Tháo gỡ đồng bộ để nâng hiệu quả đầu tư công

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian gần đây đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bộ, địa phương chậm trễ giải ngân, cũng như còn những lo ngại về hiệu quả sử dụng vốn. Theo nhiều ý kiến, để thực hiện dự án đầu tư một cách hiệu quả, ngoài quy định liên quan đầu tư công thì một số quy định khác chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, gây khó khăn, cản trở đòi hỏi được tháo gỡ một cách đồng bộ.
4 tháng đầu năm 2021, vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước thực hiện đạt 98,7 nghìn tỷ đồng, bằng 21,5% kế hoạch năm và tăng 16,3% so với cùng kỳ năm 2020. Ảnh: Lê Tiên
4 tháng đầu năm 2021, vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước thực hiện đạt 98,7 nghìn tỷ đồng, bằng 21,5% kế hoạch năm và tăng 16,3% so với cùng kỳ năm 2020. Ảnh: Lê Tiên

Nhiều nguyên nhân ảnh hưởng thực hiện dự án đầu tư công

Theo Bộ Tài chính, ước giải ngân vốn kế hoạch năm 2021 từ đầu năm đến 30/4 là 86.010,29 tỷ đồng, đạt 18,65% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước (18,98%).

Nếu xét trên góc độ giá trị đầu tư thực hiện, theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), 4 tháng đầu năm ước đạt 98,7 nghìn tỷ đồng, bằng 21,5% kế hoạch năm và tăng 16,3% so với cùng kỳ năm 2020 (cùng kỳ đạt 16,6% kế hoạch năm và tăng 14,5%). Theo đó, giá trị khối lượng thực hiện đã hoàn thành nhưng chưa làm thủ tục giải ngân còn khoảng 12,7 nghìn tỷ đồng. Về số vốn đã giải ngân, nếu không tính những khoản vốn chưa được phân bổ, giao kế hoạch, tỷ lệ giải ngân thực tế 4 tháng 2021 đạt 22,2%, cao hơn so với cùng kỳ năm 2020 và các năm trước.

Tuy nhiên, theo thống kê của Bộ Tài chính, bên cạnh 5 bộ và 10 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 20% kế hoạch, hầu hết các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt thấp. Cụ thể, 41/50 bộ, cơ quan trung ương và 26/60 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 15%.

Bộ Tài chính chỉ ra nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công như công tác giải phóng mặt bằng; đấu thầu; thi công; giám sát, đánh giá hiệu quả.

Còn theo Bộ KH&ĐT, Luật Đầu tư công 2019 cùng các nghị định hướng dẫn thi hành đã đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm của từng cấp, bảo đảm quản lý vốn đầu tư công chặt chẽ, hiệu quả. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế, cần tiếp tục xử lý trong thời gian tới. Đơn cử như công tác lập kế hoạch ở một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa được quan tâm đúng mức, chưa đánh giá các yếu tố tác động đến quá trình thực hiện dự án, dẫn đến nhiều dự án bố trí vốn không giải ngân được. Khung hướng dẫn về các định mức, tiêu chuẩn của dự án không có cấu phần xây dựng (dự án công nghệ thông tin, mua sắm thiết bị…) chưa được các bộ quản lý chuyên ngành ban hành nên còn lúng túng, dẫn đến việc lập, phê duyệt dự án còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu.

Theo Bộ KH&ĐT, một số quy định về đất đai chưa phù hợp dẫn đến công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều trở ngại, vướng mắc, mất nhiều thời gian nên làm chậm tiến độ của hầu hết các dự án. Nhiều dự án phải điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư do chi phí giải phóng mặt bằng tăng cao, gây khó khăn trong việc cân đối vốn và hoàn thành dự án theo đúng tiến độ. Chưa có sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời, triệt để giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương dẫn đến nhiều dự án chậm tiến độ, dừng lại do không xử lý được vướng mắc phát sinh. Chất lượng chuẩn bị dự án chưa tốt, một số dự án chuẩn bị đầu tư và phê duyệt dự án chỉ mang tính hình thức để có điều kiện ghi vốn, khi dự án đã được quyết định đầu tư và bố trí vốn mới thực sự tiến hành chuẩn bị đầu tư và điều chỉnh dự án, gây chậm trễ trong quá trình triển khai…

Xử lý đồng bộ các điểm nghẽn

Để thúc đẩy giải ngân, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, cần có những giải pháp tháo gỡ đồng bộ. Bộ KH&ĐT kiến nghị thành lập Tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong từng bộ, cơ quan trung ương, địa phương, chịu trách nhiệm: rà soát, xử lý ngay những tồn tại, khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn liên quan đến đầu tư công, nhất là công tác chuẩn bị dự án, giải phóng mặt bằng, đấu thầu, định mức, suất đầu tư… Gắn tiến độ thực hiện, giải ngân và hiệu quả dự án với trách nhiệm cá nhân người đứng đầu, người được giao nhiệm vụ thực hiện, coi đây là tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc trong năm 2021. Các cấp, các ngành và địa phương tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, ngăn chặn kịp thời các vi phạm về lấn chiếm, sử dụng đất trái phép gây khó khăn cho giải phóng mặt bằng.

Bộ KH&ĐT cũng kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương liên quan rà soát, tổng hợp các vướng mắc, bất cập trong hệ thống các quy định về bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng để kịp thời xem xét giải quyết, tháo gỡ. Giao Bộ Tài chính hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị trong ngành kịp thời xử lý các đơn rút vốn, thanh toán vốn đầu tư công trong thời gian sớm nhất ngay khi nhận được đề xuất của các cơ quan liên quan; tăng cường công tác hậu kiểm, bảo đảm giải ngân vốn đầu tư công hiệu quả, đúng quy định...

Đối với vấn đề tăng giá nguyên vật liệu xây dựng, Bộ Tài chính kiến nghị các bộ, địa phương có biện pháp quyết liệt kiểm soát giá vật liệu xây dựng, hạn chế tối đa tình trạng thao túng giá, gây ảnh hưởng đến hiệu quả các dự án đầu tư công.

Tại phiên họp Chính phủ tháng 4/2021 vừa diễn ra, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương bằng các giải pháp cụ thể và với tinh thần trách nhiệm của mình quan tâm thúc giải ngân vốn đầu tư công, không để tồn đọng; giải ngân bảo đảm tiến độ nhưng phải bảo đảm chất lượng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí

Tin cùng chuyên mục