Trạm thu phí ngó lơ chỉ đạo dỡ bỏ

Ba năm trước, Bộ GTVT thống nhất với các cơ quan liên quan di dời trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài lên QL2 để hoàn vốn cho đoạn tránh thành phố Vĩnh Yên (tỉnh Vĩnh Phúc). Tuy nhiên, đến nay, trạm này vẫn hoạt động và thu phí phương tiện.
Sau 3 năm Bộ GTVT chỉ đạo di dời, trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài vẫn tồn tại.
Sau 3 năm Bộ GTVT chỉ đạo di dời, trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài vẫn tồn tại.

Là tuyến đường được đầu tư bằng ngân sách nhà nước và hiện thành phố Hà Nội đang quản lý, tuy nhiên đường Bắc Thăng Long - Nội Bài đoạn qua địa bàn huyện Sóc Sơn lại đang bị án ngữ bởi trạm thu phí BOT để hoàn vốn cho một dự án khác.

Cụ thể, thay vì được đi đường nhà nước miễn phí, từ tháng 9/2009 đến nay, người dân sống tại Thủ đô khi tham gia giao thông trên đường Bắc Thăng Long - Nội Bài phải trả phí từ 10.000 đến 80.000 đồng/lượt ô tô.

Theo quan sát của PV, khi các dòng phương tiện đang lưu thông thông suốt trên đường Bắc Thăng Long - Nội Bài, tuy nhiên đến Km 10 đoạn qua xã Phú Cường (Sóc Sơn) tất cả phương tiện phải dừng lại và xếp thành hàng dài để mua vé qua trạm BOT.

Với phương thức thu phí truyền thống, mỗi xe ô tô qua trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài phải dừng ít nhất từ 30 giây đến gần 1 phút trả phí. Để đảm bảo trật tự và tránh ùn tắc, tại khu vực trạm thu phí luôn có cảnh sát và thanh tra giao thông túc trực.

Theo hợp đồng BOT được ký giữa đại diện Bộ GTVT là Tổng cục Đường bộ Việt Nam và nhà đầu tư là Cty Cổ phần BOT Viettracimex8, với giá trị hợp đồng BOT gồm 531 tỷ đồng, từ 1/9/2009, Cty Viettracimex8 được đặt trạm thu phí trên đường Bắc Thăng Long - Nội Bài để hoàn vốn dự án QL2 đoạn tránh thành phố Vĩnh Yên trong vòng 16 năm 10 tháng.

Đến nay, nhà đầu tư đã thu được 8 năm. Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên cho rằng, việc lập trạm thu phí BOT trên trục Bắc Thăng Long - Nội Bài là không chấp nhận được.

Thứ nhất, đường được xây dựng, bảo trì bằng ngân sách nhà nước nhưng lại để nhà đầu tư BOT nhảy vào thu phí; thứ hai, nhà đầu tư BOT làm đường tại Vĩnh Phúc nhưng lại bắt người tham gia giao thông ở Hà Nội đóng phí là quá vô lý.

Đại diện Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cũng cho biết, hình thức thu của trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài không khác gì trạm thu phí BOT Tào Xuyên (QL1), thu phí hoàn vốn đoạn tránh thành phố Thanh Hóa và trạm BOT cầu Bến Thủy thu phí để hoàn vốn cầu Bến Thủy 2.

Đó là làm đường, cầu một nơi nhưng thu phí một nẻo. Do sự vô lý này mà các trạm trên vừa phải di dời hoặc bỏ thu phí người dân địa phương.

Thống nhất dỡ bỏ nhưng trạm vẫn hoạt động

Trước phản ứng của người dân và doanh nghiệp vận tải, trong điều kiện tuyến đường được quản lý, bảo trì bằng nguồn ngân sách nhà nước tại thành phố Hà Nội, năm 2013, thành phố Hà Nội đã có văn bản gửi Thủ tướng và Bộ GTVT kiến nghị di chuyển trạm thu phí về đúng dự án là QL2.

Cho biết quan điểm về việc này, lãnh đạo thành phố Hà Nội nhấn mạnh, tuyến đường Bắc Thăng Long - Nội Bài hiện thành phố đang quản lý, đây cũng là tuyến đường đối ngoại khi được nối từ sân bay quốc tế Nội Bài về trung tâm thành phố.

Do vậy để phù hợp với công tác quản lý hạ tầng, tránh ùn tắc và người dân phản ứng, lãnh đạo thành phố đã đề nghị Chính phủ, Bộ GTVT xóa bỏ trạm thu phí tại đây.

Sau khi có kiến nghị của thành phố Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GTVT làm việc với các bên liên quan để đưa ra phương án phù hợp nhất. Chiều 12/4, thông tin về việc thực hiện các ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, đại diện Bộ GTVT cho biết, để đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà đầu tư với lợi ích nhà nước và người tham gia giao thông, Bộ GTVT đã thống nhất với thành phố Hà Nội là di dời trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài về QL2.

Từ năm 2013, Bộ GTVT đã làm việc với các bộ ngành, địa phương và nhà đầu tư, trên cơ sở các buổi làm việc này Bộ GTVT đã thống nhất phương án dừng trạm thu phí Bắc Thăng Long từ ngày 1/7/2013, cùng với đó cho phép di chuyển về QL2 để tiếp tục thu phí hoàn vốn dự án. Tuy nhiên, khảo sát của chúng tôi trong những ngày qua, trạm thu phí BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài vẫn hoạt động bình thường.

Lý giải lý do không dừng trạm theo yêu cầu của Bộ GTVT, trao đổi với PV Tiền Phong, lãnh đạo Tổng Cty Cổ phần Thương mại xây dựng (Bộ GTVT)- cơ quan chủ quản của Cty Viettracimex8 cho rằng, dự án được triển khai trên cơ sở nhà đầu tư đã thống nhất bằng hợp đồng BOT với cơ quan đại diện Bộ GTVT là Tổng cục Đường Bộ Việt Nam khảo sát lượng phương tiện, lên phương án hoàn vốn dự án qua việc thu phí trên đường Bắc Thăng Long - Nội Bài.

Nay chuyển về QL2 lượng phương tiện sẽ khác nhiều so với đường Bắc Thăng Long - Nội Bài, như vậy làm sao nhà đầu tư hoàn vốn được.

Tin cùng chuyên mục