Trả giá nếu thu hút đầu tư bằng mọi giá

(BĐT) - Thời gian qua, có không ít địa phương đã nói không với các dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nơi vì muốn “ghi điểm, lấy thành tích” mà thu hút đầu tư bằng mọi giá để rồi phải trả giá.
Chi phí đầu tư cho hệ thống xử lý nước thải của các nhà máy chiếm khá lớn trong cơ cấu vốn đầu tư. Ảnh: Đại Thanh
Chi phí đầu tư cho hệ thống xử lý nước thải của các nhà máy chiếm khá lớn trong cơ cấu vốn đầu tư. Ảnh: Đại Thanh

Nhiều bài học đắt giá

Còn nhớ vụ Công ty Vedan (Đài Loan - Trung Quốc) xả thải ra sông Thị Vải được phát hiện vào năm 2008. Mặc dù bị bắt quả tang nhưng doanh nghiệp này vẫn không nhận trách nhiệm, trong khi các ngành chức năng xác định Vedan đã xả thải trực tiếp ra sông Thị Vải trong suốt 14 năm trước khi bị phát hiện. Lưu lượng nước thải hàng tháng của Vedan lên đến hàng trăm ngàn m3, thiệt hại hàng chục ngàn ha thủy sản, trị giá hàng ngàn tỷ đồng. Vụ xả thải chui này được xem là “tai tiếng” nhất tại thời điểm đó.

Kể từ vụ phát hiện Vedan xả thải “khủng” cho đến nay, cả nước đã phát hiện thêm hàng trăm vụ lén lút xả thải ra môi trường ở hầu hết các địa phương, trong đó có nhiều vụ “ăn quỵt” môi trường với quy mô lớn như: Công ty Tung Kuang (100% vốn Đài Loan - Trung Quốc) tại Hải Dương bị Cảnh sát môi trường phát hiện xả thải ra sông tháng 4/2010. Vụ việc được đánh giá nghiêm trọng như vụ Vedan.

Tháng 8/2011, Cảnh sát môi trường đã bắt quả tang Công ty CP Dịch vụ Sonadezi (Việt Nam) thuộc Tổng công ty Sonadezi là đơn vị vận hành Nhà máy Xử lý nước thải của Khu công nghiệp Long Thành, Đồng Nai đã tuồn khoảng 100.000m3 nước thải chưa xử lý ra sông. 

Gần đây nhất là vụ việc của Công ty CP Mía đường Hòa Bình xả nước thải ra sông Bưởi (Thanh Hóa), Công ty TNHH MeiSheng Textiles Việt Nam (100% vốn Đài Loan - Trung Quốc) xả thải vào hồ Đá Đen Vũng Tàu, gây ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước sinh hoạt của hàng triệu hộ dân.

Gần đây nhất, dư luận ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã “dậy sóng” vì lo ngại Nhà máy Giấy Lee & Man (Hồng Kông - Trung Quốc) tại Cụm công nghiệp Phú Hữu A, tỉnh Hậu Giang khi đi vào hoạt động sẽ gây nguy hại cho môi trường khi Nhà máy Giấy được cấp phép xả nước thải tới 50.000m3/ngày đêm nhưng Nhà máy Xử lý nước thải lại chỉ có công suất tối đa 20.000m3/ngày đêm. May mắn là vụ việc đã được phát hiện sớm và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có biện pháp chấn chỉnh kịp thời, không để xảy ra “chuyện đã rồi” như những vụ việc trước đây.

Cần “thuộc kỹ bài” hơn trong thu hút đầu tư

Với sự phân cấp quản lý đầu tư, địa phương có quyền tiếp nhận hay từ chối dự án đầu tư. Tuy nhiên, để tránh những “việc đã rồi”, việc cần làm lúc này là phải rà soát lại kỹ lưỡng lĩnh vực quản lý môi trường; phải có cơ chế phù hợp, thậm chí là khắt khe, để giám sát việc thực hiện trách nhiệm môi trường của nhà đầu tư.
Trở lại câu chuyện Nhà máy Giấy ở Hậu Giang, ông Võ Thanh Hùng, Trưởng ban Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ (CEPIZA) chia sẻ, ngay từ khi mới về CEPIZA (năm 2006), lãnh đạo Ban đã có vài cuộc tiếp xúc với nhà đầu tư đến xin đầu tư dự án này tại Khu công nghiệp (KCN) Hưng Phú. Tại buổi tiếp xúc, nhà đầu tư trình bày mong muốn được thuê hơn 200 ha đất tại KCN để đầu tư nhà máy giấy công suất lên đến trên 2 triệu tấn/năm, vốn đầu tư trên 3 tỷ USD. “Khi đó KCN Hưng Phú mới được thành lập, nếu dự án này vào thì cơ bản xem như KCN được lấp đầy. Do đó, lãnh đạo UBND TP. Cần Thơ lúc bấy giờ cũng rất muốn có được Dự án” -  ông Hùng nhớ lại.

Tuy nhiên, với kinh nghiệm 15 năm phụ trách lĩnh vực công nghiệp, từng có dịp tham quan nhà máy giấy ở nước ngoài và biết được mức độ ô nhiễm của nó như thế nào nên ông Hùng đã “từ chối khéo” bằng việc chỉ địa điểm đầu tư khác có nhiều thuận lợn hơn cho nhà đầu tư.

Theo ông Hùng, có mấy lý do mà Cần Thơ không tiếp nhận dự án này: Thứ nhất là sử dụng nhiều đất đai, thứ hai là công nghệ lạc hậu, thứ ba là không có vùng nguyên liệu. Hơn nữa, KCN Hưng Phú nằm sát trung tâm Thành phố, ven sông Hậu nên được định hướng thu hút các ngành công nghiệp sạch trong khi sản xuất giấy được xếp vào loại công nghiệp ô nhiễm.

Ông Hùng cũng cho biết, để tránh mất lòng nhà đầu tư cho những dự án tương tự như vậy, về sau này CEPIZA đã soạn thảo, tham mưu với UBND Thành phố ký, ban hành Công văn 6206/UBND-KT nêu rõ 9 lĩnh vực ngành, nghề mà địa phương không khuyến khích đầu tư tại KCN Hưng Phú gồm: nhuộm, thuộc da, sản xuất tấm lợp có amiăng, chế biến nhớt và mỡ cặn, sản xuất bột giấy và giấy, các ngành sản xuất có chất thải độc hại… Căn cứ công văn này, thời gian qua, CEPIZA đã thẳng thừng từ chối dự án không được khuyến khích.

Ông Phạm Thành Khôn, Trưởng ban Ban quản lý KCN tỉnh Vĩnh Long cho biết: Lúc ông đang công tác tại Sở KH&ĐT, chủ đầu tư Nhà máy Giấy Lee & Man cũng đã từng xin phép đầu tư nhà máy tại KCN Bình Minh, nhưng cũng với tinh thần như Cần Thơ, địa phương không chấp nhận Dự án.

Nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, GS. Đặng Hùng Võ cho rằng, với sự phân cấp quản lý đầu tư, địa phương có quyền tiếp nhận hay từ chối dự án đầu tư. Tuy nhiên, để tránh những “việc đã rồi”, việc cần làm lúc này là phải rà soát lại kỹ lưỡng lĩnh vực quản lý môi trường; phải có cơ chế phù hợp, thậm chí là khắt khe, để giám sát việc thực hiện trách nhiệm môi trường của nhà đầu tư.