Dự án PPP phải bảo đảm cạnh tranh thì người dân mới được hưởng lợi. Ảnh: Lê Tiên |
Sử dụng công cụ công ty nhà nước đối chứng
Để quyết định lựa chọn đầu tư theo hình thức đầu tư công truyền thống hay đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), ông Richard Foster, nguyên Trưởng ban Ban hạ tầng, Tiểu bang Victoria của Australia cho biết, trước tiên, phía cơ quan chủ quản phải đánh giá mức độ ưu tiên của dự án. Sau đó, nếu được phê duyệt, cơ quan chủ quản sẽ xem xét đến việc dự án đó có được ưu tiên trong quá trình xét vốn về sau hay không.
Ông Richard cũng cho biết, để xem xét một dự án PPP có khả thi hay không, kinh nghiệm của Victoria là sử dụng công cụ PSC để đánh giá định tính, mô tả chi tiết các khả năng triển khai dự án. Theo đó, PSC định ra chi phí cần thiết để thực hiện dự án; đồng thời xác định rủi ro, cách điều chỉnh chi phí khi gặp rủi ro... Và đây cũng chính là các mốc được sử dụng để so sánh trong quá trình đấu thầu.
Ông Richard lấy ví dụ về một dự án đường xe lửa ở Australia, PSC sẽ phỏng đoán trước chi phí thực hiện dự án theo hình thức PPP là 250 triệu USD, trong khi đầu tư công thông thường do Nhà nước tự làm là 300 triệu USD. Như vậy, làm PPP thì sẽ tiết kiệm được 50 triệu USD. Trường hợp, nếu giá trúng thầu là 270 triệu USD thì có thể chấp nhận được, vì cao hơn mức dự kiến nhưng vẫn thấp hơn so với Nhà nước tự làm.
Một ví dụ khác là tại Dự án đầu tư Bệnh viện Nhi Hoàng Gia, PSC đã chứng minh được phía Nhà nước nếu tự làm sẽ phải chi trả tới 1,016 tỷ USD, trong khi nếu có sự tham gia của khu vực tư nhân chỉ mất 946 triệu USD (tiết kiệm được 6,9%).
Coi đấu thầu cạnh tranh là yêu cầu bắt buộc
Ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ KH&ĐT cho biết, lâu nay, cơ quan nhà nước thường có thói quen đẩy hết trách nhiệm cho nhà đầu tư. Thậm chí có những hợp đồng có thể thực hiện theo đơn giá cố định, hoặc đơn giá điều chỉnh, nhưng chủ đầu tư vẫn lựa chọn hợp đồng trọn gói cho “đỡ phải nghĩ”. Điều này khiến chi phí dự án gia tăng, do nhà đầu tư phải chịu nhiều rủi ro.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia quốc tế, đấu thầu cạnh tranh là một trong những yêu cầu bắt buộc để đảm bảo tính hiệu quả giá trị vốn đầu tư của một dự án PPP. Ông Nguyễn Đăng Trương cũng cho rằng: “Không có lựa chọn nào tốt hơn nguyên tắc của thị trường là cạnh tranh. Người đề xuất dự án chưa chắc đã là người làm tốt nhất dự án đó. Đề xuất dự án ban đầu chưa hẳn đã là hiệu quả nhất, bởi có thể có những nhà đầu tư khác có những sáng kiến, ý tưởng tốt hơn. Tuy nhiên, để khuyến khích nhà đầu tư tư nhân đưa ra những sáng kiến, ý tưởng tốt, trong trường hợp nhà đầu tư đề xuất không trúng thầu thì vẫn được hoàn trả chi phí nghiên cứu ban đầu”.
Đồng thuận với quan điểm này, ông Ian Hawkesworth,Trưởng Ban PPP và vốn ngân sách của OECD cho rằng, việc chỉ định nhà đầu tư đề xuất dự án thực hiện luôn dự án đó có thể dẫn đến việc thao túng dự án, Nhà nước không thể kiểm soát được.
“Điều quan trọng là phải tạo ra được một dự án khả thi, chứ không phải là làm theo năng lực của phía Nhà nước. Lợi ích của việc đấu thầu dự án PPP không chỉ là nhà đầu tư có quyền triển khai dự án, mà là các cấu phần của dự án phải bảo đảm cạnh tranh thì người dân mới được hưởng lợi”, ông Ian nhấn mạnh.
Để đảm bảo tính khả thi dự án PPP, ông Richard cho rằng, hợp đồng phải có quy định một điều khoản riêng về việc đàm phán lại để cả phía cơ quan nhà nước, cũng như nhà đầu tư tư nhân có thể đưa ra yêu cầu bổ sung hoặc điều chỉnh dự án khi thấy cần thiết. Tuy nhiên, không phải trường hợp khó khăn nào cũng có thể điều chỉnh, cho nên hợp đồng phải quy định rõ mức độ nào thì mới được yêu cầu đàm phán lại.