VITAS cho rằng cần có giải pháp hiệu quả để giải quyết những thách thức về chi phí logistics nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam (ảnh: internet) |
Vậy cách nào để hóa giải thách thức này là vấn đề được đặt ra tại Hội thảo trực tuyến Giải pháp tiết kiệm chi phí logistics cho DN dệt may diễn ra ngày 10/12/2021.
Duy trì đà tăng trưởng trong khó khăn
Bà Phạm Thị Mỹ Lệ, Phó giám đốc Marketing Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn cho biết, dệt may là một trong những ngành XK chủ lực của Việt Nam với sản lượng XK thông qua hệ thống cảng Tân cảng Sài Gòn cao nhất trong 11 tháng năm 2021.
“Điều này khẳng định sự quan trọng của các DN dệt may trong sự phát triển của hệ thống cảng biển, không chỉ riêng đối với Tân cảng Sài Gòn mà còn với các cảng biển khác của Việt Nam”, bà Lệ nói.
Theo đại diện Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn, trong thời gian cao điểm của dịch bệnh, Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) đã có những hoạt động hết sức kịp thời nhằm kết nối thông tin giữa các DN với các cơ quan quản lý nhà nước, nêu lên những khó khăn vướng mắc của DN và đề xuất những biện pháp tháo gỡ, nhằm giúp các DN dệt may duy trì sản xuất và giữ vững tiến độ các đơn hàng.
Đồng tình với nhận xét này, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai - Phó Tổng Thư ký VITAS cho biết, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, tuy nhiên, các DN dệt may đã vượt lên khó khăn, duy trì đà tăng trưởng tốt trong năm 2021 với dự báo tổng kim ngạch XK hàng hóa ước đạt 39 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2020.
Theo bà Mai, nếu như quý I/2021, DN trong ngành dệt may phấn khởi bởi ngay từ đầu năm đã ký được hợp đồng đến hết quý III, thậm chí hết năm thì sang quý II/2021, dịch bùng phát ở khu vực phía Bắc và bùng phát ở TP.HCM, lan rộng ra các tỉnh khu vực phía Nam khiến sản xuất của các DN dệt may gần như tê liệt. XK dệt may tháng 7, 8, 9 liên tục giảm. Đơn hàng không thể trả cho đối tác. Tuy nhiên, đến tháng 10, tình trạng này đã chấm dứt khi Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ được ban hành và đi vào cuộc sống. Nhờ đó, sản xuất của DN dệt may đầu hồi phục mạnh mẽ trong 2 tháng qua.
“Với đà này, nếu sản xuất kinh doanh tiếp tục được duy trì, dịch bệnh được kiểm soát tốt, kim ngạch XK ngành dệt may Việt Nam năm 2022 sẽ đạt 42 - 43 tỷ USD”, bà Mai tin tưởng.
Hỗ trợ DN xuất khẩu tiết giảm chi phí logistics, tăng sức cạnh tranh
Đề cập về chi phí logistics đối với hàng dệt may, bà Mai cho biết, chi phí logistics cao vẫn là thách thức đối với sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam, trong đó có hàng dệt may. Nếu vấn đề logistics cao vừa qua không được giải quyết thì DN dệt may Việt Nam sẽ không được hưởng lợi từ các FTA đã ký kết. Trong khi đó, các thách thức đối với vấn đề logistics như tình trạng kẹt cảng, thiếu container rỗng vẫn đang là vấn đề nan giải trên toàn cầu.
Theo đó, để hỗ trợ DN dệt may tiết giảm được chi phí logistics, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa XK, đại diện VITAS cho rằng, Việt Nam cần có giải pháp hiệu quả để giải quyết những thách thức về chi phí logistics cho các DN XK.
"Việt Nam cần có quyết sách phát triển vận chuyển đường biển thương hiệu Việt Nam. Cụ thể phát triển đội tàu container lớn kinh doanh tuyến xa đi châu Mỹ, châu Âu… là những thị trường lớn của ngành hàng dệt may Việt Nam để tránh lệ thuộc vào các đội tàu của nước ngoài", bà Mai gợi ý.
Với các DN dệt may, đại diện Hiệp hội cho rằng, DN cần có kế hoạch cho sản xuất kinh doanh và giao hàng từ đầu tới cuối để giao hàng đúng thời hạn theo hợp đồng ký kết. Với sự chủ động như vậy, DN dệt may sẽ tránh được các yếu tố bất lợi dẫn đến tăng chi phí logistics. Song song với đó, DN cần có kế hoạch dự phòng nhà cung cấp dịch vụ logistics, bởi thông thường nếu nhà cung cấp dịch vụ không có đối thủ cạnh tranh thì họ dễ tăng giá. Do đó, nếu DN có nhiều nhà cung cấp dịch vụ logistics thì DN sẽ vừa có được giá cung cấp dịch vụ cạnh tranh, chất lượng dịch vụ tốt...
Đồng hành khách hàng là các DN XK vượt qua khó khăn do chi phí logistics tăng cao, tình trạng thiếu container rỗng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, đại diện Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn cho biết, thời gian qua, Tổng công ty đã có nhiều giải pháp hỗ trợ DN giảm gánh nặng chi phí logistics, thiếu container…
“Với mô hình phát triển dịch vụ về gần nhà máy của DN, Tổng công ty thúc đẩy giải pháp kết nối hàng hóa, giao nhận trực tiếp tại ICD Tân Cảng - Long Bình, ICD Tân Cảng - Nhơn Trạch đối với những tàu ghé các cảng nhằm tiết kiệm chi phí và thời gian cho khách hàng”, bà Lệ cho hay.
Đặc biệt, để đáp ứng nhu cầu XK hàng hóa tăng mạnh trong thời gian tới, ông Phan Anh Tuấn, Giám đốc ICD Tân Cảng - Long Bình cho hay, năm 2022 - 2023, Tân Cảng - Long Bình có kế hoạch đầu tư mở rộng các kho hàng theo tiêu chuẩn quốc tế nhằm đáp ứng nhu cầu lưu trữ hàng hóa XK đi các nước châu Âu, châu Mỹ…, giúp tăng sức cạnh tranh hàng hóa cho các DN dệt may.
Về phía hãng tàu, đại diện hãng tàu COSCO cũng cho biết, hơn 1 năm nay, hãng tàu phát triển dịch vụ booking trực tuyến hỗ trợ DN XK. Đặc biệt, hãng tàu có chính sách hỗ trợ DNNVV đặt tàu với mức giá tốt cũng như ưu tiên container rỗng với giá cả hợp lý… từ đó hỗ trợ DN giảm chi phí logistics, góp phần tăng sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.