Đội tuyển bóng đá nam Việt Nam vô địch ASEAN Cup 2024 sau khi chiến thắng Thái Lan ở cả hai lượt trận chung kết |
Sắc tươi xen lẫn gam trầm
Nếu chỉ tính trong bình diện của năm 2024, hẳn tiếc nuối là những điều lớn nhất của nền thể thao đất nước hình chữ S. Tại Olympic Paris 2024, điều kỳ diệu đã không diễn ra như mong đợi. Những phút giây xuất thần chỉ đưa được nữ xạ thủ Trịnh Thu Vinh xếp thứ 4 chung cuộc, hụt huy chương một cách rất đáng tiếc. Lần đầu tiên kể từ năm 2000, thể thao Việt Nam phải chấp nhận thực tế hai kỳ Olympic liên tiếp trắng tay ở đấu trường danh giá nhất hành tinh và tiếp tục xếp thứ 6 trên bình diện khu vực.
Trên đấu trường Olympic, việc giành huy chương không chỉ là thách thức cực đỉnh với Việt Nam mà còn với rất nhiều quốc gia. Tuy nhiên, những gì diễn ra tại Olympic Paris 2024 vẫn để lại không ít suy ngẫm, trăn trở. Giá như chúng ta có khoảng 30 vận động viên (VĐV) đủ chuẩn đến Paris, thay vì chỉ 16 người, trong đó có tới 3 vé “vớt”. Giá như chúng ta có 3 - 4 VĐV ở nhóm cạnh tranh giành huy chương, thay vì tất cả chỉ đặt duy nhất vào “cửa” Trịnh Thu Vinh?
Trong năm qua, sự kiện CLB Thanh Hóa, đội vừa bảo vệ thành công Cúp Quốc gia xin không dự Cúp Champion Leuage châu Á 2 vì lý do lực lượng mỏng cho thấy “căn bệnh” rất nghịch lý của các CLB bóng đá Việt Nam. Tài chính bóng đá yếu kém khiến vài ba “ông kẹ” ở V-Leuage cũng như hạng Nhất đánh tiếng bỏ giải tiếp tục tô điểm cho “gam trầm” trong môn thể thao “vua” của nước nhà.
Ở các môn đồng đội, sự khởi sắc của bóng chuyền nữ năm 2024 đem đến sự lạc quan lớn. Năm qua, các cô gái Việt Nam thắng Kazakhstan 3-0 trong trận chung kết để bảo vệ thành công ngôi vô địch AVC Challenge Cup 2024, qua đó giành quyền tham dự Giải bóng chuyền nữ thế giới FIVB Challenger Cup 2024. Tại FIVB Challenger Cup 2024, đội giành chiến thắng lịch sử 3-1 trước đối thủ đứng trên 21 bậc thế giới là Bỉ để đoạt huy chương đồng.
Dấu ấn từ “những cánh chim”
Điểm lại những thành công của thể thao Việt Nam năm 2024, không thể bỏ quên nỗ lực vượt bậc của một số cá nhân. Chính họ, dù đơn lẻ trên hành trình tự khẳng định, đã mang lại sắc hồng và niềm tin về tương lai trong năm mới.
Ở môn thể thao vua, hành trình xuất ngoại 2 năm của nữ cầu thủ Huỳnh Như tại trời Âu đã khép lại vào tháng 8/2024. Nhưng khác với các đồng nghiệp nam, 2 năm ở Bồ Đào Nha với Huỳnh Như rất đáng tự hào khi cô khẳng định cầu thủ Việt đủ khả năng thi đấu ở các giải nữ quốc gia châu Âu. Không chỉ tỏa sáng đều đặn, Huỳnh Như là nhân tố then chốt giúp Lank FC trụ lại ở hạng đấu cao nhất. Kết quả thi đấu và ý thức trách nhiệm giúp Huỳnh Như được tới 3 câu lạc bộ ở Bồ Đào Nha mời ở lại ký hợp đồng, dù chị chọn về nước. Kỳ vọng, tương lai gần sẽ có các cầu thủ trẻ hơn ở môn bóng đá nam và nữ tiếp nối thành công của đàn chị ở nước ngoài.
Billiards là môn thể thao ít tính đại chúng, nhưng năm 2024, lần đầu tiên Việt Nam có một VĐV đứng đầu bảng xếp hạng thế giới. Dù cơ thủ Trần Quyết Chiến chỉ có ba tuần đứng ở vị trí số 1 thế giới ở nội dung carom 3 băng, nhưng chừng đó vẫn là một kỷ lục với thể thao Việt Nam, nếu không muốn nói là duy nhất, kể từ khi hội nhập trở lại với thể thao toàn cầu.
Một nỗ lực đáng khen trong năm qua đến từ siêu đại kiện tướng cờ vua Lê Quang Liêm. Chiến thắng trước đương kim vô địch thế giới Đinh Lập Nhân (Trung Quốc) đưa anh lên vị trí thứ 14 thế giới. Đáng tiếc là hành trình của anh và các đồng đội tại giải thế giới ở 1/3 chặng đường sau có những dấu hiệu hụt hơi. Dù vậy, đây vẫn là thứ hạng cao nhất mà Lê Quang Liêm đã bền bỉ phấn đấu suốt cả chục năm thi đấu chuyên nghiệp mới có thể vươn tới được.
Tương tự, sự tự hào và tiếc nuối đến ở bộ môn bóng chuyền với nữ VĐV Thanh Thúy. Một tháng ở CLB Kuzeyboru tại giải vô địch bóng chuyền nữ Thổ Nhĩ Kỳ là quá đáng tiếc và rất ngắn ngủi. Yếu tố thể lực, sự ảnh hưởng của chấn thương trước đó và những khác biệt văn hóa đã không đem lại kết quả có hậu cho cuộc ra đi này. Dù vậy, Thanh Thúy vẫn là gương mặt hiếm hoi của Việt Nam đạt đẳng cấp hàng đầu châu lục, tỏa sáng ở giải nhà nghề Nhật Bản và hiện đang thi đấu cho đội Gresik Petrokimia Pupuk (Indonesia).
Niềm cảm hứng mới
Sau những thất vọng cùng cực với huấn luyện viên (HLV) Philippe Troussier cùng sự đổ vỡ của triết lý “kiểm soát bóng”, HLV người Hàn Quốc thứ hai đã xuất hiện ban đầu với không ít nghi hoặc nhưng đến hôm nay, ông giống một sự “cứu rỗi”. HLV Kim Sang Sik vừa ghi tên mình vào lịch sử bóng đá Việt Nam khi trở thành HLV thứ ba giành chức vô địch Đông Nam Á sau hai người tiền nhiệm danh tiếng (HLV Henrique Calisto năm 2008 và HLV Park Hang Seo năm 2018). Đặc biệt, ông Kim đã làm được điều mà những người tiền nhiệm không làm được, đó là dẫn dắt đội tuyển Việt Nam chiến thắng “đại kình địch” Thái Lan cả hai lượt trận chung kết với tổng tỷ số 5-3, chính thức xóa “dớp” hòa và thua khi đối đầu với đối thủ rất kỵ giơ này.
Thành công ở ASEAN Cup 2024 cho thấy hành trình trở lại của đội tuyển bóng đá nam quốc gia, dù còn nhiều điều cần cải thiện nhưng rất ý nghĩa trong bối cảnh hiện tại. Hình ảnh chàng tiền đạo nhập tịch Nguyễn Xuân Son (người Brazil) chơi tưng bừng, cống hiến và đổ máu vì màu cờ sắc áo Việt Nam cho thấy trong ngắn hạn, việc lựa chọn nhập tịch một số cầu thủ ngoại chất lượng, yêu đất nước và con người Việt Nam là cần thiết. Và vui hơn là cảnh cổ động viên Việt Nam xếp hàng mua vé xem đội tuyển thi đấu đã trở lại vào những ngày cuối năm.
Niềm tin đội tuyển sẽ giành được 1 trong 6 tấm vé cuối cùng dự Asian Cup 2027 trở nên vững vàng hơn khi từ tháng 3/2025 - 3/2026, Việt Nam sẽ thi đấu vòng loại thứ hai Asian Cup 2027. Cũng trong năm 2025, đội U22 sẽ thi đấu tại Seagames và việc giành HCV Seagames 2025 tiếp tục là thử thách lớn với thầy trò HLV Kim Sang Sik.
Năm 2025, dù không có các sự kiện lớn như Á vận hội hay thế vận hội, nhưng thể thao Việt Nam vẫn đầy mục tiêu và sự kỳ vọng.
Sau những tiếc nuối, hụt hẫng ở Olympic 2024, ngành thể thao có thể học hỏi chính các quốc gia láng giềng là Thái Lan và Indonesia, những nước có HCV nhờ biết chọn đầu tư bài bản, có trọng điểm vào những môn thể thao phù hợp với thể chất con người khu vực Đông Nam Á. Thể thao đỉnh cao cho thấy, để thành công chỉ có cách lựa chọn chuẩn xác, đầu tư đúng, trúng, bền bỉ, không “ăn xổi” và có chiến lược dài hơi, có sự huy động, thu hút xã hội hóa các nguồn lực.
Những ngày Xuân Ất Tỵ đầy ý nghĩa đang về. Mong rằng chiếc cúp vô địch có phần bất ngờ của thầy trò HLV Kim Sang Sik sẽ lan tỏa niềm cảm hứng mới, tạo tiền đề cho những “mùa vàng” bội thu của thể thao nước nhà, kể từ năm 2025 - năm đất nước bước sang kỷ nguyên mới.