TP.HCM đề xuất nắn Vành đai 4 giúp tiết kiệm hơn 4.100 tỷ đồng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Ngoài hướng tuyến theo quy hoạch, chính quyền TP.HCM đề xuất hai phương án nắn chỉnh Vành đai 4, giúp tiết kiệm khoảng 4.100 tỷ đồng và giảm ảnh hưởng tới 669 căn nhà, công trình.

UBND TP.HCM vừa có công văn khẩn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải (GTVT) chủ trì phối hợp với chính quyền TP.HCM và 3 tỉnh rà soát, điều chỉnh hướng tuyến Vành đai 4.

Việc điều chỉnh nhằm làm cơ sở cho các địa phương tổ chức lập, trình thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, quyết định chủ trương đầu tư.

TP.HCM sẽ cập nhật phương án điều chỉnh cục bộ hướng tuyến trên địa bàn vào đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.

Có 3 phương án được đề xuất nghiên cứu, lấy ý kiến góp ý để lựa chọn phương án tối ưu.

Sơ đồ Vành đai 4 TP.HCM

Sơ đồ Vành đai 4 TP.HCM

Theo đó, với phương án 1, tuyến gần như đi trùng quy hoạch, dài hơn 17 km, phạm vi giải toả gần 155 ha. Tuy phương án có diện tích giải phóng mặt bằng thấp nhất nhưng số hộ dân giải tỏa lại nhiều nhất. Theo cách này, tổng mức đầu tư Dự án cao nhất, gần 17.800 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng hơn 10.600 tỷ đồng, còn lại là xây lắp. Do tuyến vành đai đi qua đường hiện hữu nên khi triển khai thi công sẽ rất khó khăn về tổ chức giao thông.

Phương án 2, phần đầu tuyến dài khoảng 9,7 km sẽ nắn chỉnh về phía Nam, tránh đường Bàu Lách và Nguyễn Thị Rành. Gần 4 km tiếp theo cũng nắn lại để tránh đường Trung Viết, Cao Thị Bèo. Theo cách này, Dự án giảm kinh phí đầu tư còn khoảng 13.800 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng hơn 6.900 tỷ đồng.

Phương án 3, tuyến được nắn chỉnh khoảng 14,1 km về phía Nam để tránh các đường hiện hữu, tổng kinh phí khoảng 13.600 tỷ đồng. Trong đó, phần bồi thường chiếm gần 6.700 tỷ đồng. Cách này được Sở GTVT Thành phố đánh giá khả thi hơn khi tuyến đi thẳng, ngắn, chi phí đầu tư thấp hơn các hướng còn lại. Phương án này cũng hạn chế ảnh hướng tới người dân vì chỉ di dời khoảng 481 căn nhà, công trình; trong khi phương án 1 cần giải toả 1.150 trường hợp, phương án 2 khoảng 486.

Trên cơ sở đánh giá, nghiên cứu, Sở GTVT TP.HCM chọn phương án 3 bởi hướng tuyến thẳng nhất, chiều dài con đường ngắn nhất, chi phí đầu tư thấp nhất so với các phương án còn lại và đặc biệt là giảm thiểu tối đa ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

Theo Sở GTVT, so về chi phí đầu tư, thực hiện phương án 3 sẽ tiết kiệm gần 4.160 tỷ đồng so với phương án 1, đồng thời giảm 669 căn nhà, công trình phải di dời.

Vành đai 4 có điểm đầu tại đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, điểm cuối tuyến nối trục Bắc - Nam tại khu vực cảng Hiệp Phước TP.HCM. Tuyến có chiều dài gần 198 km, đi qua 12 huyện thuộc 5 tỉnh, thành phố: TP.HCM, Bình Dương, Long An, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu.

Tin cùng chuyên mục