Vốn đầu tư thực hiện của các dự án đầu tư nước ngoài trong 7 tháng đầu năm 2022 đạt gần 11,57 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2021. Ảnh: Lê Tiên |
Nhà đầu tư hiện hữu tăng đầu tư tại Việt Nam
Số liệu vừa được Cục ĐTNN (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố cho thấy, trong 7 tháng đầu năm 2022, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà ĐTNN đạt trên 15,54 tỷ USD, bằng 92,9% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy vốn đăng ký mới chưa hồi phục hoàn toàn sau sự gián đoạn của các biện pháp chống dịch năm 2021, song vốn điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng lần lượt là 59,3% (đạt 7,24 tỷ USD) và 25,7% (đạt 2,58 tỷ USD). Quy mô điều chỉnh vốn bình quân 7 tháng đạt gần 12,5 triệu USD/lượt điều chỉnh, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2021 (8,1 triệu USD/lượt điều chỉnh).
Nhiều dự án sản xuất, chế tạo các sản phẩm điện tử, công nghệ cao được tăng vốn với quy mô lớn trong 7 tháng đầu năm. Có thể kể đến như Dự án Samsung Electro-Mechanics Việt Nam (Thái Nguyên) tăng 920 triệu USD; Dự án Công ty TNHH Điện tử Samsung HCMC CE tăng trên 841 triệu USD; Dự án Nhà máy chế tạo điện tử, phương tiện thiết bị mạng và sản phẩm âm thanh đa phương tiện (tại Bắc Ninh, Nghệ An và Hải Phòng) tăng lần lượt gần 306 triệu USD, 260 triệu USD và 127 triệu USD; Dự án Samsung Electro-Mechanics Việt Nam (Thái Nguyên) tăng vốn lần hai 267 triệu USD.
Cục ĐTNN nhận định, vốn đầu tư điều chỉnh tăng cao một mặt cho thấy các nhà ĐTNN tiếp tục đặt niềm tin vào nền kinh tế, vào môi trường đầu tư của Việt Nam và đưa ra các quyết định đầu tư mở rộng dự án hiện hữu, mặt khác phần nào phản ánh tác động của lạm phát, giá cả tăng cao do ảnh hưởng của các cuộc xung đột chính trị, thương mại trên thế giới.
Theo Cục ĐTNN, vốn đầu tư thực hiện của các dự án ĐTNN trong 7 tháng đầu năm 2022 đạt gần 11,57 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2021, mức tăng cao nhất từ đầu năm. Điều này cho thấy các doanh nghiệp (DN) đang không ngừng phục hồi, duy trì và mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh.
Theo ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN ĐTNN, số lượng vốn đăng ký không phải con số quan trọng nhất. Có hai số liệu rất tích cực từ kết quả thu hút ĐTNN 7 tháng là vốn đầu tư thực hiện và góp vốn mua cổ phần vì đây là tiền thật vào nền kinh tế. Số vốn thực hiện tăng cho thấy DN ĐTNN đang không ngừng phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh. Số vốn góp mua cổ phần tăng cho thấy DN Việt Nam đủ năng lực để DN nước ngoài góp vốn. Nhà ĐTNN góp vốn vào những DN đang hoạt động sẽ đưa nguồn vốn, công nghệ, thương hiệu vào, tạo sự phát triển nhanh hơn cho DN Việt Nam.
Một chuyên gia khác nhận định, khi vốn đầu tư thực hiện 7 tháng đạt 11,57 tỷ USD, cả năm chắc chắn sẽ vượt năm 2021, có khả năng đạt được mức của năm 2019 - giai đoạn trước dịch, cho thấy DN ĐTNN nói riêng và nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi mạnh mẽ.
Xu hướng tích cực, cần chú trọng chất lượng
Về xu hướng, nhiều ý kiến đánh giá, dù dòng vốn ĐTNN trên toàn cầu suy giảm, nhưng Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội thu hút mạnh mẽ dòng vốn này với nhiều lợi thế.
Qua làm việc với nhiều quỹ đầu tư lớn trên thế giới, luật sư Trần Tuấn Phong - Luật sư sáng lập Công ty Luật TNHH Quốc tế Việt Nam - cho biết, các quỹ đầu tư nhận định Việt Nam có lợi thế rất tốt. Dù các nguồn vốn trên thế giới đang bị suy giảm, các quỹ đầu tư cắt nguồn vốn vào châu Á, nhưng Việt Nam không bị ảnh hưởng, được đánh giá là một ngôi sao sáng nhất tại Đông Nam Á và châu Á.
Còn theo ông Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (Eurocham), Eurocham đã khảo sát một số tập đoàn lớn và nhà đầu tư tiềm năng của châu Âu. Các nhà đầu tư đều quan tâm rất lớn tới Việt Nam và tin tưởng khi Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU được phê chuẩn, chắc chắn nguồn vốn đầu tư từ châu Âu sang Việt Nam còn tăng hơn nữa.
Nguồn vốn đầu tư từ châu Âu sang Việt Nam là nguồn vốn chất lượng cao xét về công nghệ, lĩnh vực. Tuy nhiên, theo ông Minh, các nhà đầu tư đánh giá còn một số hạn chế, thách thức, đó là thủ tục hành chính, nguồn nhân lực chất lượng cao và quan trọng nhất là cơ sở hạ tầng. Chất lượng cơ sở hạ tầng vẫn còn thấp, chi phí logistics còn cao là điểm nghẽn cần cải cách để tăng lợi thế cạnh tranh của Việt Nam đối với nhà đầu tư châu Âu. Nếu cải thiện được, lợi thế của Việt Nam sẽ ngày càng lớn hơn.
Ông Nguyễn Văn Toàn cho rằng, mục tiêu của Nghị quyết 50/NQ-CP về số lượng vốn đăng ký là có thể đạt được, nhưng thực hiện được những yêu cầu về chất lượng dòng vốn là điều khó khăn và cần chú trọng nhiều hơn. Theo một số nghiên cứu, trong dòng vốn ĐTNN vào Việt Nam thời gian qua, công nghệ cao chỉ chiếm 5%, công nghệ trung bình 80% và công nghệ lạc hậu chiếm 15%. Đây là vấn đề rất cần lưu ý để có giải pháp đồng bộ, chọn lọc thu hút được nhiều hơn dòng vốn công nghệ cao, nhất là nâng được dòng vốn từ Mỹ, châu Âu. Ngoài ra, sắp tới, việc áp dụng thuế thu nhập tối thiểu toàn cầu và thực hiện các cam kết của Việt Nam tại COP 26 cũng sẽ tác động lớn tới thu hút ĐTNN. Nhà nước cần có sự chủ động cho những vấn đề mới này…