Thưởng - phạt hợp đồng tạo động lực làm tốt

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Việc thưởng - phạt hợp đồng thi công xây dựng một cách nghiêm minh, công tâm không chỉ thể hiện sự sòng phẳng trong quan hệ hợp đồng, mà còn có ý nghĩa khích lệ nhà thầu, nhà đầu tư làm tốt, làm nhanh, cũng như răn đe, hạn chế nhà thầu chây ì. Làm thế nào để phát huy được hiệu quả của “cây gậy” và “củ cà rốt” trong thực tiễn là điều cần chú trọng.
Việc thưởng - phạt hợp đồng thi công xây dựng một cách nghiêm minh, công tâm còn có ý nghĩa khích lệ nhà thầu, nhà đầu tư làm tốt. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Việc thưởng - phạt hợp đồng thi công xây dựng một cách nghiêm minh, công tâm còn có ý nghĩa khích lệ nhà thầu, nhà đầu tư làm tốt. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Thưởng - phạt hợp đồng chưa phân minh

Theo Luật Xây dựng, việc thưởng, phạt do vi phạm hợp đồng xây dựng phải được các bên thỏa thuận và ghi trong hợp đồng. Đối với công trình xây dựng sử dụng vốn đầu tư công, mức phạt do vi phạm hợp đồng không vượt quá 12% giá trị phần hợp đồng bị vi phạm. Ngoài mức phạt theo thỏa thuận, bên vi phạm hợp đồng còn phải bồi thường thiệt hại cho bên kia, bên thứ ba (nếu có) theo quy định.

Theo luật sư Trần Duy Hưng, Giám đốc điều hành Monitor Consulting - doanh nghiệp tư vấn hợp tác công tư và phát triển các dự án hạ tầng, thưởng - phạt hợp đồng được quy định trong hợp đồng, về cơ bản là mối quan hệ dân sự giữa nhà thầu và chủ đầu tư. Theo quan sát thực tế hợp đồng thi công xây dựng dự án đầu tư công, điều khoản về thưởng - phạt hợp đồng thường rất mờ nhạt và vẫn còn tình trạng “nhờn” khi thực thi do mối quan hệ nhập nhằng giữa chủ đầu tư, nhà thầu, tư vấn giám sát.

Việc xử lý các nhà thầu, chủ đầu tư để xảy ra chậm tiến độ, theo một chuyên gia về đấu thầu, cũng chưa đủ mạnh. Chuyên gia này chia sẻ, nhiều nước trên thế giới xử phạt vi phạm hợp đồng rất nghiêm túc, mạnh tay. Ví dụ, nếu nhà thầu chậm tiến độ, chủ đầu tư sẽ không thanh toán những phần việc đã làm và cho nhà thầu khác vào làm thay ngay lập tức. Không những thế, nhà thầu vi phạm sẽ bị đưa vào danh sách đen và khả năng phá sản là rất cao nếu vào danh sách này. Chế tài mạnh, thực hiện nghiêm buộc nhà thầu muốn tồn tại, phát triển phải thực hiện nghiêm túc hợp đồng. Ngoài ra, thưởng hợp đồng cũng khá phổ biến ở những nước có hệ thống pháp luật phát triển, có thể thưởng theo tiến độ, hoặc dựa trên bộ tiêu chuẩn đầu ra để đánh giá, nếu nhà thầu cải tiến hơn những tiêu chuẩn đưa ra có thể thưởng một giá trị nhất định.

Ở Việt Nam, ông Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, thực tiễn với dự án vốn đầu tư công gần như chưa có trường hợp được thưởng hợp đồng.

Theo ông Lê Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (Bộ Giao thông vận tải), có thực tế nhà thầu làm tốt không được thưởng, trong khi nhà thầu chây ì kéo dài thời gian thi công có khi được điều chỉnh giá do giá cả tăng.

Làm sao đảm bảo tính khả thi?

Theo ông Trần Chủng, làm nhanh, làm tốt được thưởng, làm chậm bị phạt là rất sòng phẳng. Việc xây dựng một nghị định về thưởng - phạt hợp đồng thi công xây dựng rất cần thiết, khiến chủ đầu tư, nhà thầu chú trọng vấn đề này hơn, cụ thể hóa hơn trong những hợp đồng thời gian tới.

Về thực hiện, ông Chủng nhấn mạnh, khi ký kết hợp đồng, cả chủ đầu tư và nhà thầu phải nghiên cứu kỹ lưỡng để cam kết các mục tiêu về tiến độ, chất lượng, giá cả, thời điểm thực hiện thưởng - phạt trên cơ sở tiến độ đã cam kết. Đồng thời lượng hóa rõ thưởng - phạt bao nhiêu % giá trị hợp đồng để tránh xảy ra tranh chấp. Khi ký hợp đồng rồi thì hai bên phải tuân thủ, làm chậm phải bị phạt và tất cả các lý do chậm phải tường minh. Làm nhanh phải đi kèm với đảm bảo chất lượng, chi phí, các yếu tố khác…

Để nâng cao hiệu lực của cơ chế thưởng - phạt, ông Tiến gợi mở, Thủ tướng đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Nghị định về thưởng - phạt hợp đồng thi công xây dựng, nên chăng quy định nguyên tắc vấn đề này khi xây dựng Luật Đấu thầu (sửa đổi).

Ông Trần Chủng cũng cho rằng, Luật Đấu thầu (sửa đổi) nên có điều khoản về thưởng - phạt hợp đồng thi công xây dựng, còn cụ thể thưởng, phạt như thế nào, áp dụng với hành vi nào, bao nhiêu %, điều kiện thưởng - phạt do văn bản dưới luật điều chỉnh. Việc đưa ra quy định thưởng - phạt hợp đồng lượng hóa tiêu chí thì có thể dễ, nhưng lượng hóa giá trị còn phụ thuộc nhiều yếu tố về thời gian, không gian.

Theo luật sư Trần Duy Hưng, việc soạn thảo một hợp đồng có điều khoản minh bạch, có sức nặng, chặt chẽ không khó nếu thông qua các công ty luật chuyên nghiệp, vấn đề là phía cơ quan nhà nước có muốn áp dụng hay không. Quan trọng nhất là đánh giá việc thực hiện gói thầu phải thông qua vai trò của tư vấn giám sát, cơ quan thẩm định độc lập. Vai trò của những đơn vị này phải được nhấn mạnh cả về chuyên môn, năng lực, tư cách để thực hiện một cách công tâm, vì nếu không có thể tính toán bất lợi hoặc có lợi hơn cho phía nhà thầu, đôi khi lại phát sinh tranh chấp.

Ông Hưng cũng lưu ý việc thưởng được hiểu là Nhà nước phải bỏ ra một khoản tiền từ ngân sách trả thêm cho nhà thầu, nhà đầu tư khi làm tốt. Muốn thực hiện được phải có quy trình để có nguồn chi này.

Một số nhà thầu, nhà đầu tư đồng tình với cơ chế thưởng - phạt công bằng, nhưng cũng mong muốn phía Nhà nước sẵn sàng chấp nhận việc bị phạt với thiệt hại do lỗi của Nhà nước như chậm giải phóng mặt bằng, chậm giải ngân vốn nhà nước tham gia vào dự án PPP…

Tin cùng chuyên mục