Quang cảnh diễn đàn. Ảnh: Nguyễn Thủy |
Theo ông Cung, cạnh tranh là linh hồn hay chính là nền tảng của kinh tế thị trường, không có cạnh tranh sẽ không thể có kinh tế thị trường. Do đó, mức độ cạnh tranh càng lớn, càng công bằng thể hiện cấp độ phát triển của đất nước.
Nhìn vào quá trình thực hiện chính sách cạnh tranh của Việt Nam thời gian qua, ông Cung cho biết, lâu nay chúng ta đã thực hiện chính sách cạnh tranh nhưng còn phân tán, chia cắt, chưa được đặt trong hệ thống nên hiệu quả đạt được còn hạn chế. Luật Cạnh tranh đã được ban hành nhiều năm nay nhưng xem ra hiệu quả đạt được chưa như mong đợi, vai trò của cơ quan cạnh tranh còn mờ nhạt.
“Hiện còn nhiều lĩnh vực kinh tế chúng ta chưa có thị trường nên phần lớn việc phân bổ nguồn lực vẫn dựa trên cơ chế xin - cho, không đảm bảo tính cạnh tranh, công bằng. Thậm chí, có hiện tượng cơ quan Nhà nước ở rất nhiều nơi đang muốn làm thay, làm hộ người khác”, ông nhấn mạnh.
Để hai vế của chính sách cạnh tranh là tăng quy mô và cường độ cạnh tranh, đưa cạnh tranh là động lực tăng trưởng của tất cả các đối tượng tham gia thị trường và của nền kinh tế, người đứng đầu CIEM cho rằng, cần phải có chính sách tốt và thực thi hiệu quả. Những rào cản, cản trở hoạt động kinh doanh cần phải được loại bỏ, không phân biệt đối xử, tạo công bằng trong tiếp cận nguồn lực, tiếp cận dịch vụ công…. Pháp luật về cạnh tranh cần đặt trong hệ thống tư duy nhằm thúc đẩy cạnh tranh ngày càng tốt hơn, công bằng hơn trên tất cả các thị trường đạt được 3 mục tiêu nhắm tới là hiệu quả về kỹ thuật, hiệu quả phân bố nguồn lực và hiệu quả trong động năng giúp nền kinh tế phát triển bền vững.
Tại Diễn đàn, ông Trịnh Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng thuộc Bộ Công Thương giới thiệu về thực trạng pháp luật cạnh tranh tại Việt Nam và Dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi).
Thông tin về Dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi), ông Tuấn cho biết, sẽ có 7 điểm mới căn bản trong Dự thảo Luật. Đó là mở rộng phạm vi điều chỉnh, theo đó điều chỉnh mọi hành vi (thỏa thuận hạn chế cạnh tranh; lạm dụng vị trí thống lĩnh và tập trung kinh tế) xảy ra ngoài lãnh thổ Việt Nam có tác động cạnh tranh tới thị trường Việt Nam. Mở rộng đối tượng áp dụng gồm mọi tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có liên quan đến hoạt động cạnh tranh trên thị trường Việt Nam. Điều chỉnh cách tiếp cận kiểm soát thỏa thuận hạn chế cạnh tranh theo hướng kết hợp kinh tế và tư duy pháp lý. Bổ sung chương trình khoan hồng nhằm tăng cường khả năng phát hiện. điều tra các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh hiện có xu hướng ngầm hóa. Thay đổi cách tiếp cận về kiểm soát tập trung kinh tế: trao quyền cho cơ quan cạnh tranh trong việc đánh giá tác động hạn chế cạnh tranh của việc tập trung kinh tế và ra quyết định cho phép kèm theo điều kiện; cấm thực hiện tập trung kinh tế. Cuối cùng là đề xuất mô hình cơ quan cạnh tranh trên cơ sở tái cơ cấu các cơ qua hiện nay gồm hội đồng cạnh tranh và cục quản lý cạnh tranh thành cơ quan duy nhất là Cơ quan cạnh tranh quốc gia.