Dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM (giai đoạn 1) là dự án cấp bách, quan trọng, đã hoàn thành trên 90% khối lượng nhưng hiện dừng thi công. Ảnh: Lê Tiên |
Đây là động thái mới nhất của TP.HCM nhằm tháo gỡ vướng mắc kéo dài cho dự án BT quy mô lớn đã hoàn thành hơn 90% khối lượng thi công, sớm đưa Dự án về đích.
UBND TP.HCM và Công ty CP Đầu tư Xây dựng Trung Nam ký hợp đồng BT thực hiện dự án nói trên từ ngày 27/5/2016, với tổng vốn đầu tư 9.926.648.154.000 đồng, dự kiến hoàn thành năm 2018. Tỷ lệ thanh toán bằng quỹ đất trên tổng vốn đầu tư là 16% (tương đương 1.588.263.704.640 đồng). Ngày 7/10/2019, TP.HCM điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án. Theo đó, tổng vốn đầu tư là 9.976.823.154.000 đồng, thời gian thực hiện là 2016 - 2020. Do đó, tỷ lệ thanh toán bằng quỹ đất cho Nhà đầu tư tương ứng 1.596.291.704.640 đồng.
Về quỹ đất thanh toán cho Nhà đầu tư, ban đầu, TP.HCM dự kiến thanh toán cho Nhà đầu tư bằng 5 khu đất. Tuy nhiên, ngày 9/9/2020, Thành phố có công văn chấm dứt chủ trương sử dụng 2 khu đất (tại quận Tân Phú và Quận 1) để thanh toán hợp đồng BT của Dự án do diện tích nhỏ, có hộ dân đang cư trú. Sau điều chỉnh, 3 khu đất dự kiến thanh toán hợp đồng BT cho Nhà đầu tư gồm: Khu đất tại Lô C8A - Khu A - Khu đô thị mới Nam Thành phố, phường Tân Phú, Quận 7 (diện tích 5.500 m2); khu đất tại số 232 Đỗ Xuân Hợp, phường Phước Long A, Quận 9 (diện tích 17.573,5 m2) và khu đất tại số 762 Bình Qưới, Phường 26, quận Bình Thạnh (diện tích 4.298 m2). Giá trị ước tính của 3 khu đất là 698.197.535.000 đồng. Giá trị quỹ đất còn thiếu khoảng 898.094.169.640 đồng.
Theo UBND TP.HCM, hợp đồng BT của Dự án được ký từ năm 2016, trước thời điểm ban hành Nghị định số 69/2019/NĐ-CP quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT. Nghị định số 35/2021/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư quy định: “Đối với các hợp đồng BT thanh toán bằng quỹ đất, trụ sở làm việc cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT đã được ký kết theo đúng quy định của pháp luật tại thời điểm ký hợp đồng BT trước ngày 1/1/2018 mà chưa hoàn thành việc thanh toán cho nhà đầu tư thì tiếp tục thực hiện việc thanh toán theo nội dung hợp đồng BT đã ký kết”.
Trong khi đó, Luật Đất đai 2013 quy định, các trường hợp không đấu giá quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất, cho thuê đất thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ. Do vậy, các khu đất đề xuất thanh toán hợp đồng BT dự án nói trên thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM (giai đoạn 1) đã vướng mắc nhiều năm và Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu cơ quan quản lý nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, không để dây dưa, kéo dài.
Ngày 1/4/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 40/NQ-CP về việc tiếp tục triển khai Dự án. Đánh giá đây là dự án cấp bách, quan trọng, đã triển khai được trên 90% khối lượng, Chính phủ thống nhất chấp thuận về nguyên tắc theo đề nghị của UBND TP.HCM và các bộ liên quan, cho phép TP.HCM tiếp tục triển khai Dự án theo cơ chế đặc thù đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý và các thủ tục đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận nhằm bảo đảm lợi ích kinh tế - xã hội, tránh lãng phí nguồn lực đã đầu tư.
Theo đó, UBND TP.HCM chịu trách nhiệm toàn diện trong quá trình tổ chức thực hiện hoàn thành Dự án, không để xảy ra tiêu cực, thất thoát, lãng phí ngân sách và tài sản của Nhà nước; thanh toán cho nhà đầu tư, doanh nghiệp theo đúng hợp đồng đã được ký kết.
Từ góc độ nhà đầu tư, đại diện Công ty CP Đầu tư Xây dựng Trung Nam cho biết, hiện 6 công trình cống ngăn triều lớn của Dự án gồm Bến Nghé, Cây Khô, Mương Chuối, Phú Định, Phú Xuân, Tân Thuận gần như đã dừng hẳn việc thi công dù các cống này cơ bản sắp hoàn thành. Nếu Dự án tiếp tục bị ngưng trệ, Nhà đầu tư sẽ thiệt hại rất lớn, cuộc sống của hàng vạn người dân sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng do triều và mùa mưa.