Lũy kế 6 tháng đầu năm 2018, lợi nhuận sau thuế của cổ đông của Công ty mẹ - Thủy sản Hùng Vương đang âm 264,76 tỷ đồng. |
Doanh thu từ thủy sản và chế biến thức ăn chăn nuôi sụt giảm mạnh
Thuyết minh báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng năm 2018 của Thủy sản Hùng Vương cho thấy các mảng kinh doanh chính của doanh nghiệp đều sụt giảm khá mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Điển hình là doanh thu thuần nội địa của doanh nghiệp chỉ đạt hơn 3.000 tỷ đồng, sụt giảm mạnh so với con số 5.571 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước.
Trong đó doanh thu thuần từ các mảng kinh doanh thủy sản, nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi và phụ phẩm chế biến là sụt giảm mạnh nhất. Cụ thể, doanh thu thủy sản chỉ còn 767,78 tỷ đồng (sụt giảm 62,25%), doanh thu thuần từ nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi sụt giảm 74,99% xuống còn 331,88 tỷ đồng. Riêng doanh thu thuần từ phụ phẩm chế biến sụt giảm mạnh nhất, chỉ còn 51,47 tỷ đồng so với 446,81 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước.
Không chỉ vậy, doanh thu từ xuất khẩu thuần của Công ty cũng đã sụt giảm 22,91%, xuống chỉ còn 2.265 tỷ đồng. Chưa có những giải trình cụ thể của doanh nghiệp về sự sụt giảm mạnh này, tuy nhiên theo tìm hiểu của Báo Đấu thầu, nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm này đến từ việc Công ty đã thoái vốn tại một số công ty con như Công ty CP Thực phẩm Sao Ta và thoái hơn 50% vốn tại Công ty CP Thức ăn chăn nuôi Việt Thắng. Bên cạnh đó, một nguyên nhân chủ quan khác là sự thiếu hụt nguyên liệu đầu vào cũng đã khiến cho các nhà máy chế biến của Thủy sản Hùng Vương hoạt động ở mức cầm chừng, khoảng 50% công suất, cũng là nguyên nhân chính tác động tới doanh thu của doanh nghiệp.
Doanh thu sụt giảm trong khi chi phí hoạt động vẫn ở mức cao khiến cho Thủy sản Hùng Vương tiếp tục lỗ 232,54 tỷ đồng trước thuế. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2018, lợi nhuận sau thuế của cổ đông của Công ty mẹ - Thủy sản Hùng Vương đang âm 264,76 tỷ đồng (gấp gần 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái). Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại 31/3/2018 âm trên 749 tỷ đồng.
Tiếp tục thoái vốn để giảm vay nợ
Mặc dù đã thực hiện chuyển nhượng phần vốn tại các công ty con (FMC, VTF) và một số bất động sản tại số 765 Hồng Bàng, 94 Phạm Đình Hổ (TP.HCM), song tình hình tài chính của Công ty vẫn chưa được cải thiện.
Tại thời điểm cuối quý II/2018, nợ ngắn hạn của Thủy sản Hùng Vương đã giảm xuống chỉ còn 7.932 tỷ đồng, song vẫn đang vượt quá tài sản ngắn hạn của Công ty hơn 400 tỷ đồng. Vì vậy, Công ty vẫn đang phải đối mặt rủi ro thanh khoản và ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng hoạt động liên tục.
Để giảm bớt rủi ro này, đầu tháng 5, HĐQT Thủy sản Hùng Vương đã có quyết định thoái toàn bộ hơn 2.72 triệu cổ phần, tương ứng 18,16% vốn tại Công ty CP Xuất nhập khẩu lâm thủy sản Bến Tre sau gần 8 năm gắn bó. Theo thuyết minh báo cáo tài chính, khoản đầu tư này có giá vốn hơn 32,69 tỷ đồng và Công ty mới chỉ có lãi khiêm tốn trong vài năm gần đây. Việc thu hồi khoản đầu tư này theo đánh giá của một số chuyên gia là không thấm vào đâu so với dư nợ hiện tại của Công ty.
Và trong nửa cuối năm 2018, nếu hoạt động kinh doanh chính của Thủy sản Hùng Vương không có sự cải thiện thì chắc chắn Công ty sẽ không thể hoàn thành được kế hoạch lợi nhuận 100 tỷ đồng trong năm 2018.