Thu hút FDI năm 2017: Kỷ lục về lượng, bước nhảy về chất

(BĐT) - Thu hút FDI năm 2017 đã đạt được kết quả ấn tượng, không chỉ ở số vốn thu hút, mà ở rất nhiều cái được bên ngoài con số. Tuy nhiên, vẫn cần nhiều giải pháp để những giá trị thực sự của khu vực FDI lan tỏa rộng hơn. 
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Bên lề Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2017 vừa diễn ra, ông Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đã có những chia sẻ thú vị với Báo Đấu thầu xung quanh câu chuyện này.

Đến lúc này có thể nói kết quả thu hút FDI là một trong những điểm sáng của kinh tế Việt Nam 2017. Ông đánh giá thế nào về kết quả này?

Con số thu hút FDI năm nay rất ấn tượng, đạt kỷ lục trong gần 10 năm qua, quan trọng hơn là chất lượng vốn đầu tư thực hiện đã tốt hơn rất nhiều.

Nhiều dự án lớn như của Samsung, LG, Panasonic, Tổ hợp Hóa dầu Nghi Sơn sẽ đóng góp rất quan trọng cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam vào năm 2018 và những năm tiếp theo. Việt Nam cũng dần trở thành “cứ điểm” sản xuất một số sản phẩm của những tập đoàn, công ty lớn.

Đặc biệt, từ năm 2016, một số trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) rất lớn đã được thành lập tại Việt Nam. Samsung, ngoài một trung tâm lớn ở Hà Nội đầu tư 300 triệu USD, thì vừa có quyết định xây dựng một trung tâm 400 triệu USD tại TP.HCM và tuyển ngay 400 nhân viên là kỹ sư phần mềm. Bosh hay Mercedes, Intel đều coi trọng thành lập trung tâm R&D mới. Đây là tiến bộ rất rõ cho thấy chúng ta không phải dựa vào nguồn nhân lực giá rẻ, mà dần dần xây dựng được nguồn nhân lực có chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu như Thủ tướng nhấn mạnh là tranh thủ cơ hội từ cách mạng công nghiệp 4.0.

Thu hút FDI năm 2017: Kỷ lục về lượng, bước nhảy về chất ảnh 1
Ông Nguyễn Mại
Theo ông, liệu năm sau chúng ta có thể duy trì được kết quả ấn tượng này?

Tôi cho rằng không chỉ năm nay hay năm 2018 mà đến cả năm 2022, 2023, Việt Nam vẫn là một điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, triển vọng từ nay đến năm 2023 có thành hiện thực hay không còn phụ thuộc nhiều vào nỗ lực của Chính phủ trong việc cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, hệ thống chính sách đủ minh bạch, công khai, ổn định.

Tăng trưởng năm nay đã đạt được 6,7%, tôi tin với đà này tăng trưởng kinh tế 2018, 2019 sẽ cao hơn năm 2017, cùng với kinh tế vĩ mô, chính trị ổn định, môi trường đầu tư của Việt Nam sẽ ngày một tốt hơn. Chắc chắn nhiều công ty xuyên quốc gia lớn sẽ vào Việt Nam trong vài năm sắp tới.

Thế nhưng nhiều người vẫn trăn trở rằng chúng ta chưa được hưởng những giá trị thực sự từ thu hút FDI?

Đây đúng là một vấn đề cần quan tâm. Tôi cho rằng, chúng ta đã đưa ra nhiều hướng giải quyết về phát triển công nghiệp hỗ trợ, tăng sức lan tỏa của các doanh nghiệp (DN) FDI, liên kết DN FDI với DN nội.

Tôi lấy ví dụ, năm 2014, 2015, chỉ có 8 DN Việt Nam được chọn là nhà cung ứng phụ kiện cho Samsung và cũng mới chỉ là cấp 2 và 3. Đến năm 2016, 2017, Samsung chủ động đề ra kế hoạch hợp tác với DN Việt Nam và chọn những DN đủ sức làm nhà cung ứng cấp 1… Cách đây 1 tuần, Samsung đã công bố hiện nay có 29 nhà cung ứng cấp 1 và khoảng hơn 200 nhà cung ứng cấp 2, cấp 3 là DN Việt Nam. Samsung dự kiến đến năm 2020 có 50 nhà cung ứng cấp 1 và khoảng 300 nhà cung ứng cấp 2, cấp 3 là DN Việt Nam.

Câu chuyện của Samsung cho thấy, thứ nhất, các nhà đầu tư lớn vào Việt Nam hãy tin rằng các DN Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng được yêu cầu. Thứ hai, DN Việt Nam phải tự tin có thể đáp ứng được yêu cầu của DN nước ngoài nếu hợp tác tốt và chủ động tìm đến các nhà đầu tư lớn. Sự tự ti, thiếu chủ động sẽ không bao giờ giúp DN Việt vươn lên được.

Tôi hy vọng sắp tới những điển hình như Samsung có thể nhân rộng ra các lĩnh vực khác. Như vậy ngành công nghiệp hỗ trợ Việt sẽ phát triển và tác động lan tỏa của các DN FDI sẽ ngày càng lớn.

Ngoài những nỗ lực tự tìm đến nhau của DN Việt và DN FDI, có cần thêm những chính sách tăng cường kết nối, thưa ông?

Tất nhiên phải có cơ chế, chính sách phù hợp để thúc đẩy mối liên kết này. Hiện nay, Chính phủ đã có Nghị định về phát triển công nghiệp hỗ trợ và ngày 1/1/2018, Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa có hiệu lực thi hành. Tuy nhiên, 2 chính sách đó chưa đủ.

Chắc chắn Chính phủ sẽ còn ban hành những chính sách phù hợp với thực tế năm 2018 để giải quyết được hai vấn đề lớn nhất của DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa, là vốn và chi phí. Chính phủ cần tiếp tục nỗ lực cắt giảm chi phí, coi đây là một chủ trương lớn trong năm 2018. Trong đó, cần tiếp tục hạ thấp lãi suất cho vay.

Cùng với đó phải tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để DN tiếp cận được tín dụng ngân hàng, không phải bằng thế chấp bất động sản, mà có thể thế chấp bằng động sản như thương hiệu, chứng từ có giá, hợp đồng sắp thanh toán hay các khoản chưa thanh toán… Như vậy sẽ giúp DN vươn xa hơn, mạnh hơn, tăng khả năng tiếp cận DN FDI, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.        

Tin cùng chuyên mục