Nhiều dự án lớn ở các lĩnh vực bán dẫn, năng lượng (sản xuất pin, tế bào quang điện, thanh silic), sản xuất linh kiện, sản phẩm điện tử... được đầu tư mới và mở rộng vốn. Ảnh: Lê Tiên |
Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc diễn ra sáng 1/7, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Hàn Quốc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh đã trao Giấy chứng nhận điều chỉnh đầu tư cho Công ty TNHH Amkor Technology Việt Nam. Dự án Nhà máy Sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu, thiết bị bán dẫn của Công ty TNHH Amkor Technology Việt Nam sẽ có mức vốn tăng thêm 1,07 tỷ USD, nâng tổng vốn đầu tư lên 1,6 tỷ USD.
Dự án bán dẫn này góp phần giúp tổng vốn ĐTNN điều chỉnh trong 6 tháng đầu tăng tới 35%, đưa tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà ĐTNN đạt gần 15,2 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2023. Cục ĐTNN thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) nhận định, nhiều dự án lớn ở các lĩnh vực bán dẫn, năng lượng (sản xuất pin, tế bào quang điện, thanh silic), sản xuất linh kiện, sản phẩm điện tử, sản phẩm nhiều giá trị gia tăng được đầu tư mới và mở rộng vốn trong 6 tháng. Bán dẫn nói riêng, công nghệ cao, lĩnh vực kinh tế mới nói chung đã và đang là lĩnh vực hấp dẫn nhà ĐTNN của Việt Nam.
Trả lời phỏng vấn báo chí về kết quả chuyến thăm chính thức Hàn Quốc của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, chuyến công tác đã mở ra nhiều cơ hội hợp tác giữa hai nước trên một số lĩnh vực mới như đổi mới sáng tạo, công nghệ cao, năng lượng tái tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, ứng phó biến đổi khí hậu, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI). Lãnh đạo Hàn Quốc mong muốn hai bên hợp tác để sớm tạo thành quả thực chất trong lĩnh vực này, nhất trí nghiên cứu cơ chế trao đổi về phương hướng và các dự án cụ thể có thể triển khai trong lĩnh vực bán dẫn, AI, đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo; cam kết hỗ trợ Việt Nam 30 triệu USD trong 4 năm để thực hiện dự án nghiên cứu và phát triển R&D, tiếp tục triển khai giai đoạn 2 Dự án Viện khoa học công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (VKIST).
Thông tin từ Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol cho biết, các doanh nghiệp Hàn Quốc đánh giá Việt Nam là điểm đến đầu tư đầy tiềm năng và nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư tại Việt Nam đã tạo nên hệ sinh thái đầu tư thuận lợi.
Tại các cuộc làm việc với Thủ tướng Phạm Minh Chính, nhiều tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc thông báo kế hoạch tăng vốn, mở rộng đầu tư tại Việt Nam, như LG dự kiến giải ngân thêm 3 tỷ USD trong 5 năm tới; Samsung dự kiến đầu tư mạnh trong 3 năm tới để nhà máy tại Việt Nam trở thành cứ điểm sản xuất module hiển thị lớn nhất của Tập đoàn trên toàn cầu; Hyosung cam kết "đặt tương lai 100 năm tới ở Việt Nam", xây dựng Trung tâm dữ liệu (Data Center) với tổng vốn 300 triệu USD tại TP.HCM…
Nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu Hàn Quốc đã thông báo kế hoạch tăng vốn, mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Ảnh: Tuấn Anh |
Giáo sư Ryu Hong Lim, Giám đốc Đại học Quốc gia Seoul cho biết, trong năm nay, Việt Nam thu hút sự chú ý của các doanh nghiệp và nhà đầu tư quốc tế với tư cách là quốc gia công nghiệp mới nổi năng động nhất, tăng trưởng nhanh nhất, cũng như mẫu mực nhất, với tất cả các chỉ số kinh tế như sản xuất, tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu trong nước đều được cải thiện một cách đáng kể. Không chỉ Hàn Quốc - nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam đến nay, Việt Nam còn là địa chỉ đầu tư hấp dẫn với rất nhiều nhà đầu tư Hoa Kỳ, châu Âu…
Tại Đối thoại kinh tế Việt Nam - Hoa Kỳ lần thứ nhất được tổ chức ở Washington ngày 25/6 dưới sự đồng chủ trì của Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Jose Fernandez, hai bên đã trao đổi để đưa ra những giải pháp cụ thể trong 5 lĩnh vực hợp tác. Đó là thiết lập hợp tác xây dựng hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn; hợp tác về năng lượng và khoáng sản chủ chốt; hợp tác về môi trường kinh doanh; thúc đẩy thu hút và duy trì đầu tư chất lượng cao/kiểm soát xuất khẩu chiến lược; hợp tác hạ tầng công nghệ thông tin chủ chốt và an ninh mạng.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã làm việc với nhiều tập đoàn công nghệ của Hoa Kỳ về đổi mới sáng tạo, bán dẫn và AI. Trong đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng làm việc với Giám đốc Quan hệ chính phủ và Chính sách khu vực công của Google; Giám đốc Chính sách quốc tế của Microsoft; lãnh đạo Tập đoàn Super Micro Computer, Công ty Marvell, Công ty ARM tại Slicon Valley… Google hiện đang có kế hoạch sản xuất điện thoại di động tại Việt Nam; Chủ tịch và các nhà sáng lập của Super Micro Computer bày tỏ sự quan tâm và đánh giá cao về tiềm năng, cơ hội đầu tư kinh doanh tại Việt Nam và cam kết sớm nghiên cứu, khảo sát khả năng đầu tư tại Việt Nam; Marvell đang xây dựng Trung tâm Thiết kế vi mạch tại TP.HCM, Đà Nẵng và dự kiến sẽ mở rộng trong thời gian tới…
Trao đổi với Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, TS. Richard Lawton Thurston, nguyên Phó Chủ tịch Tập đoàn TSMC, một trong những chuyên gia bán dẫn phi kỹ sư hàng đầu tại Hoa Kỳ đánh giá, Việt Nam có cơ hội rất lớn để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và AI, đặc biệt khi có nguồn nhân lực trẻ dồi dào, được đào tạo tốt.
Rõ ràng, sức hút của Việt Nam là rất lớn, nhưng để không bỏ lỡ những dự án bạc tỷ trong tương lai, Việt Nam cần có lợi thế cạnh tranh nổi bật so với nhiều đối thủ trong khu vực và thế giới. Trong các cuộc làm việc gần đây, các nhà đầu tư lớn từ Hàn Quốc, Hoa Kỳ hay châu Âu đặc biệt quan tâm đến lộ trình, kế hoạch của Chính phủ Việt Nam trong việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu; chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực AI, bán dẫn…
Thông tin tới các nhà đầu tư, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam khuyến khích đầu tư vào công nghệ bán dẫn và AI, đồng thời thúc đẩy hệ sinh thái cho các lĩnh vực này; khẳng định Việt Nam sẽ hoàn thiện thể chế chính sách, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển hạ tầng… phục vụ tốt nhất các tập đoàn đầu tư phát triển ngành bán dẫn.
Bộ KH&ĐT cũng đang gấp rút hoàn thiện Dự thảo Nghị định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ đầu tư để tăng sức cạnh tranh và hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam nhằm khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia và hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong nước đối với một số lĩnh vực cần đặc biệt khuyến khích đầu tư. Việc ban hành Nghị định, với những chính sách hỗ trợ mới, được Bộ KH&ĐT nhận định là cấp thiết trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt hiện nay sẽ tạo vị thế cạnh tranh, giữ chân và thu hút các doanh nghiệp đại bàng, khi mà thực tiễn có nhiều nhà đầu tư chờ đợi, theo dõi phản ứng chính sách của Việt Nam trước khi quyết định đầu tư mới, mở rộng đầu tư.