Thuế, phí “cản đường” hàng xuất khẩu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tại cuộc họp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình hoạt động và kiến nghị giải pháp ngày 3/6/2024, đại diện nhiều hiệp hội ngành nghề cho biết, thực tế hoạt động doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn do chi phí vận chuyển tăng cao, giá thuê đất mỗi năm một khác, một số quy định gây khó cho hoạt động của doanh nghiệp song lại chậm được tháo gỡ.
Quy định về xuất nhập khẩu tại chỗ gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu. Ảnh: Lê Tiên
Quy định về xuất nhập khẩu tại chỗ gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu. Ảnh: Lê Tiên

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, doanh nghiệp chế biến thủy sản là đối tượng chịu thuế thu nhập doanh nghiệp 15%, song bị áp thuế suất 20% (cho hình thức sơ chế sản phẩm). Qua nhiều lần kiến nghị, Bộ Tài chính đã có công văn hướng dẫn áp dụng thuế suất 15%, nhưng cơ quan thuế ở nhiều địa phương vẫn gây khó dễ với doanh nghiệp trong việc áp dụng quy định này. Do đó, VASEP kiến nghị Bộ Tài chính cần sửa quy định này trong các văn bản pháp lý như nghị định, thông tư để tạo điều kiện thuận lợi trong áp dụng và tránh tình trạng cán bộ thuế/cơ quan thuế gây bức xúc cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, một số quy định mới tại Nghị định 37/2024/NĐ-CP và Nghị định 38/2024/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Thủy sản đang gây nhiều trở ngại với hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp trong lĩnh vực thủy sản. Theo đó, quy định “Không trộn lẫn nguyên liệu thủy sản có nguồn gốc từ khai thác nhập khẩu với nguyên liệu thủy sản có nguồn gốc từ khai thác trong nước vào cùng một lô hàng xuất khẩu” tại Nghị định 37/2024/NĐ-CP; quy định xử phạt vi phạm hành chính cho quy định “trộn lẫn” tại khoản 4 Điều 42 Nghị định 38/2024/NĐ-CP khiến nhiều lô hàng không thể xuất khẩu được trong gần tháng nay vì cả cơ quan chức năng và doanh nghiệp đều không thể thống nhất được khái niệm “thế nào là không trộn lẫn trong một lô hàng”. Đáng chú ý, VASEP đã kiến nghị việc này đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gần 1 tháng mà chưa nhận được phản hồi.

Ông Nam cho biết, nhiều doanh nghiệp thủy sản vô cùng khó khăn bởi chi phí vận chuyển hiện tăng rất cao. Trong bối cảnh đó, dù đặt mục tiêu kim ngạch cả năm ở mức 10 tỷ USD nhưng đến hết tháng 5, xuất khẩu thủy sản mới đạt 3,6 tỷ USD. Để đạt mục tiêu đã đề ra, cần có bước đột phá trong 7 tháng còn lại, nhưng nếu các khó khăn không được tháo gỡ thì rất khó hoàn thành.

Ông Ngô Khắc Lễ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Logistics Việt Nam (VLA) cho biết, chi phí logistics tăng cao, đặc biệt là chi phí vận chuyển. Trong khi đó, 100% hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam đều do các hãng tàu nước ngoài đảm nhận.

Nhiều doanh nghiệp thủy sản vô cùng khó khăn bởi chi phí vận chuyển hiện tăng rất cao. Ảnh: Lê Tiên

Nhiều doanh nghiệp thủy sản vô cùng khó khăn bởi chi phí vận chuyển hiện tăng rất cao. Ảnh: Lê Tiên

Các hãng tàu đang thu nhiều loại phụ phí đối với hàng hóa tại cảng biển nhưng mức giá và các loại phụ thu này do hãng tàu tự quyết định mà không có sự thỏa thuận với khách hàng. Do không phải là người đàm phán ký hợp đồng vận chuyển, nên chủ hàng Việt Nam buộc phải chấp nhận các điều khoản về phụ thu mà hãng tàu đưa ra. Ngay từ đầu năm 2024, các hãng tàu nước ngoài đã đồng loạt công bố tăng từ 10 - 20% phí phí bốc dỡ hàng hóa (THC) đối với mỗi loại dịch vụ container. Khi muốn điều chỉnh các loại phí và phụ phí, hãng tàu chỉ cần niêm yết thay đổi giá trước thời điểm điều chỉnh giá 15 ngày, không phải thông qua kiểm tra, giải trình các yếu tố cấu thành phí và phụ phí theo Nghị định 146/2016/NĐ-CP về niêm yết giá, phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa container bằng đường biển, giá dịch vụ tại cảng biển.

Do đó, VLA kiến nghị, các cơ quan chức năng bổ sung phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa container bằng đường biển vào danh mục hàng hóa, dịch vụ thuộc diện kê khai giá để hoàn thiện cơ chế quản lý mức giá và các loại phụ thu đối với hàng hóa tại cảng biển, tránh trường hợp các hãng tàu tùy tiện tăng giá và lạm thu ảnh hưởng đến quyền lợi của chủ hàng.

Cũng liên quan trực tiếp đến các doanh nghiệp xuất khẩu, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, có một số quy định đang gây khó cho quá trình hình thành chuỗi cung ứng của doanh nghiệp, đáng chú ý là quy định về xuất nhập khẩu tại chỗ. Cụ thể, theo Nghị định 18/2021/NĐ-CP, doanh nghiệp nội địa xuất khẩu tại chỗ sản phẩm cho doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu phải nộp thuế xuất khẩu cho sản phẩm xuất ra. Đồng thời, doanh nghiệp nhập khẩu sản phẩm tại chỗ cũng phải nộp thuế nhập khẩu cho sản phẩm nhập tại chỗ. Như vậy, với một đối tượng hàng hóa, cả 2 doanh nghiệp đều phải nộp thuế.

Thực tế, hàng nhập khẩu tại chỗ sử dụng để sản xuất sản phẩm xuất khẩu, sau cùng cũng xuất ra nước ngoài, không tiêu thụ trong thị trường Việt Nam thì theo quy định phải được miễn thuế. Vấn đề nộp thuế để sau đó được hoàn lại thực sự rất khó khăn, doanh nghiệp phải huy động một số tiền lớn để đóng thuế và mất rất nhiều thời gian để hoàn thành các thủ tục nộp và hoàn thuế sau đó. Mặt khác, quy định này gây ra sự bất bình đẳng giữa hàng gia công xuất khẩu và hàng sản xuất xuất khẩu. Hàng nhập khẩu tại chỗ để gia công xuất khẩu được miễn thuế mà hàng nhập tại chỗ để sản xuất xuất khẩu lại không được miễn thuế.

Cùng quan điểm, bà Đỗ Thị Thúy Hương, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam cho biết, quy định về xuất khẩu tại chỗ khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi cung ứng nội địa, gia công và cung cấp hàng cho các doanh nghiệp nước ngoài chịu thiệt thòi.

Mặt khác, theo bà Hương, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực điện tử phải thuê mặt bằng sản xuất, kinh doanh đang chịu tiền thuê đất tăng cao. “Khi hết hạn thuê, doanh nghiệp được gia hạn và ký hợp đồng, mỗi năm chính quyền lại áp dụng mức phí khác nhau, mỗi năm lại tăng tiền thuê đất mà không lường trước được mức tăng. Có doanh nghiệp chịu tiền thuê đất tăng gấp 10 lần chỉ sau 2 năm thì làm sao cạnh tranh nổi”, bà Hương nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục