Không chỉ sụt giảm doanh thu, lợi nhuận, nhiều doanh nghiệp thủy điện đã báo lỗ trong quý I/2020. Ảnh: Lê Tiên |
Công ty CP Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi vừa công bố báo cáo tài chính quý I/2020 với doanh thu và lợi nhuận giảm mạnh so với cùng kỳ 2019. Theo đó, doanh thu thuần trong kỳ đạt 340 tỷ đồng, giảm gần 40% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi giá vốn hàng bán lại tăng thêm 10,7% lên 187 tỷ đồng nên lãi gộp chỉ còn 153 tỷ đồng, giảm 61% so với con số 395,6 tỷ đồng trong quý I/2019.
Trong kỳ, Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi có 13 tỷ đồng doanh thu từ hoạt động tài chính, tăng 31,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, lỗ chênh lệch tỷ giá hơn 35 tỷ đồng và chi phí lãi vay tăng gần 2 lần lên hơn 21 tỷ đồng khiến chi phí tài chính tăng mạnh. Sau khi trừ các khoản chi phí, Công ty ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 84,6 tỷ đồng, giảm 72,5% so với quý I/2019.
Trong quý I/2020, sản lượng điện của Công ty CP Thủy điện Thác Mơ đạt 110,84 triệu kWh, giảm mạnh so với con số đạt được cùng kỳ 2019 là 120,92 triệu kWh. Sản lượng điện giảm khiến doanh thu thuần quý I/2020 của Công ty giảm 19% so với cùng kỳ năm trước, đạt 88,6 tỷ đồng. Sau khi trừ đi giá vốn, lợi nhuận gộp của Công ty còn 48,3 tỷ đồng, giảm 30% so với cùng kỳ năm 2019. Các chi phí khác gần như không thay đổi. Lợi nhuận trước thuế của Thủy điện Thác Mơ đạt 43,4 tỷ đồng, giảm 28% so với cùng kỳ năm trước.
Tình trạng sụt giảm nguồn thu và lợi nhuận, thậm chí thua lỗ đang xảy ra tại không ít doanh nghiệp thủy điện trong quý I/2020. Đơn cử, Công ty CP Thủy điện Bắc Hà báo lỗ gần 39 tỷ đồng, Công ty CP Thủy điện Hủa Na lỗ hơn 78 tỷ đồng, Công ty CP Thủy điện A Vương lỗ hơn 31 tỷ đồng. Hai doanh nghiệp thủy điện khác cũng đã lỗ trong quý I/2020 là Công ty CP Thủy điện Miền Nam lỗ 5,6 tỷ đồng và Thủy điện Sử Pán 2 lỗ 13 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Quốc Chính, Phó Trưởng ban Kỹ thuật - Sản xuất thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), năm 2020, kế hoạch Tập đoàn sản xuất trên 260 tỷ kWh, trong đó sản lượng điện phát ra từ các nhà máy thủy điện khoảng 72 tỷ kWh.
Tuy nhiên, số liệu từ EVN cho thấy, tính đến hết quý I/2020, sản lượng thủy điện huy động được đạt 8,93 tỷ kWh, thấp hơn rất nhiều so với các năm trước (năm 2019 phát 10,8 tỷ kWh, năm 2018 phát 12,4 tỷ kWh). Đây cũng là sản lượng điện thấp nhất trong quý I của 5 năm trở lại đây.
Đáng chú ý, trong tháng cuối cùng của quý I/2020, hầu hết các nhà máy thủy điện chỉ đạt từ 70 - 90% theo kế hoạch tháng (tính theo phương thức tháng), mặc dù đã được điều chỉnh phù hợp với tình hình thủy văn và mục đích tăng cường tích nước cho mùa khô. Riêng Nhà máy Thủy điện Lai Châu chỉ đạt 11% do lưu lượng nước về hồ Lai Châu quá thấp.
Các tháng đầu năm 2020, dòng chảy đến các hồ chứa thủy điện thấp hơn nhiều so với trung bình nhiều năm dẫn đến việc khai thác các nhà máy thủy điện rất hạn chế. Đến hết quý I/2020, lượng nước trên các hồ thủy điện cũng chỉ còn khoảng 35% dung tích hữu ích trong khi thời gian tới cao điểm sử dụng điện vẫn đang ở phía trước (diễn ra vào cuối mùa khô).
EVN cho biết, các tháng tiếp theo trong mùa khô năm 2020, sản lượng điện tiếp tục giảm do dung tích hữu ích trên hồ còn ít và dòng chảy đến các hồ thấp hơn nhiều so với năm 2019 cũng như trung bình nhiều năm. Điều này cho thấy triển vọng năm 2020 ảm đạm của các DN trong ngành thủy điện.