Thủ tướng mong nông dân giành thắng lợi từ mùa vụ đến hợp đồng

Tối 14/10, tại Hà Nội, dự Chương trình Tự hào nông dân Việt Nam 30 năm Đổi mới, Thủ tướng mong muốn các cấp, các ngành hỗ trợ nông dân, không để xảy ra tình trạng phải tiếp tục giải cứu sản phẩm nông nghiệp như thời gian qua và sẽ càng có nhiều tấm gương nông dân tiêu biểu xuất sắc, làm giàu cho chính mình, cho quê hương, đất nước.
Thủ tướng phát biểu tại Chương trình Tự hào nông dân Việt Nam 30 năm Đổi mới. Ảnh: VGP
Thủ tướng phát biểu tại Chương trình Tự hào nông dân Việt Nam 30 năm Đổi mới. Ảnh: VGP

Cùng dự chương trình còn có Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn, lãnh đạo một bộ, ngành, địa phương và đặc biệt là 87 gương mặt nhà nông xuất sắc.

Vui mừng đến dự buổi lễ, Thủ tướng cho biết, trong lịch sử dựng nước và giữ nước, nông dân là lực lượng đặc biệt quan trọng, có vai trò to lớn, góp phần viết nên những trang sử chói lọi của dân tộc Việt Nam. Người nông dân Việt Nam trong thời bình là những người lao động cần cù, chịu thương chịu khó xây dựng quê hương. Mỗi khi có giặc ngoại xâm họ lại là những người lính cầm vũ khí, sẵn sàng chiến đấu hy sinh để bảo vệ đất nước. Ngày nay giai cấp nông dân Việt Nam tiếp tục nâng cao truyền thống yêu nước và cách mạng, không ngừng phát huy vai trò quan trọng trong sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nông thôn mới của nước nhà.

Khẳng định vị thế rất quan trọng của nông dân, của nông nghiệp và nông thôn, Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm, có nhiều chủ trương chính sách, giải pháp nhằm phát huy các vai trò chủ thể, sức sáng tạo của giai cấp nông dân trong nông nghiệp, nông thôn. Và cũng từ thực tiễn của nông dân, ngay từ những năm đầu của thời kỳ đổi mới, những chính sách đột phá, kịp thời như “khoán 10”, “khoán 100” đã làm thay đổi cách quản lý, giải phóng sức lao động trong nông nghiệp, trao quyền tự chủ cho người nông dân.

Với khoảng 60 triệu người, chiếm 2/3 dân số cả nước, lực lượng nông dân Việt Nam luôn là trụ đỡ trong phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, cung cấp nguồn lao động chủ yếu cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đóng góp trực tiếp mang tính quyết định vào các thành tựu to lớn của ngành nông nghiệp. Từ nước nhập khẩu lương thực, Việt Nam đã trở thành một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới và nhiều mặt hàng nông sản khác.

“Tôi rất ấn tượng với trên 3,5 triệu hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, hằng năm đảm bảo hơn 3,5 triệu việc làm thường xuyên và hơn 7 triệu việc làm theo mùa vụ, giúp khoảng hơn 300.000 hộ nông dân thoát nghèo”, Thủ tướng nói. “Chúng ta trân trọng những tấm gương nông dân sáng tạo, say mê nghiên cứu, cải tiến, sáng chế, có nhiều công trình khoa học, công nghệ thiết thực, hiệu quả để áp dụng vào sản xuất, góp phần nâng cao năng suất lao động. Chúng ta nhiệt liệt chúc mừng 87 nông dân tiêu biểu xuất sắc được vinh danh Nông dân Việt Nam xuất sắc 30 năm đổi mới”.

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu dự Chương trình. Ảnh: VGP

Đây là những con người năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, có nhiều đóng góp trong cải tiến chế tạo máy nông cụ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đổi mới tổ chức liên kết sản xuất, chế biến; xây dựng thương hiệu nông sản, gắn sản xuất kinh doanh với an toàn thực phẩm. Ngoài ra còn thấy rất nhiều tấm gương tiêu biểu khác từ mọi miền Tổ quốc hoạt động trên nhiều ngành nghề, lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản và đánh bắt xa bờ… Những bông hoa tươi đẹp này đã tô thắm thêm truyền thống lao động cần cù, sáng tạo, anh dũng kiên cường của nhân dân ta nói chung và nông dân ta nói riêng.

Bước vào giai đoạn mới, nhiệm vụ trọng tâm hiện nay là cơ cấu lại nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, công nghệ cao, phát triển bền vững, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh, tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, vệ sinh an toàn thực phẩm; nâng cao thu nhập, cải thiện mức sống cho dân cư nông thôn, giảm tỉ lệ đói nghèo. Tập trung thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới, phấn đấu đến năm 2020 tốc độ tăng trưởng toàn ngành nông nghiệp đạt tối thiểu 3%/năm; thu nhập của cư dân nông thôn tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2015; 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đây là những nhiệm vụ rất nặng nề có nhiều thách thức, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng; khoa học công nghệ phát triển nhanh trong làn sóng cách mạng công nghiệp lần thứ tư; dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp.

Giải quyết tốt các vấn đề xã hội bức xúc ở nông thôn

Trong bối cảnh này tạo ra cơ hội, không gian phát triển rộng lớn hơn nhưng cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức, để thực hiện được những mục tiêu, nhiệm vụ nói trên, Thủ tướng đề nghị các ngành, các cấp và Hội Nông dân Việt Nam tập trung thực hiện tốt một số nội dung chủ yếu.

Thứ nhất, cần tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, tiếp tục ra soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân, hỗ trợ hộ gia đình đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất và phát triển; nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. Thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững; lồng ghép các chương trình, các kế hoạch phát triển của ngành để phát huy tối đa các nguồn lực phát triển cho nông nghiệp; nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, gắn đào tạo nghề với triển khai các mô hình, các dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, theo nhu cầu của xã hội, của thị trường.

Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành liên quan và các địa phương trong cả nước theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng liên kết chuỗi giá trị để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Thực hiện hiệu quả chương trình khoa học công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn giai đoạn 2016-2020. Tăng cường công tác khuyến nông, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp. Các địa phương cần tập trung hỗ trợ nông dân trong tất cả các khâu từ tín dụng đến giống, vật tư đến kỹ thuật canh tác nuôi trồng, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; làm tốt công tác quy hoạch, dự báo thị trường, bảo đảm sản xuất, tiêu thụ và thu nhập ổn định cho người nông dân, không để xảy ra tình trạng phải tiếp tục giải cứu sản phẩm nông nghiệp như đã từng xảy ra thời gian qua.

Các gương mặt Nông dân Việt Nam xuất sắc 30 năm Đổi mới. Ảnh: VGP

Thứ hai, Thủ tướng đề nghị Hội Nông dân Việt Nam phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương và địa phương trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền vận động bà con nông dân tích cực thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững. Hưởng ứng thiết thực các phong chào thi đua yêu nước do Trung ương và địa phương phát động. Hội cần có các giải pháp hỗ trợ thiết thực, hiệu quả giúp nông dân tăng cường liên kết, tổ chức lại sản xuất theo hướng chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa quy mô lớn từ kinh tế hộ nhỏ lẻ sang liên kết hợp tác xã và cùng các doanh nghiệp tham gia sản xuất kinh doanh, từ sản xuất truyền thống kinh nghiệm sang công nghệ cao, từ coi trọng năng suất, sản lượng sang bảo đảm chất lượng giá trị gia tăng cao, đáp ứng yêu cầu thị trường. Nhân rộng các điển hình tiên tiến, các mô hình tốt, cách làm hay.

Tăng cường thông tin tuyên truyền về những gương người nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi. Khuyến khích phát triển mạnh doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong khu vực nông thôn. Tạo mọi điều kiện thuận lợi về đào tạo, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội và nâng cao cuộc sống của nông dân. Quan tâm đến phát triển sản xuất và chăm lo đời sống của người nông dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi và đồng bào dân tộc. Phối hợp với các cấp, các ngành liên quan giải quyết tốt các vấn đề xã hội bức xúc được dư luận quan tâm ở nông thôn hiện nay như khiếu kiện về đất đai, bảo đảm vệ sinh môi trường, việc làm, giải quyết các vấn đề tệ nạn xã hội.

Hội Nông dân các cấp tiếp tục phát huy vai trò là người đại diện chăm lo bảo vệ quyền lợi, lợi ích chính đáng, hợp pháp của nông dân, lấy việc giải quyết lợi ích chính đáng và những khó khăn của nông dân là mục tiêu hoạt động của hội. Xây dựng đội ngũ cán bộ hội có đủ năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức và kinh nghiệm thực tế để đổi mới công tác của hội và phong trào nông dân thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và hội nhập quốc tế.

Nhân dịp này, Thủ tướng đề nghị 87 tấm gương tiêu biểu xuất sắc được vinh danh hôm nay phát huy vai trò điển hình tiên tiến, tiếp tục công hiến sức lực, trí tuệ, có cách làm mới, sáng tạo hơn, truyền cảm hứng, giúp đỡ bà con nông dân trong cộng đồng phát triển sản xuất kinh doanh, vươn lên làm giàu chính đáng, thể hiện tinh thần tương thân, tương ái của dân tộc ta và thực hiện theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu là “làm sao cho người nghèo thì đủ ăn; người đủ ăn thì khá, giàu; người khá, giàu thì giàu thêm”. Bác Hồ còn căn dặn người dân ta giàu thì nước ta giàu, nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh.

“Tôi mong rằng chúng ta sẽ càng có nhiều tấm gương nông dân tiêu biểu xuất sắc, làm giàu cho chính mình và làm giàu cho quê hương, đất nước”, Thủ tướng bày tỏ và tin tưởng Hội Nông dân Việt Nam và bà con nông dân cả nước sẽ vượt qua mọi khó khăn, đạt được nhiều thành tích to lớn hơn, giành từ thắng lợi mùa vụ đến thắng lợi hợp đồng, góp phần xây dựng quê hương, đất nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh như Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn.

Tại buổi lễ, Thủ tướng đã trao danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc 30 năm Đổi mới” cho các nhà nông.

Tin cùng chuyên mục