Tìm nguồn vốn cho phát triển xanh

(BĐT) - Huy động nguồn vốn cho phát triển nhanh và bền vững đang đặt ra thách thức lớn đối với Việt Nam. Gỡ khó cho vấn đề này, tại Diễn đàn bền vững Việt Nam 2018 vừa được tổ chức, nhiều ý tưởng, đề xuất mới đã được gợi mở.
Doanh nghiệp tư nhân đang phải đối mặt với những khó khăn trong tiếp cận các nguồn tài chính, công nghệ cho phát triển xanh. Ảnh: Dương Thúy
Doanh nghiệp tư nhân đang phải đối mặt với những khó khăn trong tiếp cận các nguồn tài chính, công nghệ cho phát triển xanh. Ảnh: Dương Thúy

Cần khoảng 30 tỷ USD cho tăng trưởng xanh

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương khẳng định, phát triển bền vững hiện là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Việt Nam. Theo số liệu mới nhất của Liên hợp quốc và Ngân hàng Thế giới, Việt Nam đã đạt được hơn 70% trong tổng số 21 mục tiêu đặt ra trong tiến trình thực hiện các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam hoàn toàn phù hợp với chương trình nghị sự đến năm 2030 với tiêu chí rõ ràng là không có ai bỏ lại phía sau.

Để đạt được các mục tiêu đặt ra tại Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thì đến năm 2030 Việt Nam cần ít nhất khoảng 30 tỷ USD. Trong đó, theo Thỏa thuận Paris trong khuôn khổ Chương trình nghị sự phát triển bền vững là khoảng 21 tỷ USD; còn việc tiếp tục giảm phát thải nhà  kính thông qua sử dụng năng lượng trong khuôn khổ thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam đòi hỏi phải có ít nhất 10 tỷ USD.

Nhu cầu vốn cho tăng trưởng xanh rất lớn, tuy nhiên, theo ông Phương, Việt Nam đang ưu tiên ngân sách cho giảm nợ công, phát triển hạ tầng, giải quyết các vấn đề xã hội và ứng phó với thiên tai. Do vậy, Việt Nam rất cần nguồn lực không chỉ đến từ khu vực trong nước mà còn cả bên ngoài, từ các tổ chức tài chính quốc tế, tư nhân… để thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh.

Tuy nhiên, khi nhìn vào năng lực của các DN tư nhân trong nước, TS. Phạm Hoàng Mai, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Tài nguyên và Môi trường thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư lại nêu thực tế, khu vực này đang phải đối mặt với những khó khăn trong tiếp cận các nguồn tài chính, công nghệ cho phát triển xanh. 

Huy động nguồn lực như thế nào?

Trước áp lực tài chính cho phát triển xanh, ông Nguyễn Thế Phương nhấn mạnh, thời gian tới, chúng ta cần tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi để thu hút đầu tư của khu vực tư nhân đầu tư nhiều hơn vào sản xuất và tiêu dùng xanh.

Hiện Việt Nam đang nổi lên như điểm đến thu hút đầu tư ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Năm 2017, thu hút FDI của Việt Nam tăng cao, chứng tỏ các nhà đầu tư đang có niềm tin vào môi trường kinh doanh ổn định.

Trong năm 2017, Việt Nam đã chuẩn bị đón nhận làn sóng tự động hóa sẽ chuyển dịch nhiều hơn vào hoạt động đầu tư và kinh doanh. Để chuẩn bị cho sự chuyển dịch này, dù sớm hay muộn thì Việt Nam cũng cần tăng cường hiệu ứng lan tỏa của đầu tư trực tiếp nước ngoài trong tương lai. Trong đó, phải tìm cách sử dụng hiệu quả các khoản đầu tư quốc tế trong tương lai để thúc đẩy các DN trong nước cung cấp và hỗ trợ các DN FDI như là một sự gắn kết DN Việt Nam với chuỗi cung ứng toàn cầu, nhất là trong các lĩnh vực kinh tế xanh.

Ông Nguyễn Thế Phương gợi ý, để Việt Nam hấp dẫn hơn trong việc thu hút nguồn lực từ các nhà đầu tư quốc tế thì môi trường kinh doanh trong nước phải thuận lợi, thực hiện cắt giảm điều kiện kinh doanh, giảm chi phí sản xuất cho doanh nghiệp… Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần thay đổi chính sách đầu tư nước ngoài để thu hút được đầu tư công nghệ xanh, ít tiêu tốn năng lượng. “Chúng ta có thể thu hút các quỹ đầu tư để hỗ trợ cho các dự án trong nước, có thể mở rộng các lĩnh vực để nhà đầu tư quan tâm đầu tư vào Việt Nam”, ông Phương nói.

Bà Lê Phương, Giám đốc đối ngoại Tập đoàn Nestle Việt Nam cho rằng, Chính phủ cần hỗ trợ các dự án đổi mới, bền vững và hòa nhập cho đối tượng thu nhập thấp ở Việt Nam. Trong khi đó, nhiều chuyên gia nhìn nhận hình thức đầu tư đối tác công - tư  (PPP) như một giải pháp hữu hiệu. Tuy nhiên, các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu thường kéo dài và lợi nhuận thấp, nên Chính phủ cần có cam kết về thể chế, đảm bảo lợi ích và hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư. Đây là chìa khóa để mở cửa cho nguồn tài chính dưới dạng PPP.

Tháo gỡ nguồn lực cho đầu tư xanh, hiện Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng đang phối hợp với Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu (GGGI) xây dựng Sổ tay tín dụng xanh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cuốn cẩm nang này sẽ đưa ra một số tiêu chí cốt lõi, tạo điều kiện cho khối DN này tiếp cận được các khoản vay từ Quỹ một cách dễ dàng hơn.

Tin cùng chuyên mục