Thuận lợi hoá thương mại: “Đòn bẩy” hội nhập

(BĐT) - Để nhận diện thêm nhiều hơn và khai thác có hiệu quả cơ hội từ TPP hay các hiệp định thương mại tự do (FTA) khác, cũng như thực hiện cam kết trong Hiệp định Tạo thuận lợi thương mại (TFA) của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), giới chuyên gia Hoa Kỳ khuyến nghị Việt Nam cần thành lập Uỷ ban quốc gia về thuận lợi hoá thương mại.   
Ngành logistics có vai trò trọng yếu đối với thuận lợi hoá thương mại. Ảnh: Lê Tiên
Ngành logistics có vai trò trọng yếu đối với thuận lợi hoá thương mại. Ảnh: Lê Tiên

Cần có Ủy ban quốc gia về thuận lợi hoá thương mại

Tại Hội thảo “Đối thoại Công - Tư: thực tiễn tốt nhất từ Hoa Kỳ” diễn ra mới đây ở TP.HCM, phái đoàn cấp cao về hỗ trợ kỹ thuật đến từ Hoa Kỳ cho biết, TFA của WTO có thể giúp giảm chi phí thương mại trung bình 14,3% và tạo thêm 20 triệu việc làm, chủ yếu ở các nước đang phát triển. Hiệp định này còn có thể làm gia tăng giá trị thương mại toàn cầu thêm 1 tỷ USD và đem lại những lợi ích to lớn cho các thị trường đang phát triển, tuy nhiên việc thực hiện sẽ yêu cầu sự hỗ trợ mạnh mẽ từ khu vực tư nhân.

Liên minh Thuận lợi hoá thương mại toàn cầu (chính thức hoạt động từ tháng 12/2015) sẽ hỗ trợ các dự án liên quan đến TFA tại 12 - 15 quốc gia đang phát triển trên cơ sở quay vòng hàng năm, xác định “nút thắt” thương mại và cùng phối hợp với chính phủ sở tại trong việc thực hiện cải cách nhằm tạo thuận lợi thương mại cho các doanh nghiệp (DN) bản địa.

Ở Việt Nam, theo ông Trần Ngọc Liêm, Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh TP.HCM, Liên minh Thuận lợi hóa thương mại Việt Nam (VTFA) đang cùng với ngành hải quan và các cơ quan quản lý chuyên ngành thực hiện tham vấn định kỳ với DN. VTFA còn phối hợp với các cơ quan quản lý tổ chức đối thoại công, tập trung rà soát các quy định pháp luật chuyên ngành hiện đang chi phối khoảng 72% thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan.

Bà Virginia Brown, Giám đốc Văn phòng Thương mại và Cải cách pháp lý của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) nhấn mạnh sự tin tưởng vào quyết tâm chính trị của Việt Nam nhằm tiến tới thành lập Ủy ban quốc gia về thuận lợi hoá thương mại.

Đồng tình với khuyến nghị trên, người đứng đầu Cục Hải quan Đồng Nai, ông Lê Văn Danh cho rằng, nên sớm có đề xuất đến Chính phủ và Tổng cục Hải quan về việc xúc tiến thành lập Ủy ban này với sự tham gia của các cơ quan có liên quan.

Ông Danh cũng lưu ý, ngành logistics của Việt Nam đang rất yếu, khi các DN trong lĩnh vực này mạnh và chuyên nghiệp hơn thì thương mại của Việt Nam sẽ thuận lợi hơn.

Cũng nói về vấn đề logistics, ông Nestor Sherbey, cố vấn cao cấp của VFTA đưa ra một dẫn chứng là tổng chi phí dịch vụ hậu cần của Việt Nam đang chiếm đến 25% GDP cả nước. Ông cho rằng đây là một sự lãng phí lớn, trong khi các quốc gia khác chỉ vào khoảng 13 - 14%. 

Công - tư nên đồng điệu

Ông Nestor Sherbey lưu ý, khi tham gia TPP và các FTA khác, Việt Nam có rất nhiều cơ hội khi tiếp cận tự do ở thị trường rộng lớn chiếm đến 62% nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, dù với 90% dòng thuế quan được giảm, lợi ích của nó cũng không thể so sánh bằng việc triển khai đầy đủ những cam kết về thuận lợi hoá thương mại - được dự báo sẽ mang lợi ích lớn cho hàng triệu người lao động Việt Nam trong thập kỷ tới. Chuỗi giá trị toàn cầu yêu cầu hiệu suất cao, vì vậy việc thuận lợi hoá thương mại là điều cực kỳ quan trọng.

Theo ông Norman Schenk, Phó Chủ tịch phụ trách Chính sách hải quan toàn cầu và Đối ngoại của UPS, với Việt Nam, càng nhiều thuận lợi thương mại thì sẽ càng tạo thêm nhiều công ăn việc làm. Điều đó rất quan trọng với DN Việt Nam khi mà chất lượng sản phẩm xuất khẩu đã được đánh giá rất tốt. Vấn đề là ngành hải quan và các dịch vụ hải quan cần có tính ổn định và tin cậy nhiều hơn.

Phái đoàn Hỗ trợ kỹ thuật Hoa Kỳ cũng nhấn mạnh đến ngành hải quan và giới DN Việt Nam với 3 cụm từ xuyên suốt trong thuận lợi hoá thương mại, những nguyên tắc chính trong hợp tác công - tư, đó là “tiên liệu, nhất quán và minh bạch”. Theo đó, minh bạch không đơn giản là công bố những quy định, mà cần minh bạch ngay từ tư duy và nhất quán áp dụng.

Ông Raul Perales, Phó Giám đốc Liên minh Toàn cầu về Thuận lợi hoá thương mại thuộc Trung tâm Doanh nghiệp tư nhân quốc tế (CIPE) khẳng định rằng, sự hợp tác giữa chính phủ và DN có vai trò quan trọng để thúc đẩy mạnh vấn đề này trong thuận lợi hóa thương mại, nhất là giới DN tư nhân có chuyên môn và công cụ để cải thiện thương mại toàn cầu.

Nói như bà Maria Luisa Boyce, Cố vấn cao cấp về thương mại và sự tham gia của khu vực tư nhân cho  Cục Hải quan và Bảo vệ biên giới Hoa Kỳ (CBP), vấn đề quan trọng là đơn giản hóa các thủ tục ở các cửa khẩu và nâng cao tính tương tác với các DN. Đồng thời nắm được các thay đổi của chính phủ để có sự đồng điệu trong giải quyết vấn đề với các cơ quan chức năng khác.