Ông Nguyễn Hà Nam, Giám đốc Công ty CP Xây dựng Quang Thịnh
Là địa bàn nhỏ nên Yên Bái không có nhiều dự án lớn, đa phần là dự án ghi vốn trong 2 - 3 năm. Giữa tiến độ thi công và tiến độ giải ngân, thường có độ vênh khá lớn, có dự án vênh tới 30 - 50%. Nguyên nhân chủ yếu là do địa phương sụt giảm nguồn thu, các nguồn thu từ thuế, từ đấu giá phát triển quỹ đất... đều kém. Do đó, nguồn tiền giải ngân chậm, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của các nhà thầu.
Mặt khác, mỗi khi thị trường có biến động về giá cả nguyên vật liệu xây dựng, việc cập nhật đơn giá định mức xây dựng thường chậm hơn rất nhiều so với thực tế. Trong khi đó, đa số các gói thầu xây lắp hiện đều ký hợp đồng trọn gói hoặc hợp đồng theo đơn giá cố định, nên nhà thầu phải gánh thêm chi phí phát sinh.
Một khó khăn nữa mà nhiều DN xây dựng đang phải đối mặt là việc khan hiếm nguồn cung vật liệu xây dựng như đất đắp, cát… Lý do chủ yếu là bởi nguồn cung đang được ưu tiên phục vụ cho các dự án trọng điểm, cao tốc…, trong khi số lượng đơn vị được cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng trên địa bàn trong thời gian qua lại rất hạn chế.
Để hỗ trợ DN vượt qua giai đoạn khó khăn, bên cạnh sự nỗ lực của chính quyền địa phương trong việc cải cách thủ tục hành chính, cần có chính sách để tạo điều kiện thuận lợi cho DN tiếp cận vốn, kích cầu tiêu dùng để thúc đẩy sản xuất, tạo việc làm… Có thực hiện giải pháp như vậy thì cuối năm nay hoặc đầu năm sau, sức khoẻ của DN, nhà thầu may ra mới có chuyển biến tích cực.