Thủ tục cản tiến độ nhiều dự án điện

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nhu cầu điện ngày càng tăng cao khiến tình trạng thiếu điện có thể tái diễn trong mùa khô năm 2024 - 2025. Trong khi đó, tiến độ thực hiện các dự án điện, trong đó có các công trình lưới điện phục vụ nhập khẩu điện từ Lào vẫn đối mặt nhiều thách thức, chủ yếu liên quan đến thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng.
Nhiều công trình lưới điện để tăng cường nhập khẩu điện từ Lào bị chậm tiến độ. Ảnh minh họa: Hoài Tâm
Nhiều công trình lưới điện để tăng cường nhập khẩu điện từ Lào bị chậm tiến độ. Ảnh minh họa: Hoài Tâm

Cuối năm phải hoàn thành nhưng chưa có đường vào thi công

Cập nhật tình hình thực hiện các công trình đường dây tăng cường nhập khẩu điện từ Lào, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, tiến độ thực hiện các dự án này còn rất nhiều gian nan do vướng mắc liên quan đến thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng (CĐMĐSDR) để thi công. Đây là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng lớn đến tiến độ thực hiện Dự án Đường dây 500kV Monsoon - Thạnh Mỹ, Dự án Trạm cắt 220kV Đak Ooc và đường dây 220kV đấu nối, Dự án Đường dây 220kV Nậm Sum - Nông Cống…

Dự án Trạm cắt 220kV Đak Ooc và đường dây 220kV đấu nối từ Nhà máy Thủy điện Nam Emoun (Lào) vào hệ thống điện Việt Nam có tổng mức đầu tư hơn 374 tỷ đồng. Theo kế hoạch, công trình sẽ hoàn thành xây dựng và đóng điện vào quý I/2023, nhưng sau đó đã phải gia hạn hoàn thành đến cuối năm nay.

Hiện tiến độ hạng mục trạm cắt 220kV cũng như phần đường dây không liên quan đến rừng tự nhiên cơ bản đáp ứng tiến độ, có thể hoàn thành trong quý IV/2023. Tuy nhiên, 22 vị trí móng liên quan đến rừng tự nhiên thì chưa triển khai do chưa có đường vào thi công, gặp vướng mắc về việc CĐMĐSDR, phải chờ cấp thẩm quyền chấp thuận chủ trương. Chưa kể, đến thời điểm này, thời tiết đã bước vào mùa mưa, khiến mốc thời gian dự kiến hoàn thành đóng điện Dự án ngày càng trở nên thách thức.

Cũng gặp vướng mắc về thủ tục liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng và CĐMĐSDR nên tiến độ Dự án Đường dây 220kV Nậm Sum - Nông Cống với tổng mức đầu tư 1.149 tỷ đồng đang bị chậm. Với thực trạng này, ông Trần Kim Vũ, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Bắc (đơn vị quản lý Dự án) không khỏi lo lắng về mục tiêu hoàn thành và đóng điện Dự án vào cuối năm nay.

Theo ông Vũ, Dự án Đường dây 220kV Nậm Sum - Nông Cống là dự án rất quan trọng với mục tiêu tăng cường nhập khẩu điện từ Lào về Việt Nam, góp phần bảo đảm an ninh, an toàn cho hệ thống điện quốc gia. Nếu Dự án chậm tiến độ sẽ ảnh hưởng đến việc cung cấp điện cho miền Bắc, đặc biệt là giai đoạn 2023 - 2025.

Tương tự, Dự án Đường dây 500kV Monsoon - Thạnh Mỹ (đoạn trên lãnh thổ Việt Nam) hiện ở giai đoạn hoàn thiện hợp đồng xây lắp để chuẩn bị khởi công công trình vào cuối tháng 9 hoặc đầu tháng 10 tới. Mặc dù vậy, Dự án cũng đang phải đối mặt với thách thức về CĐMĐSDR. “Để có thể mở đường vào vị trí thi công, phải lấy hàng chục chữ ký của các bộ, ngành, địa phương, tiếp đó là phải được 26 thành viên Chính phủ thông qua”, nguồn tin của Báo Đấu thầu cho biết.

Theo tìm hiểu, thời gian qua, không chỉ các công trình lưới điện để tăng cường nhập khẩu điện từ Lào bị chậm tiến độ do phải thực hiện các thủ tục triển khai dự án, mà đây là tình trạng chung của các công trình ngành điện (bao gồm cả nguồn và lưới điện) như: Dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I, Dự án Thủy điện tích năng Bác Ái, Dự án Đường dây 500kV Sông Hậu - Đức Hòa giai đoạn 2…

Đề xuất rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục

Để đẩy nhanh tiến độ các dự án điện, trong đó có các dự án phục vụ nhập khẩu điện từ Lào, đại diện Ban Quản lý dự án điện 2 thuộc EVN mong muốn, các cấp có thẩm quyền tập trung giải quyết những vướng mắc nêu trên để thúc đẩy tiến độ các dự án.

“Liên quan đến thủ tục CĐMĐSDR, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần có giải pháp để rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục này, bởi thủ tục này hiện kéo dài mất rất nhiều thời gian”, đại diện Ban Quản lý dự án điện 2 đề xuất.

Cùng với đó, các địa phương tiếp tục tạo điều kiện hỗ trợ EVN và các đơn vị thành viên giải quyết vướng mắc liên quan để thúc đẩy tiến độ các công trình điện.

Với các nhà thầu xây lắp cũng như nhà thầu cung cấp thiết bị, cần phải cố gắng tối đa để bảo đảm tiến độ hoàn thành các dự án, tránh tình trạng nhà thầu xây lắp phải chờ hàng hóa, thiết bị như đã từng xảy ra ở một số dự án.

Về phía các đơn vị điện lực thuộc EVN, Tập đoàn chỉ đạo các đơn vị, ban quản lý dự án chủ động bám sát, đôn đốc, phối hợp với các địa phương để tháo gỡ vướng mắc về mặt bằng cho từng dự án.

Từ những khó khăn trong thực tế triển khai thực hiện các dự án lưới điện, dưới góc nhìn của đơn vị thực thi, nhiều ý kiến cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước cần hướng dẫn rõ ràng về quy trình thủ tục cho các dự án điện, nhất là các dự án có liên quan đến CĐMĐSDR, bởi hiện nay cấp thẩm quyền vẫn phải “cầm tay chỉ việc” ở từng dự án cụ thể...