Các chính sách về thu hút đầu tư phải đồng bộ, nếu Luật PPP chưa điều chỉnh, giải quyết được mâu thuẫn với luật khác thì không đạt được hiệu quả |
Quá trình xây dựng Dự thảo Luật PPP, cơ quan chủ trì soạn thảo đã tổ chức tham vấn nhiều bên, nghiên cứu, tiếp thu để xây dựng một Luật PPP bám sát thực tiễn, khả thi và hiệu quả khi áp dụng.
Báo Đấu thầu ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp cho Dự thảo Luật PPP tại các hội thảo tham vấn và qua trao đổi trực tiếp.
Ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam
Việt Nam đã có một giai đoạn phát triển mạnh mẽ. Thời điểm này cần có Luật PPP để góp phần giúp Việt Nam đạt kết quả phát triển toàn diện hơn nữa. Một luật PPP tốt sẽ giúp nắm bắt được các cơ hội, thực hiện được dự án đầu tư hiệu quả, giúp nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng nhanh.
Luật PPP cần tổng hợp được những nội dung cần thiết phải có để trở thành một luật tốt, được thực thi một cách hiệu quả… Yếu tố quan trọng hàng đầu để có một luật PPP khả thi trong thực hiện là phải có sự nhất quán, rõ ràng, thống nhất với các luật liên quan, xử lý được các vấn đề mâu thuẫn, khác biệt giữa các luật. Luật Xây dựng, Luật Đất đai cũng đang được cân nhắc sửa đổi, vì thế ngay từ thời điểm này phải đạt được sự thống nhất với các luật đang và sắp sửa.
Một yếu tố quan trọng khác để Luật PPP khả thi là có sự cam kết mạnh mẽ của Chính phủ, bởi đây là tâm điểm chú ý của các nhà đầu tư nước ngoài khi quyết định đầu tư vào Việt Nam.
Chính phủ cũng nên xác định ngành ưu tiên để thực hiện dự án PPP. Đồng thời, Luật PPP phải toàn diện, tạo khung khổ cho toàn bộ vòng đời của một dự án, từ chuẩn bị dự án, đấu thầu, trao hợp đồng, thực hiện, quản lý hợp đồng…
Ông Tetsu Funayama, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Mitsubishi Corporation, Trưởng ban Diễn đàn Doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản
Doanh nghiệp Nhật Bản rất quan tâm đến dự án PPP tại Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực điện, đường cao tốc, sân bay. Tuy nhiên, khung pháp lý hiện nay chưa đạt đến mức các nhà đầu tư Nhật Bản nói riêng, nhà đầu tư nước ngoài nói chung tích cực đầu tư vào kết cấu hạ tầng tại Việt Nam.
Một số điểm mà nhà đầu tư Nhật Bản đề xuất đưa vào Luật PPP là: để mở khả năng áp dụng luật nước thứ ba; thiết lập bảo lãnh Chính phủ đối với chuyển đổi ngoại tệ, doanh thu tối thiểu; xây dựng điều khoản chấm dứt hợp đồng trong đó bảo vệ quyền lợi của bên cho vay trong trường hợp lỗi do Nhà nước hoặc bất khả kháng; xây dựng nguồn ngân sách cho phần vốn của Nhà nước tham gia vào dự án PPP kịp thời, không bị phụ thuộc vào ngân sách hàng năm.
Ông Phan Ngọc Cẩm Thành, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1
Luật PPP là khung pháp lý tạo ra cơ chế hợp tác giữa hai bên công và tư một cách bình đẳng. Luật PPP quan trọng nhất phải cho nhà đầu tư thấy được sự yên tâm, quyền lợi của nhà đầu tư được bảo đảm sau khi ký hợp đồng nếu có những thay đổi chính sách, pháp luật trong quá trình đầu tư.
Những bảo đảm của Chính phủ nếu có thực chất chỉ là công cụ để thể hiện trách nhiệm, sự cam kết của Nhà nước với nhà đầu tư. Ví dụ bảo đảm chuyển đổi ngoại tệ. Các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào dự án nhiệt điện than, doanh thu lớn nhất là tiền điện bằng VND, chi phí lớn nhất là tiền mua than bằng tiền USD. Nhà đầu tư cũng không hoàn toàn phụ thuộc vào Nhà nước để duy trì nguồn ngoại tệ của họ, vì nhà đầu tư có năng lực hoàn toàn có thể thu xếp được khoản tiền USD để mua bán than. Nhưng có những trường hợp, giả thiết do lỗi của Chính phủ điều hành kinh tế dẫn đến lạm phát phi mã, đồng tiền mất giá trầm trọng, khả năng chuyển đổi ngoại tệ trên thị trường cực kỳ khó khăn, thì Chính phủ phải có nghĩa vụ bảo lãnh những rủi ro do mình gây ra cho nhà đầu tư.
Hợp đồng PPP là bình đẳng. Nhà đầu tư có lỗi thì bị phạt, Nhà nước có lỗi thì cũng cần đưa ra cam kết bảo đảm. Nếu không có rủi ro gì xảy ra thì Nhà nước cũng không mất, nhà đầu tư cũng không được gì cả.
Ngoài ra, vấn đề thống nhất quản lý từ cấp trung ương đến địa phương đối với dự án PPP cũng rất quan trọng. Hầu hết dự án BOT năng lượng đều có tổng mức đầu tư lớn, vài tỷ đô, khi đàm phán là với các bộ chuyên ngành, Chính phủ, nhưng dự án lại triển khai tại địa phương. Địa phương nhiều khi không nắm rõ hết các quy định, cam kết tại hợp đồng, dẫn đến khi triển khai sẽ có khó khăn. Luật PPP nên khẳng định sự thống nhất về mặt quản lý nhà nước các cấp đối với dự án BOT.
Ông Trần Văn Thế, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả
Nếu có Luật PPP rồi, khi có sự xung đột giữa các văn bản thì ưu tiên áp dụng luật chuyên ngành, như vậy nhà đầu tư sẽ yên tâm hơn.
Các chính sách về thu hút đầu tư phải đồng bộ, nếu chỉ ra đời Luật PPP trong khi đó chưa điều chỉnh, giải quyết được mâu thuẫn với những luật khác thì nó sẽ không đạt được hiệu quả. Ví dụ, trong khi Chính phủ, các bộ, ngành nhấn mạnh thúc đẩy đầu tư theo phương thức PPP để có thêm nguồn lực thực hiện dự án hạ tầng giao thông thì quy định của pháp luật về tín dụng, ngân hàng lại nói hạn chế tối đa việc cho vay dự án PPP. Nếu đã thống nhất tập trung nguồn lực thì các luật đều phải hướng đến một mục tiêu, chứ một luật thúc đẩy một luật hạn chế cho vay, thì các chính sách không đồng bộ.
Một vấn đề đặc biệt quan trọng khác là việc lập, thẩm định, phê duyệt dự án PPP cần phải xem xét kỹ trên cơ sở đảm bảo phương án tài chính hiệu quả thì nhà đầu tư, ngân hàng mới đầu tư.
Ông Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam
Đầu tư theo phương thức PPP thời gian qua đã đạt được nhiều thành công, không mắc căn bệnh nan y của ngành xây dựng Việt Nam là kéo dài thời gian, giá tăng vượt mức, chất lượng thấp. Tổng kết cho thấy có nhiều công trình vượt sớm thời gian, giá thành thấp hơn tổng mức đầu tư ban đầu, chất lượng rất yên tâm.
Tuy nhiên, quá trình triển khai đầu tư các dự án PPP đã nảy sinh nhiều vướng mắc, một phần nguyên nhân là do khung pháp lý cho lĩnh vực PPP chưa thống nhất và có nhiều biến động. Hiện nay dự án PPP bị quản lý như dự án sử dụng vốn nhà nước với cách thức quản lý mang tính áp đặt, gây cản trở rất lớn. Hợp đồng PPP cũng không bình đẳng, nhà đầu tư chịu rất nhiều rủi ro, Nhà nước chịu ít rủi ro nhưng rất nhiều quyền lực. Hậu kiểm chịu quá nhiều sự kiểm soát, đơn vị sau không tiếp thu kết quả kiểm tra mà đơn vị nhà nước khác đã làm trước.
Luật PPP sớm ra đời kỳ vọng sẽ tạo ra đột phá. Quy định của Luật phải cụ thể, rõ ràng mà không quy định một cách chung chung. Mối quan hệ đối tác Nhà nước - tư nhân cần được xác lập và bảo đảm thông qua thỏa thuận hợp đồng bình đẳng, xác định rõ vai trò và trách nhiệm của các bên.
Luật PPP cần tạo ra cơ chế khuyến khích nhà đầu tư phát huy năng lực, trình độ khoa học công nghệ, khả năng quản lý, sáng tạo… khi thực hiện dự án. Lợi nhuận tài chính cho bên tư nhân tương xứng với những kết quả tích cực. Đồng thời chia sẻ rủi ro một cách hợp lý giữa Nhà nước và nhà đầu tư; tạo cơ chế để có thể huy động được nhiều nguồn vốn tham gia thực hiện dự án.
Ông Hyeon Park, Chuyên gia PPP, Giáo sư Trường Đại học Seoul Hàn Quốc
Dù đầu tư từ tiền của tư nhân, hay vốn ODA, vốn ngân sách nhà nước thì việc xây dựng hạ tầng vẫn là nghĩa vụ của Chính phủ. Vì thế, khi kêu gọi tư nhân, Chính phủ không thể phó mặc hoàn toàn mọi rủi ro cho khu vực tư nhân. Đứng trên quan điểm của nhà đầu tư tư nhân, nếu không có lợi nhuận hợp lý thì họ không tham gia. Dự án PPP khó là vì vừa phải đáp ứng mục tiêu công vừa phải đảm bảo đủ hấp dẫn nhà đầu tư. Muốn vậy, Nhà nước hoặc phải chia sẻ rủi ro hoặc phải đảm bảo mức lợi nhuận cao cho dự án, nghĩa là hoặc bảo lãnh hoặc tăng phí dịch vụ. Nếu mức phí người dân có thể chi trả hạn chế thì không có cách nào khác là phải chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư.
Pháp luật về PPP của Hàn Quốc được sửa đổi năm 1999 cho phép áp dụng bảo lãnh doanh thu tối thiểu. Nếu không có bảo lãnh này sẽ rất khó có nhà đầu tư tư nhân nào tham gia.
Song song với đó, các cam kết tài chính cho dự án PPP cần được kiểm soát, được báo cáo và dự toán trong ngân sách để đảm bảo các dự án PPP xứng đáng giá trị đồng tiền, không gây gánh nặng quá mức cho các thế hệ tương lai và để quản lý rủi ro tài chính liên quan.
Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI)
Khi đã ký hợp đồng PPP thì bản hợp đồng phải như pháp lệnh, không được thay đổi tùy tiện để nhà đầu tư có lòng tin. Trường hợp cần thiết, bắt buộc phải điều chỉnh hợp đồng, cơ quan nhà nước ký hợp đồng phải trao đổi, thỏa thuận với nhà đầu tư, thống nhất nội dung điều chỉnh và giải pháp khắc phục hậu quả nếu có trước khi ra quyết định, không được tự ý điều chỉnh bằng các mệnh lệnh hành chính trái với quy định của hợp đồng. Nếu cứ can thiệp hành chính sẽ làm méo mó hợp đồng kinh tế, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, nhà đầu tư không tin hợp đồng đã ký nữa.
Đối với những dự án lớn phải có chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư, nhà đầu tư chuyên nghiệp sẽ không muốn “chơi xổ số” với Nhà nước. Chia sẻ rủi ro doanh thu tối thiểu ở mức chấp nhận được đối với cả hai phía là một cách kêu gọi minh bạch, sòng phẳng, hợp lý. Đối với những dự án muốn kêu gọi nhà đầu tư nước ngoài, nên bảo đảm chuyển đổi ngoại tệ, trường hợp không bảo đảm được thì nên học hỏi theo ngành điện quy đổi doanh thu thành ngoại tệ.
Đồng thời, dự án PPP phải theo nguyên tắc thị trường, lời ăn lỗ chịu, nhà đầu tư làm tốt phải được hưởng phần chi phí tiết giảm được, như vậy mới khuyến khích sáng tạo, đẩy nhanh tiến độ.
Luật PPP cũng nên mở ra hướng để nhà đầu tư có thể huy động nguồn vốn ngoài kênh ngân hàng. Nhiều nước hùng mạnh, không thiếu tiền, vẫn đầu tư PPP để huy động nguồn lực xã hội. Nguồn vốn nhàn rỗi trong dân rất lớn, phải làm sao huy động được cho đầu tư hạ tầng.
(Bấm vào để xem chi tiết)