, nhóm nghiên cứu có hai 2 loại ý kiến. Thứ nhất, nhiều ý kiến tán thành với quan điểm của Chính phủ là xử lý thông qua thu thuế thu nhập cá nhân với mức thuế suất 45%.
Thứ hai, có ý kiến cho rằng, nên áp dụng chế tài xử phạt của Nhà nước theo hướng tài sản này sẽ bị tịch thu một phần, vì việc truy thu thuế thu nhập cá nhân là không đúng với bản chất của sắc thuế này; đồng thời sẽ không rõ là trong trường hợp này có tiếp tục xử lý về hành vi trốn thuế hay không.
Ông Nguyễn Mạnh Cường cho biết, nhóm nghiên cứ đồng tình với quy định việc thu thuế không loại trừ xử lý trách nhiệm hình sự hoặc tịch thu tài sản nếu sau đó lại chứng minh được tài sản là bất hợp pháp, do phạm tội mà có.
Thanh tra Chính phủ sẽ kiểm soát tài sản, thu nhập của 6.000 người
Dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng giao Thanh tra Chính phủ là cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập với người hưởng phụ cấp chức vụ từ 0,9 trở lên ở cả trung ương và địa phương; thanh tra bộ, ngành, thanh tra cấp tỉnh sẽ kiểm soát tài sản thu nhập nhóm cán bộ, công chức, viên chức còn lại.
Phó tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh cho biết, nếu quy định như dự thảo, ngành thanh tra sẽ kiểm soát khoảng 6.000 người trong nhóm lãnh đạo, quản lý các đơn vị. Như vậy, hơn 1/3 "công suất" của ngành phải dành cho việc nêu trên và sẽ ảnh hưởng đến nội dung thanh tra kinh tế xã hội, giảm thanh tra các vụ việc, các dự án; công việc này sẽ phải dành cho Kiểm toán Nhà nước và ngành thanh tra chỉ vào cuộc những vụ việc quan trọng mà Thủ tướng, bộ trưởng, chủ tịch tỉnh thấy cần thiết phải làm rõ.
Ngoài ra, để việc kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức và viên chức hiệu quả, Thanh tra Chính phủ đề nghị, đối với những địa bàn đã có đủ kiều kiện cơ sở hạ tầng, phải đưa việc thanh toán qua hệ thống ngân hàng thành quy định bắt buộc, bất cứ ai vi phạm đều bị xử lý.
"Chi từ ngân sách cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thì mọi khoản chi, kể cả từ 5.000 đồng cũng bắt buộc phải qua tài khoản ngân hàng; nếu quyết tâm làm thì chúng ta sẽ kiểm soát được thu nhập, tài sản của cán bộ", ông Thanh nhấn mạnh.
Theo dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập lần đầu là các đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND, công chức, một số chức danh trong quân đội, công an, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước; người được cử giữ chức danh quản lý vốn, tài sản nhà nước trong các doanh nghiệp.
Cán bộ, công chức, viên kê khai bổ sung khi thu nhập phát sinh có giá trị từ 300 triệu đồng trở lên.
Các trường hợp phải kê khai hàng năm là những người được hưởng phụ cấp chức vụ từ 0,9 trở lên, hoặc dưới 0,9 nhưng làm việc ở một số vị trí công tác trong lĩnh vực kiểm toán, thuế, hải quan, tòa án, kiện kiểm sát…