Thu hút tư nhân đầu tư kết nối giao thông Đông Nam Bộ

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Kết nối giao thông liên tỉnh khu vực Đông Nam Bộ - khu vực kinh tế được đánh giá là năng động nhất cả nước - đang được lãnh đạo các địa phương tại đây đặc biệt quan tâm.
Dự án Đường Mỹ Phước - Tân Vạn kết nối tỉnh Bình Dương và
TP.HCM do Tổng công ty Becamex IDC làm chủ đầu tư. Ảnh: Lê Tiên
Dự án Đường Mỹ Phước - Tân Vạn kết nối tỉnh Bình Dương và TP.HCM do Tổng công ty Becamex IDC làm chủ đầu tư. Ảnh: Lê Tiên

Nhiều giải pháp mới được triển khai để thu hút tư nhân tham gia các dự án hạ tầng giao thông. Các địa phương chia sẻ áp lực vốn cho dự án, góp phần cải thiện khả năng kết nối giữa các tỉnh.

Từ điểm sáng kết nối Bình Dương - TP.HCM

Dự án Đường Mỹ Phước - Tân Vạn có một phần trùng với Dự án Đường Vành đai 3 TP.HCM, ngoài ra còn kết nối với các trục giao thông như đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 1, 1K... Điểm đầu của Dự án là Khu công nghiệp Bàu Bàng (tỉnh Bình Dương) và điểm cuối là nút giao Tân Vạn (xa lộ Hà Nội, TP.HCM) với độ dài tới 62 km, được chia làm hai đoạn: đoạn Mỹ Phước - Tân Vạn dài hơn 42 km và đoạn Mỹ Phước - Bàu Bàng dài gần 11 km. Tổng chi phí xây dựng là 4.300 tỷ đồng (chưa tính chi phí giải phóng mặt bằng). Đây là dự án điển hình cho việc tư nhân tham gia đầu tư các dự án hạ tầng kết nối giao thông khu vực Đông Nam Bộ. Kinh phí ngân sách nhà nước chỉ chi cho phần giải phóng mặt bằng, các hạng mục khác hoàn toàn do khu vực tư nhân tham gia. Cụ thể, dự án này do Tổng công ty Becamex IDC làm chủ đầu tư.

Ngoài ra, tỉnh Bình Dương đã và đang xây dựng nhiều tuyến đường khác như Đường tỉnh 747, Đường tỉnh 746, Đường tỉnh 743... với tổng kinh phí hàng ngàn tỷ đồng. Đặc biệt, tỉnh Bình Dương “trải thảm đỏ” để các nhà đầu tư tham gia vào các dự án này, tránh phụ thuộc vào nguồn vốn ngân sách nhà nước.

Sau Bình Dương, Dự án Cầu Cát Lái nối tỉnh Đồng Nai và TP.HCM được giao cho Đồng Nai làm cơ quan có thẩm quyền. Tỉnh này cho biết đang kêu gọi nhà đầu tư tham gia dự án BOT có trị giá 7.200 tỷ đồng.

“Chia lửa” cũng là giải pháp được áp dụng cho việc hai địa phương cùng đầu tư các dự án hạ tầng giao thông trong khu vực. Đơn cử, hai tỉnh Bình Dương và Đồng Nai đã thống nhất xây dựng cầu Bạch Đằng 2 bắc ngang sông Đồng Nai để kết nối giữa hai tỉnh. Với chi phí xây dựng khoảng 500 tỷ đồng, hai tỉnh thống nhất mỗi bên sẽ đầu tư một nửa. Riêng hạng mục đường dẫn và chi phí giải phóng mặt bằng của tỉnh nào thì tỉnh đó tự thu xếp.

Tương tự, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Bình Dương (chủ đầu tư) đang phát hành hồ sơ mời thầu Gói thầu Thi công xây dựng thuộc Dự án Xây dựng đường và cầu kết nối tỉnh Bình Dương và tỉnh Tây Ninh. Tổng mức đầu tư của Dự án là 369,982 tỷ đồng.

Phá thế kẹt phía Tây TP.HCM - Long An

Là cửa ngõ nối Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, kết nối giữa TP.HCM và Long An còn nhiều trở ngại. Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM Phan Công Bằng cho biết, Thành phố giao Sở GTVT xây dựng đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn. Đề án bao gồm danh mục các công trình dự kiến đầu tư trong giai đoạn 2020 - 2030 phát triển trên cả bốn khu vực (cửa ngõ) của Thành phố. Đặc biệt, khu vực phía Tây sẽ ưu tiên nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 đoạn qua huyện Bình Chánh để kết nối với tỉnh Long An cũng như các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

Sở dĩ các dự án kết nối TP.HCM - Long An bị vướng là do công tác giải phóng mặt bằng. Chưa kể, kết nối với Long An, TP.HCM vẫn còn dự án cũ và mới lẫn lộn, nhiều công trình nâng cấp trên con đường hiện hữu không đồng bộ nên chi phí để thực hiện tăng cao.

Sở GTVT TP.HCM cho biết, sẽ có 7 công trình kết nối giữa hai địa phương, gồm: đường Nguyễn Văn Bứa, đường mở mới Tây Bắc, đường Võ Văn Kiệt nối dài, Quốc lộ 50 đi qua huyện Bình Chánh, đường Lê Văn Lương và Long Hậu (huyện Nhà Bè), đường song song Quốc lộ 50.

TP.HCM và tỉnh Long An đang tập trung nguồn lực để đầu tư xây dựng trong giai đoạn 2021 - 2025. Có những dự án mà cả hai địa phương cùng kêu gọi đầu tư như Dự án Đường song song Quốc lộ 50, huyện Bình Chánh.

Các dự án kết nối huyện Bình Chánh với Long An như: Quốc lộ 1A (giáp Bến Lức), Quốc lộ 50, đường Trần Văn Giàu, cầu kênh Xáng kết nối Khu công nghiệp Đức Hòa, đường Tây Bắc…; các tuyến kết nối với huyện Hóc Môn gồm các đường Quách Điêu, Phạm Văn Sáng, Vĩnh Lộc… cũng đều được cả TP.HCM và Long An dồn sức kêu gọi các nhà đầu tư tham gia.

Tin cùng chuyên mục