Nhiều tổ chức quốc tế dự báo kinh tế Việt Nam 2024 có thể đạt mức tăng trưởng cao hơn năm 2023. Ảnh: Lê Tiên |
Tại Báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam vừa công bố, nhóm nghiên cứu của Ngân hàng UOB nhận xét, Việt Nam đạt kết quả tăng trưởng mạnh mẽ những tháng đầu năm 2024 nhờ sự phục hồi của cả lĩnh vực sản xuất và dịch vụ, sự tăng tốc trong hoạt động thương mại quốc tế với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 2021, đảo ngược sự suy giảm trong hầu hết năm 2023.
Số liệu vĩ mô tháng 5 khẳng định triển vọng tích cực về quỹ đạo tăng trưởng của Việt Nam. Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) cho lĩnh vực sản xuất tăng tháng thứ hai liên tiếp, ở mức 50,3 điểm, cho thấy động lực tăng trưởng vẫn tích cực. Xuất khẩu hàng hóa ghi nhận tháng thứ ba tăng trưởng hai con số, với mức tăng 15,8% so với cùng kỳ năm ngoái, nhập khẩu tăng 29,9%.
Số liệu vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) khá lạc quan cho thấy, các nhà đầu tư tiếp tục tin tưởng vào môi trường chính trị, kinh tế và khả năng cạnh tranh của Việt Nam. Dòng vốn FDI giải ngân 5 tháng đầu năm ước đạt 8,25 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2023, tăng mạnh nhất trong giai đoạn 5 tháng kể từ năm 2018. Các hoạt động trong nước đang đi đúng hướng với tổng doanh số bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước.
UOB cho rằng, dù rủi ro bên ngoài tiếp tục đè nặng (bao gồm xung đột ở Đông Âu và Trung Đông), triển vọng của kinh tế Việt Nam được củng cố nhờ sự phục hồi của nhu cầu chip bán dẫn, tăng trưởng ổn định ở Trung Quốc và khu vực, cũng như sự dịch chuyển trong chuỗi cung ứng. “Dựa trên dữ liệu được công bố cho đến nay, chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng GDP sẽ đạt 6% trong quý II/2024. Chúng tôi duy trì dự báo tăng trưởng của Việt Nam ở mức 6,0% cho năm 2024”, UOB cho biết.
Nhiều ý kiến cùng quan điểm với UOB khi cho rằng, Việt Nam có triển vọng cải thiện tốc độ tăng trưởng thông qua việc thúc đẩy đầu tư công, tiêu dùng, du lịch, gia tăng đóng góp của số hóa, công nghệ cao vào tăng trưởng, đẩy mạnh quá trình chuyển đổi xanh, tận dụng xu hướng chuyển dịch dòng vốn đầu tư nước ngoài... Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn phải đối mặt với không ít rủi ro, biến động phức tạp, khó lường như: sự phục hồi chậm của các đối tác thương mại lớn; áp lực lạm phát toàn cầu vẫn ở mức cao; xu hướng tiếp tục thắt chặt tiền tệ ở nhiều quốc gia nhằm kiềm chế lạm phát; rủi ro gián đoạn trong chuỗi giá trị toàn cầu; an ninh năng lượng, an ninh lương thực, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, bão lũ, hạn hán... tiếp tục là các vấn đề cần quan tâm.
Xuất khẩu hàng hóa tháng 5/2024 ước đạt 32,81 tỷ USD, ghi nhận tháng thứ ba tăng trưởng hai con số. Ảnh: Lê Tiên |
Phân tích kết quả những tháng đầu năm, triển vọng tăng trưởng những tháng cuối năm, nhiều tổ chức quốc tế dự báo kinh tế Việt Nam 2024 có thể đạt mức tăng trưởng cao hơn năm 2023. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Ngân hàng Standard Chartered có cùng dự báo, tăng trưởng kinh tế năm 2024 của Việt Nam sẽ được duy trì ở mức 6%. Cơ quan xếp hạng tín dụng Fitch Ratings dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ đạt 6,3% năm 2024.
TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, dù diễn biến tích cực song các động lực tăng trưởng phục hồi không đồng đều trong những tháng đầu năm nay. Đồng thời, nền kinh tế phải đối mặt với các rủi ro và thách thức lớn trong thời gian tới như: xung đột địa chính trị phức tạp và gia tăng, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, lạm phát và lãi suất dù giảm nhưng còn cao, rủi ro nợ công và nợ tư vẫn cao.
Dù khó khăn nhưng theo TS. Cấn Văn Lực, với việc thực thi quyết liệt các giải pháp của Chính phủ về kích cầu nền kinh tế, đẩy mạnh hội nhập quốc tế qua việc nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược với các nước lớn, cơ cấu lại nền kinh tế, hoàn thiện thể chế qua việc đẩy nhanh thời điểm áp dụng và triển khai có hiệu quả các luật mới như Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023, Luật Các tổ chức tín dụng 2024, kinh tế Việt Nam hoàn toàn có thể đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6 - 6,5% trong năm nay.
Theo TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), các số liệu kinh tế vĩ mô trong 5 tháng đầu năm rất tích cực, đặc biệt ở các động lực tăng trưởng chủ đạo. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu khả quan và đánh dấu năm thứ 8 liên tiếp giữ trạng thái xuất siêu, chỉ số sản xuất công nghiệp phục hồi, FDI tăng. Dù vậy, bức tranh kinh tế 5 tháng cho thấy nhiều yếu tố rủi ro cần chú ý kiểm soát như: lạm phát có xu hướng tăng, biến động mạnh trên một số thị trường tài sản, tỷ giá tăng gây khó cho một số doanh nghiệp xuất khẩu…
“Kết quả tích cực của 5 tháng đầu năm có đóng góp không nhỏ từ nỗ lực xây dựng và thực thi các chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh. Trong thời gian tới, bên cạnh việc thực hiện các giải pháp nới lỏng tài khóa và tiền tệ, cần gia tăng các chính sách kích cầu tiêu dùng trong nước bằng các giải pháp hỗ trợ giảm giá hàng hóa/dịch vụ, tăng hỗ trợ phúc lợi, giảm chi phí sinh hoạt của người dân cho các dịch vụ thiết yếu như y tế, giáo dục. Nếu làm tốt các giải pháp thúc đẩy động lực tăng trưởng thì tăng trưởng kinh tế năm nay có triển vọng đạt trên 6%”, ông Việt nhấn mạnh.