Thủ tướng: Bà con nói, Chính phủ lắng nghe

Chiều tối 14/10, giờ địa phương (đêm 14/10, giờ Việt Nam), nhân chuyến thăm chính thức Cộng hòa Áo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân cùng Đoàn cấp cao Việt Nam đã có cuộc gặp gỡ, nói chuyện với cán bộ, nhân viên Đại sứ quán, cộng đồng người Việt tại Áo và một số nước Châu Âu.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân gặp gỡ, nói chuyện với cán bộ, nhân viên Đại sứ quán, cộng đồng người Việt tại Áo và một số nước châu Âu. Ảnh VGP
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân gặp gỡ, nói chuyện với cán bộ, nhân viên Đại sứ quán, cộng đồng người Việt tại Áo và một số nước châu Âu. Ảnh VGP

Đại sứ Việt Nam tại Áo Lê Dũng bày tỏ cảm ơn Thủ tướng khi dành hoạt động đầu tiên trong chuyến thăm để gặp gỡ cán bộ Đại sứ quán và bà con kiều bào.

Ông Lê Dũng cho biết, chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ hai nước đang phát triển hết sức tốt đẹp trên tất cả các lĩnh vực, nhất là kinh tế, thương mại. Năm ngoái, lần đầu tiên kim ngạch thương mại song phương đạt 4 tỷ USD, năm nay dự kiến có thể đạt 4,5 tỷ USD. Đóng góp vào kết quả này có công sức của hơn 4.000 bà con kiều bào sinh sống tại Áo. Ông Lê Dũng cho biết, cộng đồng người Việt Nam tại đây rất đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau, hướng về Tổ quốc, tích cực hưởng ứng các hoạt động quyên góp đối với đồng bào trong nước.

Ngay sau ý kiến của ông Lê Dũng, Thủ tướng cho biết, trước khi phát biểu, ông muốn nghe “bà con có tâm tư, nguyện vọng gì, thấy chính sách nào của Đảng, Nhà nước còn bất cập, cần khắc phục” để có chính sách mới, tốt hơn, tạo điều kiện cho bà con tham gia xây dựng cộng đồng, góp sức xây dựng đất nước.

“Bà con nói, Chính phủ lắng nghe với tinh thần cầu thị để xem bà con có vướng mắc gì, tâm tư gì”, Thủ tướng bày tỏ.

Bà con nói, Chính phủ lắng nghe với tinh thần cầu thị. Ảnh VGP

Trước gợi ý của Thủ tướng, chị Trần Thanh Hằng, Hội trưởng Hội phụ nữ Việt Nam tại Áo chia sẻ, điều trăn trở nhất là làm sao giữ gìn tiếng Việt trong cộng đồng và mong muốn Chính phủ quan tâm, giúp đỡ để mở một lớp dạy tiếng Việt.

Cùng ý kiến với chị Hằng, ông Đoàn Thanh Bình, đại diện cộng đồng người Việt tại Slovakia cho rằng, tiếng Việt ở đâu thì người Việt ở đó và đề nghị bố trí giáo viên dạy tiếng Việt cho cộng đồng kiều bào ở nước ngoài. Ông cũng bày tỏ băn khoăn về vấn đề giữ quốc tịch Việt Nam, bảo đảm quyền lợi cho người lao động ở nước ngoài.

Đại diện cộng 90.000 người Việt tại Séc cho rằng, bên cạnh giữ tiếng Việt, điều quan trọng là giữ hình ảnh cộng đồng người Việt khi thực tế vẫn còn có một số cá nhân có hành vi không đúng. Theo đại diện cộng đồng người Việt tại Ba Lan, cần có chính sách cụ thể hỗ trợ mọi người, nhất là người trẻ, tham gia làm công tác cộng đồng để giúp các cháu gắn bó với quê hương, đất nước. Tại cuộc gặp, chị Nguyễn Thị Bích Yến thông tin về Dự án Ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu, theo đó Giỗ tổ Hùng Vương đã được bà con tổ chức ở 4 nước là Séc, Đức, Nga, Hungary. Chị mong Thủ tướng quan tâm, xem xét để có thể triển khai dự án rộng hơn.

Ảnh VGP

Ghi nhận ý kiến của bà con, Thủ tướng bày tỏ ấn tượng khi tại sân bay cũng như tại cuộc gặp này, đông đảo bà con từ nhiều nơi xa xôi đã đến dự. Điều này thể hiện tình cảm của bà con đối với đoàn và đất nước.

Thủ tướng nhấn mạnh, cộng đồng người Việt Nam tại nước ngoài là bộ phận không thể tách rời của dân tộc. Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến kiều bào. Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thông tin đến cộng đồng người Việt Nam ở Châu Âu về sự chuyển mình mạnh mẽ của đất nước, cả về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại... Theo đó, trong những năm gần đây, kinh tế đất nước tăng trưởng mạnh mẽ và là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng cao của Châu Á; thương mại liên tục xuất siêu; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, từ 1,5-2% mỗi năm; y tế, giáo dục, an sinh xã hội được đảm bảo... Đặc biệt, đời sống vật chất và tinh thần của người dân cả nước cải thiện rõ rệt.

Cùng với đó, Thủ tướng cho biết, công tác phòng chống tham nhũng được đẩy mạnh và đã xử lý nhiều vụ việc. Trong quan hệ đối ngoại, vai trò, vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được coi trọng. Rất nhiều hội nghị quốc tế lớn Việt Nam đều được mời tham dự hoặc chủ trì tổ chức.

Ảnh VGP

Vui mừng khi thấy cộng đồng người Việt Nam tại Áo và Châu Âu luôn đoàn kết, thương yêu giúp đỡ nhau cùng phát triển, nhất là những lúc khó khăn; uy tín của cộng đồng người Việt tại Áo và Châu Âu được đánh giá cao, Thủ tướng mong muốn: “Chúng ta cố gắng giữ gìn văn hóa Việt Nam, cả trang phục, ẩm thực, nhưng trước hết là tiếng Việt, đó là trăn trở của cộng đồng người Việt tại nước ngoài và cũng là trăn trở của Đảng, Nhà nước”.

Thủ tướng cho rằng, người Việt có văn hóa gia đình thì thế hệ này qua thế hệ khác phải giáo dục truyền thống gia đình. Thủ tướng mong muốn, bằng tình yêu quê hương, đất nước, cộng đồng người Việt Nam tại Áo và Châu Âu tiếp tục học tập, nghiên cứu, nhất là lĩnh vực khoa học công nghệ, khoa học quản lý... và có nhiều hoạt động đóng góp thiết thực xây dựng đất nước.

Ảnh VGP

Thủ tướng ghi nhận nỗ lực của cộng đồng Việt Nam tại Châu Âu và các nước trên thế giới triển khai Dự án Ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu, để người Việt Nam khắp thế giới đều hiểu rõ hơn và hướng về cội nguồn của dân tộc. Ghi nhận ý kiến bà con về vấn đề giữ quốc tịch Việt Nam, Thủ tướng cho biết, sẽ giao cơ quan chức năng xem xét với tinh thần tạo điều kiện thuận lợi cho bà con. Thủ tướng khẳng định, Tổ quốc luôn đón chào bà con về xây dựng quê hương, đất nước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng trao đổi về một số vấn đề mà đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Áo và Châu Âu quan tâm như vấn đề chính sách đối với người làm công tác cộng đồng, được ví như “người vác tù và hàng tổng”.

Nhân dịp này, Thủ tướng biểu dương và đánh giá cao những hoạt động thiết thực của cán bộ, nhân viên Đại sứ quán đã thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị hợp tác với Áo thời gian qua và đề nghị Đại sứ quán tiếp tục làm tốt công tác cộng đồng, giúp đỡ bà con.

Tin cùng chuyên mục